Hiện nay, việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số: 20/2018/TT-BGDĐT - Thông tư ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Quy định này áp dụng đối với giáo viên trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo chu kỳ mỗi năm một lần.
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Sài gòn giải phóng |
Việc đánh giá mỗi năm một lần rất hình thức
Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên mỗi năm một lần rất hình thức, lãng phí hầu như chỉ làm cho giáo viên thêm áp lực không có tác dụng đánh giá phân loại giáo viên (đã thể hiện trong việc đánh giá phân loại giáo viên hàng năm).
Mà đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên ngay từ tên gọi là đánh giá chuẩn nghề nghiệp thì giáo viên đã được đào tạo bài bản từ trường sư phạm, được hợp đồng, được đánh giá hàng năm nên người viết cho rằng chỉ cần phân ra 2 trường hợp là giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo và chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục là hợp lý, không cần phải đánh giá chuẩn nghề nghiệp rất hình thức như hiện nay.
Không hình thức sao được, khi rất khó tìm kiếm một nghề nào mà mỗi năm đánh giá chuẩn nghề nghiệp một lần, không thể có việc có người có năm đạt chuẩn sang năm sau không đạt chuẩn hay chỉ vì thiếu thành tích mà một người đạt chuẩn, không đạt chuẩn, rất phi lý.
Hiện nay đánh giá gọi là đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhưng giáo viên mỗi năm học phải đánh giá đến 15 tiêu chí:
Tiêu chí 1. Đạo đức nhà giáo
Tiêu chí 2. Phong cách nhà giáo
Tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân
Tiêu chí 4. Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Tiêu chí 5. Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Tiêu chí 6. Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Tiêu chí 7. Tư vấn và hỗ trợ học sinh
Tiêu chí 8. Xây dựng văn hóa nhà trường
Tiêu chí 9. Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường
Tiêu chí 10. Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường
Tiêu chí 11. Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan
Tiêu chí 12. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh
Tiêu chí 13. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Tiêu chí 14. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc
Tiêu chí 15. Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
Các tiêu chí được xếp loại Đạt, Khá, Tốt và Chưa đạt
Theo đó để được đánh giá loại tốt thì ít nhất có 2/3 tiêu chí loại tốt (ít nhất 10 tiêu chí) trong đó tất các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 (tiêu chí 3, 4, 5, 6, 7) phải xếp loại tốt và không có tiêu chí nào xếp loại đạt.
Mỗi tiêu chí đánh giá từ mức đạt trở lên bắt buộc phải có minh chứng.
Các bước đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay
Thật ra với các tiêu chuẩn này thì hầu như đa số giáo viên chỉ đạt loại Khá, nhưng mỗi năm phải thực hiện đánh giá một lần, rất tốn thời gian, công sức vì quy trình đánh giá chuẩn nghề nghiệp cũng vô cùng tốn thời gian, gia tăng áp lực hồ sơ lên giáo viên.
Vì làm gì có ai hoàn hảo và dám tự nhận mình đạt tốt cả 4 tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và phải đạt trên 10 tiêu chí, mà cũng không có đủ minh chứng để chứng minh mình đạt loại tốt mà nó cũng không phù hợp, có phần khập khiễng khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp mà nêu các tiêu chí xây dựng văn hóa, dân chủ, an toàn,…
Việc đánh giá chuẩn phải thực hiện theo nhiều vòng với các bước sau:
Bước 1: Tổ chức một cuộc họp lãnh đạo để hướng dẫn quán triệt tinh thần đánh giá
Bước 2: Họp tổ chuyên môn để triển khai và phát cho mỗi giáo viên tự đánh giá chuẩn của mình, theo các tiêu chí trên, mỗi tiêu chí phải có đầy đủ các minh chứng (việc này vô cùng tốn thời gian vì 15 tiêu chí phải kèm rất nhiều minh chứng như bảng đánh giá, phân loại giáo viên, kế hoạch bài dạy, phân phối chương trình, kế hoạch cá nhân, sổ họp tổ, sổ họp phụ huynh, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học,…), ít nhất loại đạt phải có 15 minh chứng, loại khá, tốt phải có nhiều hơn.
Bước 3: Giáo viên đánh giá đồng nghiệp, tức là trong tổ có 6 người thì giáo viên phải đánh giá 5 người còn lại, việc này cũng vô cùng hình thức.
Bước 4: Tổ trưởng chuyên môn đánh giá cả tổ
Bước 5: Hiệu trưởng đánh giá từng thành viên.
Bước 6: Từng giáo viên tiếp tục tự đánh giá trên phần mềm temis.taphuan.csdl.edu.vn, với các bước y như bước 1 nhưng phải tải các minh chứng lên phần mềm
Rồi tổ trưởng tiếp tục vào phần mềm trên đánh giá, hiệu trưởng đánh giá, rất tốn thời gian, lãng phí.
Mà quan trọng là việc đánh giá xong, rồi không ai quan tâm tới, cuối năm lại tiếp tục đánh giá y chang năm học trước.
Do đó, người viết cho rằng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên chỉ cần đánh giá khi giáo viên nhận công tác là đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn hoặc đánh giá lại khi giáo viên có thay đổi trình độ, vị trí công việc,… không nhất thiết phải đánh giá mỗi năm một lần như hiện nay.
Bên cạnh đó, hiện nay giáo viên được chia làm các hạng từ hạng I đến hạng IV nhưng khi đánh giá chuẩn thì như nhau cũng là một bất cập.
Người viết có tìm hiểu thì hình như ngoài nhà giáo thì hầu như không có ngành nghề nào mỗi năm đánh giá chuẩn một lần, đánh giá viết tay xong, rồi thực hiện một lần nữa trên phần mềm.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại vấn đề này.
Giảm bớt thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, áp lực không đáng có cũng là một trong những giải pháp để giáo viên yên tâm công tác, tiến tới tập trung thực hiện kế hoạch “học thật, thi thật, nhân tài thật” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.