ĐB Nàng Xô Vi: Bộ 'cắt' điểm ưu tiên với thí sinh tự do là thiệt thòi cho các em

19/04/2022 06:40
Linh Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có khi một năm đó không có thời gian để mà ôn tập, thay vào đó các em phải bươn chải giúp bố mẹ hoặc làm việc để kiếm thu nhập nuôi sống chính bản thân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022.

Theo đó mức điểm cộng ưu tiên khu vực sẽ được giữ nguyên. Điểm cộng khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm.

Tuy nhiên, theo dự kiến, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp). Thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).

Sau khi dự thảo được công bố, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Từ thực tế ở địa bàn nơi công tác là phân hiệu Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Kon Tum tại huyện biên giới Ia H’Drai, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) cho rằng, nếu học sinh năm ngoái thi trượt hoặc chưa đỗ nguyện vọng mong muốn mà năm nay có nhu cầu thi lại thì nên cộng điểm ưu tiên vì không phải em nào cũng có điều kiện đi ôn thi.

“Ở các vùng khác tôi không biết thế nào nhưng các em học sinh vùng mà tôi đang sống, các em khó khăn lắm, có khi một năm đó không có thời gian để mà ôn tập, thay vào đó phải bươn chải giúp bố mẹ hoặc làm việc để kiếm thu nhập nuôi sống chính bản thân. Do đó, nếu Bộ “cắt” đi điểm ưu tiên thì sẽ thiệt thòi cho các em và bản thân các em thấy cánh cửa đến đại học sẽ lùi hơn, sẽ xa hơn nữa”, Đại biểu Nàng Xô Vi nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) (ảnh: quochoi.vn)

Cũng theo nữ Đại biểu, chỉ cần 1 tháng mà thầy cô không đốc thúc ôn tập là các em đã quên dần kiến thức, nói gì đến phương pháp tự học tự kiểm tra đánh giá sẽ khác hơn ở trên lớp. Chưa kể năm học vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID nên việc học trực tiếp đã rất khó, mà ở vùng khó khăn thì chuyện học thêm hầu như không có thì làm sao có hiệu quả.

Do đó, nếu năm ngoái các em thi không đỗ mà năm nay có nhu cầu thi lại thì nên tạo điều kiện bằng cách vẫn cộng điểm ưu tiên như bình thường.

Đại biểu Nàng Xô Vi nhận định, môi trường phổ thông bình thường (không phải là trường chuyên) thì 12 năm học từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… chắc chắn không bằng ở đồng bằng do đó nếu nói quy định “cắt bỏ điểm ưu tiên này” nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp; những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học" thì chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Là thí sinh tự do, Nguyễn Bảo Duy (sinh năm 2003, Bình Dương) chia sẻ tâm trạng: “Em thực sự rất buồn và cảm thấy nản khi nghe thông tin các thí sinh tự do không được cộng điểm ưu tiên. Em đã từng theo học tại Trường Đại học Thủ Dầu Một và đã nghỉ để năm nay thi lại vào Trường Đại học Sài Gòn. Việc ôn tập để thi lại đã rất là áp lực rồi vì hàm lượng kiến thức đã bị thời gian mai một ít nhiều. Chưa kể, em cũng không có nhiều thời gian ôn luyện vì ngày đi làm, tối về mới ôn. Đối với em dù 0,25 hay 0,5 điểm cộng đều rất là quan trọng”, Duy chia sẻ.

Nguyễn Bảo Duy (ảnh: NVCC)

Nguyễn Bảo Duy (ảnh: NVCC)

Chính vì vậy, Duy thấy dự thảo quy chế tuyển sinh cắt đi điểm ưu tiên sẽ gây thiệt thòi lớn đối với các thí sinh tự do.

Được biết, lý giải nguyên nhân "cắt" đi điểm ưu tiên đối với các thí sinh thi lại khi xét tuyển đại học, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp; những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học.

Theo bà Thủy, thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước có nhiều lợi thế và thời gian ôn tập hơn so với những em thi lần đầu.

"Nhiều thí sinh tuy hộ khẩu ở vùng ưu tiên nhưng đã chuyển đến các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển đại học. Trong khi đó, thí sinh thi lần đầu phải ôn nhiều môn hơn, chịu nhiều áp lực hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học", bà Thủy nói.

Linh Lý