Cơ hội việc làm, mức thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ngành Sinh học ứng dụng

14/03/2024 06:23
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngành Sinh học ứng dụng mở ra nhiều cơ hội việc làm lớn hơn so với các ngành học khác cùng lĩnh vực vì hệ thống kiến thức đào tạo rộng.

Ngành Sinh học ứng dụng (tên tiếng Anh là Applied Biological Sciences) là một ngành học giữ vai trò quan trọng, có tính ứng dụng cao và phục vụ cho nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội của con người.

Ngành học này trang bị cho sinh viên những kỹ năng thực hành và hệ thống lý thuyết về sinh học trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, chế biến thực phẩm, môi trường,… nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống.

Hiện nay, nước ta không có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Sinh học ứng dụng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành học này mở ra triển vọng nghề nghiệp lớn, cơ hội việc làm rộng mở vì nhu cầu nguồn lực lượng lao động trong xã hội đang tăng cao.

Lĩnh vực nghiên cứu rộng, triển vọng nghề nghiệp lớn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Xuân Tám - Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, ngành Sinh học ứng dụng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, trở thành một trong những lĩnh vực đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Được xem là một trong những lĩnh vực tiềm năng trong tương lai, Sinh học đang được nghiên cứu rộng rãi để ứng dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong sản xuất và chế biến thực phẩm, năng lượng, môi trường, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, an toàn sức khỏe,...

2.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Xuân Tám - Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Ngành học này trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho những người muốn tham gia vào lĩnh vực khoa học và công nghệ. Từ đó, việc mở rộng các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của ngành Sinh học ứng dụng là rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Theo ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Xuân Tám, vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại các doanh nghiệp liên quan đến Sinh học ứng dụng; tham gia quản lý, nghiên cứu, sản xuất ở các viện, trường, trung tâm và cơ quan các cấp về lĩnh vực thực vật ứng dụng, động vật ứng dụng;...

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể tiếp tục mở rộng cơ hội học tập, nâng cao trình độ nghiên cứu sau khi ra trường ở các bậc học cao hơn thuộc ngành Sinh học ứng dụng và các chuyên ngành khác có liên quan.

Đặc biệt, người học có thể lựa chọn chuyển đổi chuyên ngành hoặc học thêm chuyên ngành thứ hai phù hợp với lĩnh vực Sinh học ứng dụng ở cả trong và ngoài nước. Từ đó, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể thích ứng với môi trường làm việc và khả năng học tập suốt đời.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ây - Phó trưởng Khoa Sinh lý - Sinh hoá, Trường Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, ngành Sinh học ứng dụng được mở ra với đối tượng nghiên cứu là các động, thực vật phục vụ cho đời sống của con người.

Ngành học này đảm nhận vai trò đào tạo nguồn nhân lực với hệ thống kiến thức chủ yếu về nông nghiệp, thực phẩm, các vấn đề liên quan kiểm định chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia chế biến, vi sinh vật có hại trong thực phẩm,...

Trong đó, hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ tập trung giảng dạy những mảng hệ thống kiến thức lớn như phương pháp khai thác sản phẩm nông nghiệp đạt năng suất cao, đẩy mạnh sản lượng của các đối tượng canh tác (ví dụ như trên các nhóm rau củ quả, nhóm động vật, sản phẩm thịt, trứng, dầu omega,...).

Cụ thể, người học ngành Sinh học ứng dụng sẽ được nghiên cứu những kiến thức cơ bản về vi sinh vật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ sinh học; các phương pháp ly trích, tách chiết chất trong sản phẩm thứ cấp;...

Ngoài ra, sinh viên ngành Sinh học ứng dụng còn được tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề xử lý và bảo vệ môi trường từ các chất chế phẩm sinh học, vi sinh vật có thể gây hại cho con người, ảnh hưởng tới nguồn nước, đất đai và không khí.

Ay2.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ây - Phó trưởng Khoa Sinh lý - Sinh hoá, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Nếu như ngành Công nghệ sinh học tập trung vào kỹ năng phân tích, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thì ngành Sinh học ứng dụng mở rộng lĩnh vực đào tạo hơn, không chỉ đáp ứng cho công tác nghiên cứu trong thí nghiệm, mà còn áp dụng thực tế về nuôi trồng sản phẩm. Vì vậy, cơ hội việc làm của ngành học này rộng mở hơn so với các ngành học khác.

Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại các vị trí như: đo lường, kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu ở trong và ngoài nước; canh tác nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ; đảm bảo quy trình trồng trọt, sản xuất các đối tượng sinh vật cho hộ gia đình; nghiên cứu về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật;...

Tại các công ty, tổ chức, doanh nghiệp ngoài công lập, mức thu nhập khởi điểm của ngành Sinh học ứng dụng hiện nay khoảng từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.

Đẩy mạnh đào tạo theo hướng thực hành thực tế cho sinh viên

Chia sẻ thêm về ngành học này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Xuân Tám thông tin, chương trình đào tạo ngành Sinh học ứng dụng được Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định, chỉ đạo và tổ chức xây dựng tổng 124 tín chỉ cho toàn khoá học (chưa tính 14 tín chỉ về giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và ngoại ngữ mà sinh viên tự tích lũy theo quy định của nhà trường).

Với mục tiêu đào tạo cử nhân có phẩm chất, năng lực nền tảng về Sinh học ứng dụng để thực hiện tốt nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực này, trường định hướng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội ở các tỉnh, thành phố phía Nam và trên cả nước, theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, kiến thức ngành Sinh học ứng dụng phát triển rất nhanh chóng, các phương pháp kĩ thuật - công nghệ mới liên tục ra đời. Chính vì vậy, để đáp ứng đầu ra tốt, trường và khoa luôn định hướng huy động đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nơi thực tập cho sinh viên; tiếp tục mở rộng hợp tác với Viện Chăn nuôi, Viện Nông nghiệp miền Nam, các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín.

Theo chia sẻ của Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình Sinh học ứng dụng không những định hướng người học tìm hiểu và khám phá giới động vật, thực vật và các ứng dụng của chúng cho con người, xã hội; mà còn chú trọng nghiên cứu việc xây dựng và khai thác bền vững nền nông nghiệp xanh và an toàn.

Còn đối với Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, nhà trường cũng là một trong những cơ sở đào tạo mở ngành Sinh học ứng dụng sớm trên cả nước. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp đô thị ở nước ta.

Hằng năm, trường luôn thực hiện công tác cập nhật, cải tiến hệ thống kiến thức học liệu, điều chỉnh phương pháp giảng dạy để tăng cơ hội thực tập cho sinh viên tốt hơn.

Trên cơ sở đó, nhà trường luôn lấy ý kiến bổ sung, đổi mới kiến thức giảng dạy qua tham khảo các bên liên quan như chuyên gia, diễn giả khoa học, công ty, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, nhằm nâng cao khoảng 30% tỷ lệ học phần phục vụ kỹ năng thực chiến cho sinh viên.

Đặc biệt, duy trì suốt 10 năm trở lại đây, Trường Đại học Cần Thơ luôn khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học bằng việc thực hiện cấp ít nhất 15 triệu đồng/ mỗi đề tài trong 6 tháng cho sinh viên hoặc nhóm sinh viên nghiên cứu thực hành.

Cần trang bị kiến thức, kỹ năng gì để học tốt ngành Sinh học ứng dụng?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Xuân Tám thông tin, trong năm 2024, phương thức tuyển sinh ngành này của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển ưu tiên với thí sinh là học sinh lớp chuyên, trường chuyên; xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ) kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 có 30 chỉ tiêu ngành Sinh học ứng dụng. Dự kiến trong năm 2024, nhà trường tiếp tục tuyển sinh 30 chỉ tiêu.

"Sinh viên ngành Sinh học ứng dụng cần có năng lực giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề, khả năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phục vụ cho việc thực hành nghề nghiệp và nghiên cứu.

Người học cần trau dồi kiến thức nền tảng về lĩnh vực Sinh học ứng dụng, sử dụng hiệu quả phương tiện, thiết bị thực hành thí nghiệm nhằm đáp ứng tốt hoạt động sản xuất, tham gia nghiên cứu khoa học tại các cơ quan, ban ngành, xí nghiệp, trung tâm, viện nghiên cứu,...”, thầy Tống Xuân Tám chia sẻ.

Đề cập đến những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên ngành Sinh học ứng dụng cần trang bị, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ây cho biết: Vì nhóm đối tượng nghiên cứu chủ yếu của ngành học này là những động, thực vật, nên tổ hợp tuyển sinh hầu hết là khối Khoa học tự nhiên. Trong đó, Sinh học là bộ môn tuyển sinh đầu vào đặc biệt ưu tiên, đóng yếu tố rất quan trọng cho quá trình học tập và nghiên cứu sau này.

Sinh viên trong trường cần tập trung vào hai mảng, gồm: tích luỹ hệ thống kiến thức lý thuyết và tăng cường thời gian thực hành nghiên cứu. Bên cạnh đó, người học cần trau dồi các kỹ năng như: thăm khám sinh lý cây trồng; bảo vệ môi trường thực vật; phân tích, đánh giá hàm lượng các chất và thành phần có trong sinh vật;...

Chia sẻ cùng với phóng viên, Trần Nguyễn Phương Nguyên - sinh viên đứng trong Bảng vàng năm nhất và năm hai của Khóa 47, ngành Sinh học ứng dụng, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cho hay: “Em lựa chọn theo đuổi Sinh học ứng dụng vì được tư vấn hướng nghiệp và tìm hiểu đầu ra ngành học này rất đa dạng.

Hiện tại, em mong muốn đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu mô thực vật và trở thành chuyên viên, kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm nghiên cứu thực phẩm".

6553ebcc5c9bf0c5a98a.jpg
Trần Nguyễn Phương Nguyên - sinh viên đứng trong Bảng vàng Xuất sắc Khóa 47, ngành Sinh học ứng dụng, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Sau quá trình được thầy cô tận tình hướng dẫn và tạo nhiều cơ hội thực hành thí nghiệm, Phương Nguyên rút ra được rất nhiều bài học, kinh nghiệm, rèn tính tính tự giác, kỷ luật của mình.

Đặc biệt, nếu như trước đây ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ được học về lý thuyết có phần hơi khô khan, thì lên bậc đại học, người học được thực hành nhiều hơn, được tận tay, tận mắt trải nghiệm, nên cũng nâng cao niềm đam mê học tập.

Nhà trường còn tạo điều kiện tổ chức các hoạt động thực tập, tham quan tại những cơ sở sản xuất như nhà máy Ajinomoto, Yakult,... ở Cần Thơ, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh,....

Lưu Diễm