LTS: Thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra thực trạng học sinh học mô hình VNEN khi chuyển cấp trung học cơ sở dạy theo mô hình truyền thống khiến cả thầy và trò gặp nhiều khó khăn.
Qua đó, thầy đưa ra một số lưu ý để học sinh sớm làm quen và thích nghi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài “Vào lớp 6 con chúng tôi phải học thêm tối ngày” của cô Mai Hoa đăng trên báo Giaoduc.net.vn, ngày 21/10/2018, tôi rất đồng cảm với bài viết, đó là một sự thật “nhức nhối” của ngành giáo dục.
Có người, còn “cảm ơn” VNEN, cho họ một “thị trường” béo bở để dạy thêm ngay từ khi học tiểu học, chẳng phải chờ đến cấp hai không học VNEN mới đi học thêm.
Thật ra học sinh tiểu học, không học VNEN, lên lớp 6 cũng tối ngày học thêm đó thôi.
Khi học sinh tiểu học, học VNEN, sang lớp 6, trường cấp hai không áp dụng mô hình VNEN, mà dạy theo mô hình truyền thống, giáo viên dạy lớp 6 vô cùng vất vả trước “phong cách VNEN” của học sinh.
Học sinh tiểu học học theo mô hình VNEN. Ảnh minh họa: baobinhthuan.com.vn |
Học sinh trung bình, yếu, chỉ thích hoạt động nhóm, không thích làm việc cá nhân. Khi hoạt động nhóm, chỉ có một vài học sinh khá giỏi hoạt động, làm thay việc hết cho cả nhóm, số còn lại “ngồi chơi, xơi nước”.
Khi chia tổ, các em giành nhau về tổ có bạn học tốt; buộc giáo viên chủ nhiệm chia học sinh khá giỏi đều cho các tổ mới chịu.
Việc ghi chép bài, tự làm bài tập vào vở là việc “lạ lẫm” của các em. Kỹ năng trình bày một bài kiểm tra 15 phút hay một tiết là cả vấn đề, với giáo viên bộ môn. Coi bài của bạn khá giỏi chép vào bài mình khá phổ biến.
Thực tế giảng dạy đối tượng này, giáo viên cần một số lưu ý, giúp các em “hòa nhập” với việc học và tự học, khi không còn áp dụng VNEN.
Giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư tưởng, cho phụ huynh học sinh, phân tích điểm khác biệt giữa mô hình VNEN và mô hình truyền thống, làm cho phụ huynh không “ngỡ ngàng”, mất lòng tin vào giáo dục.
Gánh nặng VNEN đè lên vai các tỉnh, tương lai học sinh thí điểm chông chênh |
Khi họ không tin VNEN, niềm tin với giáo viên lớp 6 không VNEN, chẳng tăng lên, nhiều khi còn giảm đi là khác.
Trong các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ, gần gũi với học sinh, sẻ chia tâm sự với các em, giải đáp các thắc mắc kịp thời; có phản hồi tích cực với giáo viên bộ môn, giúp giáo viên bộ môn điều chỉnh phù hợp với mức độ nhận thức của các em.
Giáo viên bộ môn cần hướng dẫn tận tâm, cách học “không VNEN”. Tăng cường tương tác với học sinh, chỉ cho học sinh cái sai, khuyến khích học sinh khi làm đúng.
Tuyệt đối không “đổ lỗi”, “chất lượng giáo dục của lớp mình phụ trách” là do VNEN, trước mặt học sinh.
Giáo viên đổ lỗi, học sinh sẽ học theo và quy kết trách nhiệm cho VNEN, thế nhưng chả có ai đại diện cho VNEN giúp ta giải quyết cả! Cần xác định, nhiệm vụ giải quyết vấn đề là của thầy và trò, không ai làm thay cả.
Thời gian đầu, giáo viên bộ môn, cần tạo không khí “lớp học VNEN”, không gò bó, khắt khe quá.
Học sinh VNEN có thể có những “hành vi chướng tai, chướng mắt” như đi lại tự do trong tiết dạy, thích là nói, không suy nghĩ, không xin phép, không “ngoan ngoãn”.
Tạo cho học sinh chú ý nghe giảng bằng các khẩu lệnh ngắn, gọn, cụ thể.
Giao nhiệm vụ học tập cho cá nhân tăng dần lên, kết hợp hài hòa giữa làm việc nhóm và cá nhân, tự học sinh rút ra kiến thức bài dạy muốn đạt được.
Việc kiểm tra định kỳ, kết quả lần đầu thường thấp, đó là thực tế khách quan. Vì vậy giáo viên cần linh động đánh giá, trên cơ sở sự tiến bộ của học sinh so với chính mình chứ không so với học sinh khác.
Cần nhất là tấm lòng sẻ chia của giáo viên với học sinh, lỗi không thuộc về các em hay giáo viên tiểu học.
Một số kĩ năng, kiến thức của học sinh có thể chưa đạt, đó là khách quan, đừng vội quy kết, đánh giá, làm thui chột ý chí tiến thủ của học sinh.
Dành cho học sinh VNEN tình thương mến, cảm thông, sẻ chia của người thầy thực sự; đó là cách đơn giản nhất để giúp các em học tốt hơn trong mô hình truyền thống.
Cán bộ quản lý, cần thấy thực tế khách quan chất lượng đầu vào từ mô hình VNEN của đơn vị mình.
Không nên ép buộc chỉ tiêu, thành tích với giáo viên khi dạy đối tượng học sinh này; tạo tâm thế thoải mái nhất cho giáo viên sáng tạo, thông cảm, sẻ chia khó khăn giáo viên gặp phải; tuyên dương, khen ngợi, nhân rộng những giáo viên giúp học sinh “hòa nhập” tốt.
Kịp thời điều chỉnh các hành vi tiêu cực của giáo viên bộ môn, gây áp lực buộc học sinh đi học thêm. Chọn giáo viên có trách nhiệm, phụ trách khối lớp 6 này.
Nếu địa phương có hai đối tượng học sinh tiểu học, có tham gia VNEN và không tham gia; không nên trộn lớp có cùng hai đối tượng này từ đầu, chỉ trộn lớp khi học sinh VNEN đã hòa nhập được.
Không có mô hình giáo dục nào là hoàn thiện cả, tạo tâm lý thoải mái khi thay đổi môi trường học tập, phương pháp học tập là giúp các em vượt qua chính mình, giúp học sinh phát huy được năng lực của mình tốt nhất.