Dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới có tính chất biểu diễn không?

17/04/2022 06:44
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế, nếu không có sự chuẩn bị kỹ (như dạy trước, mớm trước bài…), những tiết dạy mẫu sẽ không thể nào trơn tru, hoàn hảo như thế được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT.

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý là về quy trình thực nghiệm sách giáo khoa (trong Điều 9).

Theo đó, đối với mỗi bản mẫu sách giáo khoa, lựa chọn các bài học để tổ chức thực nghiệm mang tính đại diện về loại bài, thể hiện điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Một tiết dự giờ của giáo viên (Ảnh minh họa: hatinhnews.com.vn).

Một tiết dự giờ của giáo viên (Ảnh minh họa: hatinhnews.com.vn).

Tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên, ít nhất 15% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học đến dưới 105 tiết/năm học, ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại.

Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài học trước khi tổ chức dạy thực nghiệm lần thứ hai.[1]

Dạy thực nghiệm có "diễn" không?

Nếu hỏi, dạy thực nghiệm có "diễn" không, câu trả lời của người viết là chắc chắn có "diễn". Có thể cấp trên (cụ thể cấp phòng, cấp sở) có khi không biết hoặc không muốn mình phải dự giờ những tiết dạy "diễn". Tuy nhiên, ở dưới cơ sở, cụ thể là các trường học vẫn cứ phải "diễn" như thường.

Nói về chuyện này, người viết bỗng nhớ đến lần địa phương mình được sở giao cho dạy một tiết chuyên đề mới.

Tuy nhiên sau tiết dạy hoàn hảo ở một ngôi trường nọ, người dự giờ phát hiện ra ngay tiết dạy đã được chuẩn bị quá kỹ càng. Thế nên, tiết dạy ấy lập tức bị bỏ và thay bằng một tiết dạy khác để đánh giá thực chất hơn.

Vì sao nhiều trường học lại cứ phải dạy "diễn"?

Tiết dạy nào cũng đều có những ưu điểm nổi bật và không tránh khỏi những mặt tồn tại nhất định. Tuy nhiên, tiết dạy tốt hay chưa tốt còn phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của người dự. Người không để ý tiểu tiết thì đánh giá tiết dạy thoáng hơn.

Người lại quen kiểu vạch lá tìm sâu nên ai dạy cũng sợ bị chê này chê nọ. Không chỉ đơn thuần góp ý người dạy, người ta còn quy kết cả chuyên môn nhà trường, chuyên môn phòng giáo dục (nếu tiết dạy là chuyên đề cấp tỉnh) rằng chỉ đạo chuyên môn còn non yếu, không sát sao.

Bởi thế, những tiết dạy dự giờ thường được chuẩn bị "tận răng”. Để chuẩn bị tiết dạy cấp tỉnh thì phòng giáo dục sẽ lựa trường thể hiện, trường lại lựa giáo viên và lựa lớp.

Tiết dạy dự giờ cấp phòng thì phòng chỉ định trường thể hiện, nhà trường sẽ chọn lớp, chọn giáo viên dạy thực nghiệm.

Quy trình chuẩn bị thường là giáo viên sẽ chuẩn bị giáo án đưa tổ trưởng chuyên môn duyệt, sau khi được góp ý chỉnh sửa, giáo án sẽ được trình hiệu phó chuyên môn. Hiệu phó sẽ góp ý và giáo viên chỉnh sửa giáo án lần cuối cùng.

Có tổ chuyên môn kỹ càng hơn còn yêu cầu giáo viên dạy trước cho tổ trưởng duyệt trước khi thực hiện dạy trình làng trên lớp cho nhiều người tham dự.

Người dự giờ sẽ là ban giám hiệu nhà trường, các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cốt cán tham dự. Sau tiết dự giờ, giáo viên sẽ được nghe góp ý và điều chỉnh giáo án lần cuối cùng. Để chắc ăn hơn, có trường học sẽ tổ chức cho dạy lại lần nữa.

Ngày đoàn về dự, tiết dạy đã được chuẩn bị kỹ càng nên mọi góp ý về nội dung, kiến thức cũng chẳng có nhiều, có chăng cũng chỉ lưu ý một số kỹ năng, phương pháp dạy học theo chủ ý người dự.

Vì thế, phương pháp dạy học mới, mô hình dạy học mới nào được triển khai thử nghiệm cũng hiệu quả, cũng thành công.

Chương trình mới có tình trạng dạy "diễn" không?

Thực tế tại địa phương người viết chưa tổ chức dạy thử nghiệm chương trình mới nên không biết có ai dạy "diễn" hay không.

Có điều xem nhiều video bài giảng các môn học, xem các tiết dạy mẫu minh họa của nhiều bộ sách giáo khoa của chương trình mới, là giáo viên đã giảng dạy qua nhiều trường học từ nông thôn đến thành thị, từ trường học bình thường đến trường chuẩn quốc gia, người viết dám chắc những tiết dạy ấy đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng.

Thực tế nếu không có sự chuẩn bị kỹ (như dạy trước, mớm trước bài…) học sinh sẽ không thể nào học được như thế.

Nếu thử nghiệm sách giáo khoa mà có sự đầu tư chuẩn bị kỹ tiết dạy như thế thì làm sao có thể đánh giá tính hiệu quả của nội dung kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức lớp học một cách khách quan và thực chất?

Có sự chuẩn bị bài dạy trước từ A tới Z như thế, chẳng hóa ra bộ sách nào cũng sẽ phù hợp, cũng sẽ hiệu quả. Và như thế, việc dạy thử nghiệm theo quy định sẽ trở nên vô ích hay sao?

Thực nghiệm thế nào để tiết dạy được đánh giá thực chất?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết thực nghiệm là điểm mới trong đổi mới chương trình – sách giáo khoa lần này.

Trước đây, sau khi xây dựng chương trình thí điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa thí điểm, sau đó quay lại để điều chỉnh chương trình và biên soạn sách giáo khoa chính thức.

“Cách chúng ta thực nghiệm sách giáo khoa đến 3 năm như chương trình hiện hành là lãng phí, không cần thiết. Không những thế còn tạo ra tâm lý thiếu yên tâm vì có những khóa học sinh chỉ học thí điểm. Ở nước ngoài, người ta vừa làm chương trình, biên soạn sách giáo khoa vừa thực nghiệm và chỉ thực nghiệm những điểm mới”, Giáo sư Thuyết nói.

Tuy nhiên, nếu thực nghiệm chương trình mà chọn trường, chọn lớp, chọn giáo viên và chuẩn bị tiết dạy công phu như thế sao có thể phản ánh chính xác chất lượng chương trình và sách giáo khoa?

Làm thế nào để việc thực nghiệm chương trình diễn ra tự nhiên nhất, phản ánh khách quan và thực chất nhất tính hiệu quả của nó?

Thứ nhất, tuyệt đối không thông báo sẽ dự giờ trường học nào.

Thứ hai, khi về trường, bốc thăm ngẫu nhiên lớp sẽ dự. Giáo viên có thời gian 1 buổi chuẩn bị bài dạy nhưng không được chuẩn bị cho học sinh.

Thứ ba, sau tiết dạy, tổ chức sát hạch chất lượng học sinh ngay.

Thứ tư, khi đánh giá tiết dạy, cần tập trung đánh giá học sinh học thế nào? Tiếp thu ra sao?(lưu ý thời gian tiết dạy 35 đến 40 phút và tính vừa sức) mà tránh quy kết do giáo viên thế này thế kia, do chuyên môn trường thế kia, thế nọ để tạo áp lực cho nhà trường, cho giáo viên.

Thông qua những tiết dạy không diễn như thế, việc đánh giá chương trình và sách giáo khoa mới đi vào thực chất.

Tài liệu tham khảo:

http://rgep.moet.gov.vn/tin-tuc/thay-gi-qua-thuc-nghiem-chuong-trinh-mon-hoc-moi-4632.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên