Đánh giá, kiểm điểm cuối năm, các nhà giáo xin đừng lừa dối lẫn nhau

14/12/2017 08:03
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Làm sao đánh giá, phân loại chính xác chất lượng đội ngũ giáo viên qua việc tổ chức họp đánh giá, kiểm điểm, bình bầu hàng năm.

LTS: Bàn về công tác đánh giá, kiểm điểm công chức, viên chức cuối năm trong ngành giáo dục, thầy giáo Kiên Trung cho rằng công tác đánh giá còn chưa thật chuẩn xác.

Theo thầy, vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao đánh giá, phân loại chính xác được chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như khắc phục được những mặt yếu kém vẫn còn tồn tại.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tháng 12, tháng cuối cùng của năm, ngành giáo dục cũng như các ngành khác rất bận rộn với công việc đánh giá, kiểm điểm tập thể và cá nhân đảng viên, công chức, viên chức theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, cấp chính quyền cấp trên.

Đánh giá công chức, viên chức (Ảnh minh họa: ĐAN).
Đánh giá công chức, viên chức (Ảnh minh họa: ĐAN).

Đối với các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo có đến hai lần đánh giá, phân loại. Một là đánh giá, phân loại theo Thông tư 29 và 30 (gọi là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo) khi mỗi năm học kết thúc. Hai là đánh giá, phân loại công chức, viên chức theo Nghị định 56 của Chính phủ khi năm hành chính gần khép lại.

Trong hai loại đánh giá này thì đánh giá, phân loại công chức, viên chức là quan trọng nhất đối với tất cả nhà giáo.

Bởi nó được đưa vào trong hồ sơ công chức, viên chức, là căn cứ, cơ sở chính để xét các mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nâng lương bậc, khen thưởng, thi đua….

Thầy cô giáo nào, nếu hai năm liên tiếp bị đánh giá, phân loại ở mức Không hoàn thành nhiệm vụ thì theo Luật công chức và Luật viên chức hiện hành bị cơ quan tuyển dụng và sử dụng ra quyết định sa thải hoặc đưa vào diện tinh giảm biên chế.

Hầu hết các cơ sở giáo dục đều xây dựng, thống nhất được quy chế riêng, các tiêu chí cụ thể dựa trên các văn bản, hướng dẫn của cấp trên làm căn cứ để đánh giá, phân loại chất lượng công chức, viên chức hàng năm.

Có nhà trường còn bình bầu, xếp loại công chức, viên chức hàng tháng cho nên công việc đánh giá, xếp loại lao động cả năm thường diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Có nhà trường để dồn đến cuối học kỳ, cuối năm mới ngồi lại xem xét, kiểm điểm, đánh giá từng tập thể, cá nhân thì tất nhiên sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Đánh giá, kiểm điểm cuối năm, các nhà giáo xin đừng lừa dối lẫn nhau ảnh 2Khắc phục hiện tượng nể nang trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

Vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao đánh giá, phân loại chính xác chất lượng đội ngũ giáo viên và qua việc tổ chức họp kiểm điểm, bình bầu hàng năm, mỗi nhà giáo nhận ra được mặt mạnh, ưu điểm; mặt yếu, hạn chế của mình để phát huy và khắc phục.

Thứ nhất, nó phụ thuộc nhiều vào sự quản lý chặt chẽ, khoa học, tính gương mẫu, đầu tàu, cách làm việc công tâm, khách quan, luôn vì lợi ích của tập thể, của ngành ở các tổ trưởng, khối trưởng, ban giám hiệu nhà trường.

Nếu lãnh đạo đơn vị quản lý lỏng lẻo, thiếu sâu sát, có biểu hiện cảm tính, nể nang thì dễ dẫn đến tình trạng đánh giá, xếp loại không đúng người, đúng việc khiến một số giáo viên (nhất là giáo viên tốt) bất bình, mất dần đi động lực phấn đấu, làm việc.

Thứ hai, nó còn phụ thuộc không nhỏ đến ý thức, trách nhiệm của từng giáo thầy cô giáo trong việc góp ý, nhận xét, đánh giá cho đồng nghiệp, tập thể, lãnh đạo nhà trường.

Lúc nào cũng mang nặng tư tưởng co ro, im lặng, né tránh, ngại va chạm, dễ dãi sao cũng được hết….thì vô cùng nguy hiểm, đồng nghiệp, lãnh đạo của mình càng thêm tự mãn với những lời khen có cánh, kết quả phân loại toàn xuất sắc và tốt, không thấy cái sai, mặt hạn chế để điều chỉnh, thay đổi.

Thật vô lý, khi thực tế, một số nhà trường, thầy cô giáo mắc nhiều khuyết điểm, yếu kém trong quản lý, trong chuyên môn; bị phụ huynh, học sinh ca thán đủ thứ… thế mà cuối năm ai ai cũng đều tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nghề dạy học vốn không an nhàn, bình lặng như nhiều người hay nghĩ.

Nền giáo dục nước nhà hiện nay đang rất cần có một đội ngũ nhà giáo từ quản lý đến giáo viên ở mọi cấp, bậc học (mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp) thực sự trách nhiệm, dám đấu tranh, phản biện, bớt dần bệnh thành tích, đánh giá mình và học sinh, sinh viên cho thực chất, đừng lừa dối lẫn nhau và con em nhân dân nữa. 

KIÊN TRUNG