Đào tạo ngành Công nghệ sinh học để thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp

07/06/2024 06:42
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Công nghệ sinh học là ngành có sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và kiến thức sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm ứng dụng giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Nghị quyết số 18/CP của Chính phủ ngày 11/3/1994 về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010 nêu rõ: “Cùng với các ngành công nghệ mũi nhọn khác (công nghệ thông tin và công nghệ vật liệu mới), công nghệ sinh học sẽ góp phần khai thác tối ưu các nguồn lực của đất nước phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và chuẩn bị những tiền đề cần thiết về mặt công nghệ cho đất nước tiến vào thế kỷ 21” [1].

Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng nêu: “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định công nghệ sinh học là công nghệ được ưu tiên phát triển” [2].

Ngành Công nghệ sinh học được Nhà nước đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Nhiều viện, trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo cũng như hàng loạt cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ sinh học đã được hình thành trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện vẫn còn đang thiếu hụt nên triển vọng nghề nghiệp dành cho người theo học ngành Công nghệ sinh học là rất lớn.

Ngành Công nghệ sinh học có khác biệt gì với Sinh học ứng dụng?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: Từ lâu, ngành Công nghệ sinh học ở Việt Nam đã phát triển, tuy nhiên, tầm quan trọng của lĩnh vực này chưa thực sự được nhìn nhận rõ ràng. Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngành nghề nào cũng cần có sự tham gia và liên quan của công nghệ, đặc biệt là trong khối ngành sức khỏe nói chung.

cf3b0607856c65323c7d.jpg
Tiến sĩ Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC.

Đáng chú ý, vào thời điểm chúng ta trải qua trận đại dịch Covid-19 những năm qua, nếu như không có sự vào cuộc của ngành Công nghệ sinh học thì con người khó có thể đạt được những thành tựu giúp vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu đó. Song, có thể thấy, những thành tựu khoa học mà con người có được cũng là nhờ “công trình” mà chúng ta đã nghiên cứu và phát triển từ trước, không phải đột ngột mà đạt được những thành quả đó.

Đối với Việt Nam, ngành Công nghệ sinh học là một lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi và y dược. Những sản phẩm của ngành này xuất hiện trong đời sống của chúng ta thường xuyên và ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, hiện nay, xã hội chưa thực sự nhận thức được hoàn toàn vai trò của ngành học này. Theo Tiến sĩ Bùi Lê Minh, trong tương lai, Công nghệ sinh học vẫn là một trong những ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, tạo ra sức ảnh hưởng lớn, cần sự kế thừa và đóng góp của thế hệ trẻ ngày nay.

Cụ thể, Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao sử dụng công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật nhằm phục vụ cuộc sống như: giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao; protein (dùng làm thuốc, vắc xin, chẩn đoán, enzyme,…); chủng vi sinh vật có lợi dùng tạo chế phẩm sinh học trong nông nghiệp; chủng vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh dùng trong nghiên cứu thuốc; tế bào gốc dùng trong thẩm mỹ và điều trị bệnh hiểm nghèo; tế bào ung thư dùng trong sàng lọc thuốc; các công nghệ cao trong nông nghiệp (công nghệ tưới nhỏ giọt, khí canh, aquaponic, trang trại khép kín); thực phẩm chức năng;…

Nếu như ngành Sinh học ứng dụng là “bước chuyển mình” giữa sinh học và công nghệ, chú trọng nhiều hơn về hoạt động nghiên cứu căn bản, tạo ra sản phẩm mới, quy trình thử nghiệm trước khi đưa vào thị trường; thì ngành Công nghệ sinh học lại mang tính chất cập nhật công nghệ tiên tiến, hiện đại để định hình, khai thác trực tiếp, ứng dụng thực tế vào sản phẩm và các quy trình mới.

Nghiên cứu thực tiễn 2 hướng “mũi nhọn” của ngành Công nghệ sinh học

Theo Tiến sĩ Bùi Lê Minh, ngành Công nghệ sinh học hướng đến đối tượng nghiên cứu trải dài thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng trong cuộc sống. Vì vậy, tùy thuộc vào mỗi cơ sở đào tạo khác nhau sẽ tập trung vào những thế mạnh giảng dạy ở mỗi mảng khác nhau.

Chẳng hạn, với những trường đại học có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực cho các khu vực mang tính chất tập trung cơ cấu kinh tế về nông nghiệp, thì cơ sở đào tạo đó sẽ định hướng nội dung chương trình kiến thức liên quan nhiều hơn đến nông nghiệp, nghiên cứu thực địa tại các trang trại nông sản và chăn nuôi.

Ngay đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tại Thành phố Hồ Chí Minh, khởi điểm bắt đầu đào tạo ngành Công nghệ sinh học cũng định hướng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của xã hội và tỷ trọng nguồn nhân lực của đất nước, nhà trường quan tâm thêm đến những lĩnh vực ứng dụng khác như về động vật, tin sinh học, công nghệ sinh dược, phát triển các sản phẩm về y dược,...

Bởi lẽ, nếu nhà trường chỉ tập trung đào tạo về lĩnh vực nông nghiệp thì cơ hội việc làm sau khi ra trường của các em sinh viên không có nhiều khi ở lại làm việc tại các thành phố lớn. Do đó, nhà trường phải xem xét, phân tích, đánh giá thị trường việc làm hiện nay; từ đó quyết định đào tạo những lĩnh vực nào phù hợp cho sự phát triển của xã hội và cá nhân người học.

de3e807d13e8b3b6eaf9.jpg
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức các buổi học STEM cùng với các giáo sư, chuyên gia nước ngoài. Ảnh: NVCC.

Cụ thể hơn, sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được trang bị kiến thức đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành theo 2 hướng “mũi nhọn” hiện nay là Công nghệ sinh học nông nghiệp và Công nghệ sinh học y dược.

Một lượng lớn các môn học tự chọn được thiết kế phù hợp với sở thích và khả năng của từng sinh viên theo từng chuyên ngành đào tạo. Nhà trường bố trí thời lượng cho học phần tiếng Anh nhằm giúp người học nghiên cứu tài liệu và trao đổi chuyên môn với các chuyên gia nước ngoài.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học thiết kế theo chuẩn chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo với toàn bộ bài giảng, giáo trình được biên soạn, sử dụng và cập nhật thường xuyên cho tất cả các môn học.

Chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ sinh học nông nghiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi; bảo vệ và chăm sóc cây trồng, vật nuôi; bảo quản và chế biến nông, lâm sản; xử lý và bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn;...

Mặt khác, sinh viên chuyên ngành Công nghệ sinh học y dược được trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc trong những lĩnh vực như sau: công nghệ gen, phương pháp thao tác trên gen làm biến đổi hệ gen của sinh vật mục tiêu dùng sản xuất protein chẩn đoán hoặc làm thuốc; công nghệ tế bào thực vật dùng trong sản xuất cây dược liệu và thực phẩm chức năng; công nghệ tế bào động vật để nuôi cấy tế bào ung thư và tế bào gốc dùng trong sàng lọc thuốc từ dược liệu tự nhiên và trong điều trị các bệnh hiểm nghèo và thẩm mỹ; công nghệ chẩn đoán bệnh về nuôi cấy vi sinh, sinh hoá, sinh học phân tử, miễn dịch học; công nghệ sản xuất sinh dược cho chiết xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu sinh học; công nghệ hỗ trợ sinh sản về đánh giá chất lượng giao tử và thụ tinh nhân tạo; công nghệ vật liệu sinh học cho chế tạo vật liệu y sinh dùng trong điều trị và thẩm mỹ.

“Cánh cửa” rộng mở cho cơ hội nghề nghiệp

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Lê Minh cho hay, người học ngành Công nghệ sinh học sau khi tốt nghiệp ra trường có thể lựa chọn làm việc ở nhiều vị trí và tổ chức khác nhau như: các cơ quan nhà nước phụ trách chuyên môn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông; các cơ quan, doanh nghiệp liên quan tới sản xuất thực phẩm, sinh thái tổng quan, y dược, dây chuyền sản xuất, thẩm định chất lượng sản phẩm, nuôi cấy mô, kinh doanh trang thiết bị y tế, phục vụ nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi,...

Bên cạnh đó, đầu ra của ngành Công nghệ sinh học được phát triển theo hai hướng “mũi nhọn” hiện nay là Công nghệ sinh học nông nghiệp và Công nghệ sinh học y dược.

090d2235-3242-41d4-bae8-22f719f4c15e.jpeg
Người học ngành Công nghệ sinh học sau khi tốt nghiệp ra trường có thể lựa chọn làm việc ở nhiều vị trí và tổ chức khác nhau. Ảnh minh họa: NVCC.

Người học chuyên ngành Công nghệ sinh học nông nghiệp có nhiều cơ hội việc làm như trở thành kỹ thuật viên trong các cơ sở sản xuất, thử nghiệm, quảng bá và chuyển giao sản phẩm giống cây trồng và vật nuôi, chế phẩm dinh dưỡng, chế phẩm chăm sóc sức khỏe cho cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản và các sản phẩm xử lý môi trường; nghiên cứu viên ở các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản); tự mở các cơ sở sản xuất và kinh doanh cây kiểng, rau, quả chất lượng cao bằng công nghệ cao; giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về Công nghệ sinh học.

Còn đối với chuyên ngành Công nghệ sinh học y dược, người học tốt nghiệp ra trường có thể tham gia vị trí kỹ thuật viên (sinh hóa, vi sinh, ký sinh trùng, sinh học phân tử, tế bào học) ở các bệnh viện, trung tâm phân tích an toàn thực phẩm, trung tâm phân tích môi trường, trung tâm thú y, doanh nghiệp dược; nghiên cứu viên ở các viện và trung tâm nghiên cứu; giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trung cấp, trung học phổ thông; mở công ty sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Bùi Lê Minh, tương tự với các khối ngành về sức khỏe, môi trường, kỹ thuật,..., ngành học Công nghệ sinh học cũng thuộc tổ hợp khối B. Có thể thấy, trong nhiều năm gần đây, các khối ngành liên quan đến môn Sinh học có số lượng học sinh đăng ký xét tuyển ở mức đều, không quá cao và không có xu hướng tăng đột biến như một số ngành học hot khác. Điều này có thể lý giải bởi một số nguyên nhân như chương trình đào tạo môn Sinh học ở bậc trung học phổ thông chưa thực sự hấp dẫn, tạo được độ cạnh tranh và học sinh hơi khó lĩnh hội.

Tuy nhiên, trên thị trường lao động hiện nay, nhiều công ty, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Công nghệ sinh học rất lớn. Trong khi đó, không phải người học nào sau khi tốt nghiệp cũng đáp ứng được tốt các nhu cầu và yếu tố cần thiết khi đăng ký tuyển dụng, dẫn đến tình trạng một số sinh viên học xong không làm đúng chuyên ngành, mà nhiều doanh nghiệp thì vẫn không tuyển đủ người.

Kỹ sư Võ Thị Tú Bình - từng là thủ khoa đầu ra ngành Công nghệ sinh học, cựu sinh viên lớp 19DSH1A, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ:

“Hiện tại, tôi đang công tác tại vị trí nhân viên nghiên cứu khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Nguyễn Tất Thành. Mức thu nhập trung bình của ngành Công nghệ sinh học khoảng 10 triệu đồng/tháng. Có thể nói, hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ sinh học ở nước ta vẫn còn thiếu hụt về số lượng và một số lĩnh vực còn yếu về chất lượng.

Người học có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi tiếp thu khối kiến thức rộng lớn về ngành học này nếu như không xác định được quyết tâm theo đuổi chuyên ngành mà bản thân mong muốn. Song, điểm thuận lợi là nhà trường luôn tạo điều kiện cho các sinh viên thực hành tại phòng thí nghiệm ngay từ những năm đầu để có cơ hội trực quan hóa kiến thức đã học”.

Ngoài ra, nhà trường tạo điều kiện hợp tác xây dựng hoạt động thực tập nông nghiệp tại Israel với mức thu nhập 100-200 triệu đồng (trong 10 đến 11 tháng) và các hoạt động làm đề tài nghiên cứu với các giáo sư, tiến sĩ nước ngoài tại Đài Loan, Anh, Na Uy,... Đây là cơ hội tốt để trau dồi thêm kỹ năng và kiến thức thực tiễn, giúp sinh viên có nhiều lựa chọn và hướng đi tốt trong tương lai.

Kỹ sư Võ Thị Tú Bình - từng là thủ khoa đầu ra ngành Công nghệ sinh học, cựu sinh viên lớp 19DSH1A, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC.
Kỹ sư Võ Thị Tú Bình - từng là thủ khoa đầu ra ngành Công nghệ sinh học, cựu sinh viên lớp 19DSH1A, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC.

Định hướng “thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp”

Là một trong những cơ sở giáo dục có nguồn tuyển sinh tốt ngành Công nghệ sinh học trong khu vực nói riêng và trên cả nước nói chung từ năm 2013, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đặc biệt đào tạo ngành học này theo định hướng do Viện Kỹ thuật Công nghệ cao chủ quản.

Chính vì vậy, khi đào tạo ngành học này, nhà trường có những điểm riêng biệt so với nhiều cơ sở đào tạo khác. Nếu như các trường đại học khác định hướng chính là giảng dạy nội dung lý thuyết, kiến thức học liệu thì Trường Đại học Nguyễn Tất Thành còn đẩy mạnh về hoạt động nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, ứng dụng vào khoa học công nghệ mới.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Bùi Lê Minh, sinh viên được tiếp cận với phòng lab, cơ sở vật chất thí nghiệm, tham gia các đề tài nghiên cứu,... Mặt khác, đội ngũ giảng viên của nhà trường hầu hết đều tốt nghiệp và có kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại nước ngoài, có học hàm và học vị cao. Điều này giúp cho các em sinh viên có cơ hội trau dồi, học hỏi từ nhiều giảng viên và chuyên gia thỉnh giảng giàu kinh nghiệm đến từ các trung tâm nghiên cứu, bệnh viện, doanh nghiệp về công nghệ sinh học,...

Vì vậy, các bạn trẻ theo đuổi ngành Công nghệ sinh học có thể tiếp cận sớm với những tiến bộ khoa học tiên tiến, hiện đại mới, được rèn luyện và trải nghiệm ngay từ những năm học đầu tiên bước chân vào bậc đại học.

Ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tăng cường đẩy mạnh các hoạt động “thực chiến", nghiên cứu khoa học của sinh viên từ sớm nhằm đảm bảo khả năng đáp ứng được tốt công việc thực tế. Trong nhiều năm gần đây, tỉ lệ sinh viên ngành Công nghệ sinh học sau khi tốt nghiệp ra trường làm đúng ngành nghề là khoảng từ 70-80%. Đây là một minh chứng thể hiện rõ ràng rằng nhà trường đang đi đúng định hướng đào tạo.

Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, sinh viên sẽ có hai giai đoạn trau dồi và chuẩn bị về mặt kiến thức và kỹ năng trong quá trình học tập. Giai đoạn đầu tiên là người học tham gia những học phần có tỷ lệ thực hành cao, xuyên suốt ngay từ những năm đầu cho đến trước khi đi thực tập. Giai đoạn thứ hai là khi sinh viên đã có những nền tảng căn bản thì sẽ đăng ký thực tập tại các tổ chức doanh nghiệp và thực hiện khóa luận tốt nghiệp.

Đây là những trải nghiệm quan trọng nhất trong quá trình học tập cho các bạn sinh viên, để khi tốt nghiệp ra trường, người học có thể được nhận làm việc tại đúng nơi, đúng hướng bản thân lựa chọn.

439dd6cf-5a9c-4679-afa8-575c97568abb.jpeg
Lễ tốt nghiệp của sinh viên ngành Công nghệ sinh học năm 2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC.

Để học tốt ngành Công nghệ sinh học, người học phải tiếp cận thực hành sớm trong phòng thí nghiệm, tham gia vào các dây chuyền sản xuất để các doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường nữa. Người học đủ khả năng cọ xát trong thực tiễn, chủ động “quen tay, quen việc” hơn, sẽ giúp cho tiếp cận thị trường lao động nhanh chóng.

Đặc biệt, công tác truyền thông, tư vấn về ngành học cũng cần được đẩy mạnh để các em học sinh, sinh viên chưa hình dung được hết công việc sẽ có góc nhìn toàn diện hơn nhằm đưa ra lựa chọn phù hợp với mong muốn của bản thân.

Em Võ Ngọc Trúc Giang - sinh viên lớp 21DSH1A, ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực người học muốn theo đuổi như về phân tử, vi sinh, thực vật, động vật, tin sinh học,... mà sẽ có những yêu cầu nhất định cần tuân thủ. Điều quan trọng cần có của người học là sự cẩn thận, tập trung trong quá trình thí nghiệm vì sự lơ là hay vô ý có thể làm nhiễm mẫu hoặc chết mẫu.

991b1f74e6e146bf1ff0.jpg
Võ Ngọc Trúc Giang - sinh viên lớp 21DSH1A, ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC.

Nhà trường tạo nhiều điều kiện, cơ hội quý giá cho sinh viên tiếp xúc với các thiết bị mới và hiện đại từ những buổi hội thảo của nhiều đối tác đến từ các công ty như Công ty Trách nhiệm hữu hạn thiết bị ABT, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Khoa học Sự sống,...

Học ngành Công nghệ sinh học, Trúc Giang cho biết bản thân không chỉ tích luỹ dựa trên lý thuyết suông, mà đi đôi với việc thực hành trực tiếp trên nhiều đối tượng khác nhau như vi sinh vật, động vật và cả thực vật. Đối với những môn học có tính ứng dụng qua thiết bị chuyên môn cao, ví dụ như Sinh học phân tử, sinh viên được thao tác trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu, nhiệm vụ khuếch đại đoạn gen do máy luân nhiệt PCR và bộ điện di đảm nhiệm. Hoạt động này là cơ hội quý báu, tạo ra niềm đam mê cho người học ngành Công nghệ sinh học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-quyet-18-NQ-CP-phat-trien-cong-nghe-sinh-hoc-o-Viet-Nam-den-nam-2010-49490.aspx

[2] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-50-cttw-ngay-0432005-cua-ban-bi-thu-ve-viec-day-manh-phat-trien-va-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-phuc-vu-2158

Lưu Diễm