Danh sách 20 tổ chức Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế

05/06/2015 12:14
Xuân Trung
(GDVN) - Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu danh sách các đại học trong top 20 tổ chức của Việt Nam có nhiều công bố quốc tế nhất.

Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 20 tổ chức ở Việt Nam có nhiều công bố quốc tế nhất giai đoạn 2010 - 2014. Danh sách gồm 1 Viện hàn lâm khoa học, 16 cơ sở giáo dục đại học và 3 bệnh viện. 

Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu danh sách các sơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong danh sách này.

Danh sách xếp theo thứ tự là: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Y Dược TP HCM.

Tiếp sau nữa là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Y tế Công cộng, Đại học Nông Lâm TPHCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Nha Trang, Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Duy Tân.

Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu danh sách các đại học trong top 20 tổ chức của Việt Nam có nhiều công bố quốc tế nhất.
Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu danh sách các đại học trong top 20 tổ chức của Việt Nam có nhiều công bố quốc tế nhất.

Số lượng công bố KH&CN trên những Tạp chí KH&CN quốc tế có uy tín là một chỉ số được nhiều nước sử dụng trong đánh giá năng suất KH&CN của một quốc gia.

Nghiên cứu về biến động số lượng và đánh giá chất lượng của các công bố KH&CN được gọi là trắc lượng thư mục (bibliometrics). Một trong các hệ thống cơ sở dữ liệu được sử dụng sớm và rộng rãi trên thế giới là website of Science của Thomson Reuters.

Trên thế giới, căn cứ vào cơ sở dữ liệu Web of Science của Thomson Reuters thì ở giai đoạn 2010 - 2014, nước Mỹ đóng góp gần 29% công bố quốc tế.

Tiếp sau là Trung Quốc (gần 11%), Anh (gần 7%), Đức (6,6%), Nhật (5%), Pháp (4,5%)...  Việt Nam ở giai đoạn này chỉ đóng góp 0,106% số công bố quốc tế, tính trên toàn cầu.

Tổng số công bố KH&CN của Việt Nam trong cơ sở dữ liệu trên, ở giai đoạn 2010 - 2014 là gần 10.000 bài báo. Cụ thể:

Năm 2010: 1.397 bài báo

Năm 2011: 1.570 bài báo

Năm 2012: 1.942 bài báo

Năm 2013: 2.427 bài báo

Năm 2014: 2.640 bài báo

Các ngành có số lượng công bố quốc tế cao nhất là Toán, Lý, Hóa (chiếm 1/3 công bố quốc tế của Việt Nam).

So sánh với các nước khác thì Việt Nam xếp 59 thế giới về công bố quốc tế, sau Thái Lan (xếp thứ 43), Malaysia (xếp thứu 38), nhưng cao hơn Indonesia (xếp thứ 62) và Philippines (xếp thứ 66).

Xuân Trung