Thời điểm hiện nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục, toàn ngành phải đổi mới. Tuy nhiên đây cũng là thời cơ để ngành giáo dục thay đổi, ứng dụng công nghệ số trong giáo dục.
Bên hành lang Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Bộ trưởng cho biết: “…Chúng tôi đã tính đến những biện pháp củng cố kiến thức cho học sinh khi các cháu được quay trở lại trường học tập, bồi đắp thêm những thiếu hụt về kiến thức do thời gian học trực tuyến khó có điều kiện triển khai. Đặc biệt, bậc tiểu học cũng như các chuyên ngành đào tạo khác cần phải được thực hành, cần trải nghiệm thực tiễn, cần có sự củng cố...
Chúng tôi cũng đã tính đến việc gia tăng nguồn học liệu hỗ trợ và điều chỉnh phương pháp dạy và học để làm sao trong thời gian học trực tuyến học sinh vẫn có thể tiếp thu được tốt nhất.
Chúng tôi coi đại dịch lần này là một cơ hội để ngành giáo dục đào tạo chuyển đổi số trong toàn ngành từ việc đổi mới phương pháp đến tăng cường học liệu, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện...
Tôi nghĩ đại dịch COVID-19 đặt ra những khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi coi đây cũng là cơ hội để có thể đổi mới theo hướng chuyển đổi số.” [1]
Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện quyết tâm của người đứng đầu ngành giáo dục, là biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm dạy trực tuyến, quyết tâm áp dụng công nghệ số vào giáo dục để học sinh không bị thiếu hụt kiến thức, để học sinh trở thành người mạnh dạn, tự tin và bắt kịp sự thay đổi công nghệ, nắm bắt và ứng dụng công nghệ.
Giai đoạn này không thể chờ đợi mãi việc hết dịch bệnh, tạm dừng đến trường nhưng không dừng học là việc làm cần thiết, học sinh nghỉ học dài ngày mất kiến thức, chương trình không thể hoàn thành, không thể kết thúc năm học, không thể hoàn thành mục tiêu kép là vừa hoàn thành chương trình vừa phòng, chống dịch.
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Quy định về dạy và đánh giá trực tuyến (online) hiện nay
Việc dạy online là vô cùng cần thiết đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Trong đó quy định cụ thể về giáo viên và học sinh trong dạy học trực tuyến quy định tại khoản 2, 3 Điều 5. Hoạt động dạy học trực tuyến.
“…2. Học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính sau: tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác.
3. Giáo viên dạy học trực tuyến thực hiện các hoạt động chính sau: tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh”
Về kiểm tra, đánh giá được quy định tại Điều 6. Kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến:
“1. Kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến được thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.”
Trong đó có quy định về dạy online nhưng kiểm tra, đánh giá phải thực hiện trực tiếp và đảm bảo đủ số lượng cột điểm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh (trừ trường hợp bất khả kháng điều này chưa có văn bản quy định).
Điều này cũng gây khó khăn, áp lực thực hiện việc kiểm tra, đánh giá,… học sinh khi không thể đến trường, cũng như có sự cố mạng liên quan đến thực hiện, nộp bài, chấm bài kiểm tra,…
Giáo dục online và đánh giá không bằng điểm số được không?
Giáo dục hiện nay kiểu thầy dạy cho trò, thầy chủ động, trò học thụ động, thầy dạy xong học trò tiếp thu kiểu đọc chép, chiếu chép,… đã không còn phù hợp, cần phải thay đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh và phù hợp sự tiến bộ của thế giới, áp dụng công nghệ số vào dạy học.
Kiểu học trò học kiểu thụ động tiếp thu, về nhà thực hiện bài tập của thầy giao cho, xem như hoàn thành nhiệm vụ học tập đã cho thấy không còn phù hợp với cả dạy học trực tuyến lẫn trực tiếp.
Do đó, hiện nay nên đẩy mạnh dạy học trực tuyến bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, không chỉ đổi mới nội dung, phương pháp phương tiện dạy học mà còn phải cả thay đổi cách tiếp cận, truyền thụ kiến thức theo hướng tích cực hơn.
Thay vì các buổi học nhàm chán gồm 80% giáo viên dạy, 20% học sinh tự học, giải quyết thực tiễn, vận dụng,… nên chuyển sang học sinh tìm hiểu 60% kiến thức, nghiên cứu, và tìm hiểu vấn đề trước sau đó khi học trực tiếp hoặc trực tuyến thì giải quyết 40% còn lại.
Có nghĩa là học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn tìm hiểu bài, giao bài, chủ đề học sinh tìm hiểu trước thông qua sách giáo khoa, sách tham khảo, các công cụ trực tuyến, tìm kiếm và các phương tiện khác,… tìm hiểu tất cả nội dung, chương trình trước, sau khi đến lớp không phải là việc thầy dạy, trò ghi, giải quyết bài tập nữa mà chuyển sang việc tương tác với thầy và trò, trò và trò.
Khi đó tiết học dù là trực tuyến hay trực tiếp đều diễn ra theo hình thức đổi mới, thầy không phải là người dạy kiến thức, truyền thụ kiến thức một chiều mà theo hướng học sinh hỏi, thảo luận nhóm giải quyết vấn đề, giáo viên gợi mở, hướng dẫn giúp học sinh hình thành, khác sâu kiến thức, tương tác giữa thầy và trò diễn ra tích cực hơn.
Đây chính là đổi mới dạy học lấy người học làm trung tâm.
Đổi mới theo hình thức này, tiết học sẽ vô cùng sinh động, tương tác giữa thầy và trò được thực hiện thường xuyên.
Giáo viên sẽ cố gắng học hỏi kiến thức, làm chủ công nghệ,… để tương tác và trả lời học sinh, cùng học sinh giải quyết các tình huống, phát sinh trong quá trình học tập, còn về phía học sinh sẽ chủ động nghiên cứu kiến thức một cách tích cực, không chỉ dựa vào việc dạy của giáo viên mà từ nhiều nguồn thông tin, ngữ liệu khác nhau, tương tác với giáo viên, học sinh,… nên kiến thức nắm rất chắc, tự tin, mạnh dạn hơn và làm chủ công nghệ, bản thân.
Một việc vô cùng quan trọng khi thực hiện đổi mới khi thực hiện dạy trực tuyến là đổi mới việc đánh giá. Hiện nay việc đánh giá bằng điểm số được thực hiện thông qua các kỳ kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ.
Quy định mới, vẫn phải kiểm tra, đánh giá trực tiếp trừ trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh phức tạp ngay thời điểm kiểm tra phải dạy trực tuyến thì kiểm tra sẽ vô cùng khó khăn, nếu không đủ số cột điểm kiểm tra sẽ không đánh giá được một môn, sẽ không đánh giá tất cả các môn, cho lớp, cho trường,…
Do đó, theo người viết có 2 hướng là nếu dạy học trực tuyến 100% thì cho học sinh kiểm tra, đánh giá trực tuyến và chỉ cần một cột điểm kiểm tra cuối kỳ để đánh giá học sinh để phù hợp tình hình thực tiễn và bài kiểm tra này được thiết kế trên các phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có thể linh hoạt thực hiện các bài kiểm tra ở các thời điểm khác nhau để đánh giá học sinh.
Còn phương án 2 là nếu do tình hình, điều kiện học sinh không thể kiểm tra hoặc hết hạn kiểm tra thì thông qua các buổi học online, offline, các buổi tương tác, sản phẩm của học sinh,… giáo viên có thể mạnh dạn đánh giá học sinh đạt hoặc chưa đạt.
Thật ra trong trường hợp này, điểm số kiểm tra không còn quan trọng, quan trọng là học sinh học được cái gì, tiếp thu được cái gì và khả năng học và vận dụng ra sao đó là điều quan trọng, mô hình giáo dục không điểm số cũng nên được nghiên cứu và vận dụng khi điều kiện dạy online triển khai để đảm bảo quyền lợi của học sinh cũng như đổi mới cách thức, kiểm tra đánh giá dựa vào năng lực học sinh mà không phải dựa vào điểm số.
Trong quá trình đổi mới phương pháp, tương tác giữa học sinh và học sinh, học sinh và giáo viên và các sản phẩm học tập, giáo viên có thể đánh giá được người học mà không nhất thiết phải có điểm số. Điểm số lúc này cũng không nói lên gì nhiều, danh hiệu cũng không còn quan trọng.
Đổi mới dạy và học là một trong những yêu cầu cấp bách cả phía các cấp quản lý, người dạy lẫn người học bên cạnh đó cần có sự đồng hành của các cấp chính quyền, nhân dân để trình độ được nâng lên đáp ứng nhu cầu đổi mới.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có nhiều kịch bản khác nhau, linh hoạt áp dụng nhiều cách thức đánh giá khác nhau, đánh giá học sinh không qua điểm số cũng là một trong những đổi mới cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, vận dụng vào thực tiễn khi tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Bo-truong-Nguyen-Kim-Son-Nganh-giao-duc-da-xac-dinh-nhung-uu-tien-dot-pha/440083.vgp
[2] Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.