LTS: Bày tỏ quan điểm về việc có nên đầu tư nhiều cho trường chuyên, tác giả Sông Trà cho rằng về cơ sở vật chất trường chuyên được đầu tư rất tốt nhưng chỉ đào tạo ra những học sinh chuyên đi thi các giải quốc gia và quốc tế.
Tác giả cũng nhắc lại câu chuyện về những bất cập của hệ thống trường chuyên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đầu năm 2012, tôi và 82 anh, chị, em học viên khóa K24 của trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý ở Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có chuyến tham quan và học tập mô hình Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bước vào cổng trường, học viên chúng tôi thật sự choáng ngợp về quy mô, cơ sở vật chất, khuôn viên, phòng ốc, trang thiết bị… quá hiện đại, hoành tráng của ngôi trường chuyên này, chủ yếu do nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư, xây dựng.
Trong buổi trao đổi, báo cáo với đoàn học viên chúng tôi, thầy Phó Hiệu trưởng, phụ trách cơ sở vật chất cho biết:
“Chính quyền địa phương rất quan tâm đến giáo dục chất lượng cao cho nên có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ để thu hút, khuyến khích thầy và trò trong dạy và học, nhất là những em đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế và các thầy cô giáo có công phát hiện, bồi dưỡng những đội tuyển thi học sinh từ cấp tỉnh trở lên”.
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: http://vungtau.baria-vungtau.gov.vn) |
Cuối tháng 3 năm 2017 vừa rồi, tôi có dịp đến tỉnh Bắc Ninh và tận mắt ngắm nhìn Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh với sự đầu tư cực kỳ hoành tráng và hiện đại (trên 600 tỉ đồng) đang trở thành ngôi trường học tập và giảng dạy mơ ước của nhiều thế hệ học sinh và giáo viên.
Mới đây, trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đưa ra những chính sách hỗ trợ và các phần thưởng vô cùng hấp dẫn, hậu hĩnh đối với thầy, trò, chuyên gia, các em của Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh đạt thành tích cao trong thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực, quốc tế.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 8 năm 2017.
Chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh 2 Trường Trung học phổ thông chuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được triển khai từ năm học 2011 - 2012.
Theo Nghị quyết 12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam quy định: “Tùy theo đối tượng, hàng tháng mỗi học sinh được ngân sách tỉnh cấp số tiền bằng 80 - 120% mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, học sinh còn được ở ký túc xá miễn phí hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ khi chưa có ký túc xá”.
Đây là lý do nhiều phụ huynh tốn tiền, tốn sức cho con học trường chuyên |
Từ những ví dụ cụ thể, điển hình nêu trên cho thấy các địa phương rất quan tâm và đầu tư nhiều kinh phí, tiền bạc cho các trường trung học phổ thông chuyên với kỳ vọng hàng năm sẽ gặt hái được không ít thành tích, giải cao ở các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên…
Chưa kể, các trường chuyên còn nhận được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… cao hơn gấp 3, 4 lần so với các trường trung học phổ thông công lập bình thường từ nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, ở nước ta mô hình trường trung học phổ thông chuyên bao gồm 2 hệ: có 8 trường chuyên trực thuộc Đại học (trước đây là các trường chuyên cấp Quốc gia) và 74 trường chuyên của tỉnh.
Mục tiêu chính của trường chuyên ở Việt Nam là “lò” đào tạo "gà chọi" để thi học sinh giỏi, giúp các địa phương giành thật nhiều giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và đặc biệt giúp Việt Nam giành những tấm huy chương ở các kỳ thi khu vực và Olympic Quốc tế, một cuộc thi mà phần lớn các nước khác chỉ xem đi như một cuộc chơi và giao lưu.
Mục tiêu tiếp đến của trường chuyên hiện nay trở thành những “lò” luyện thi đại học.
Những học sinh lớp 10, 11 sẽ được học trước chương trình lớp 12 và được huấn luyện rất điêu luyện các kỹ thuật giải Toán, Lý, Hóa nhằm đạt đến mức điểm cao nhất, vào những ngành, trường đại học tốt nhất.
Trả lời Báo Thanh Niên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng:
“Hệ thống trường chuyên từ trước tới nay phát triển lệch lạc, chủ yếu chỉ tập trung ở các môn chuyên và học rất khác với hệ thống trường trung học phổ thông bình thường.
Đào tạo con người phổ thông như thế là không đúng định hướng, con người ở phổ thông phải được phát triển toàn diện”.
“Các em học sinh ở một số trường chuyên đi thi quốc tế đoạt giải, đỗ đại học đạt điểm cao nhưng thực tế cho thấy số đông các em sau này không trở thành các nhà Toán học hay Vật lý học..., hoặc đóng góp gì cho chuyên ngành mà mình được học”, ông Thuyết chỉ ra thực tế.
Lịch sử trường chuyên, lớp chọn và yêu cầu bức thiết phải "khai tử" ngay bây giờ |
Năm ngoái, nhiều phụ huynh đã tranh luận gay gắt xung quanh câu chuyện ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software đã cho con nghỉ học ở Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam sau 2 năm học.
Khi đó, quyết định của anh Hoàng Nam Tiến khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu vì Trường chuyên Hà Nội Amsterdam là nơi ai cũng muốn cho con em vào học.
Thông tin từ Báo Sài Gòn Giải phóng, tại buổi tiếp xúc với cử tri, về hoạt động giáo dục, đào tạo, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Cử tri bày tỏ tâm tư trước chuyện trường chuyên, lớp chọn đã trở thành phong trào trong thời gian qua, là một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng các trường dạy thêm và phụ huynh cho con học thêm để vào học ở trường chuyên lớp chọn, cử tri đề nghị Chính phủ và Thành phố quan tâm để có sự điều chỉnh hợp lý.
Theo khảo sát của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/5/2015, phần lớn độc giả ủng hộ việc bỏ loại hình trường chuyên, lớp chọn trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục.
Thăm dò ý kiến trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc có nên để loại hình trường chuyên, lớp chọn nữa hay không?
Các ý kiến phản hồi cho thấy, phần lớn độc giả đồng ý là không nên duy trì loại hình này (chiếm 65,97%). Tuy nhiên, cũng một bộ phận cho rằng vẫn nên duy trì (chiếm 34,03%).
Với tỷ lệ này đã phản ánh nhiều điều rằng, loại hình trường chuyên, lớp chọn hiện nay cần thay đổi, thậm chí phải bỏ hẳn trong hệ thống trường phổ thông công lập.
Với 34,03% đồng ý giữ lại, cũng cho thấy nhu cầu của xã hội, của cha mẹ học sinh mong muốn còn loại hình này để cho con em mình được đào tạo trong môi trường giáo dục đặc biệt.