Chỉ nên cộng điểm ưu tiên khu vực 1 và đừng phân biệt thí sinh tự do

16/04/2022 07:03
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu thí sinh dự thi sinh sống ở khu vực ưu tiên đủ thời gian quy định nên được cộng điểm ưu tiên khu vực mà không phân biệt đối tượng thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 với nhiều điểm mới so với quy chế tuyển sinh 2021.

Tuy nhiên, có điểm mới về dự thảo điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông còn nhiều điều chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho thí sinh dự thi gây nhiều phản ứng trái chiều trong nhân dân.

Dự thảo chỉ cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh trong năm thi tuyển sinh có hợp lý?

Tại khoản 1 Điều 7 dự thảo nêu rõ:

“1. Ưu tiên theo khu vực tuyển sinh (Phụ lục 1 của Quy chế)

a) Điểm ưu tiên cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp).

b) Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường học gần nhất.

c) Các trường hợp được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú bao gồm học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh có nơi thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại:

- Các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; - Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135;

- Các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

d) Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).” (Xem chi tiết dự thảo tại đây)

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Như vậy trong dự thảo có điểm mới quan trọng, đáng chú ý đó là mức điểm cộng ưu tiên khu vực sẽ được giữ nguyên. Điểm cộng khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm.

Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp). Thí sinh khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).

Điểm mới này, theo người viết chưa đảm bảo công bằng cho thí sinh, còn phân biệt thí sinh thi năm này, năm khác là chưa thuyết phục.

Hiện nay, có nhiều em là học sinh đang sống ở khu vực ưu tiên (khu vực 1, khu vực 2, khu vực 2- nông thôn) chưa tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đang học đại học, cao đẳng nhưng do cảm thấy không phù hợp nên muốn dự thi lại để xét tuyển năm 2022 vào ngành khác (diện thí sinh tự do).

Với dự thảo quy chế mới này các em sẽ không được cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh đại học, cao đẳng mầm non năm 2022 là điều bất hợp lý cho các em so với các thí sinh đang học ở năm dự thi.

Thí sinh tự do đang sinh sống ở khu vực 1, khu vực 2,... mà tính như ở khu vực 3 liệu có hợp lý trong tuyển sinh?

Do đó, người viết xin được góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng mầm non năm 2022 nếu vẫn giữ nguyên điểm cộng ưu tiên khu vực tuyển sinh thì không nên phân biệt thí sinh thi năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) với thí sinh đã dự thi trước đây.

Có nghĩa là nếu thí sinh dự thi sinh sống ở khu vực ưu tiên đủ thời gian quy định sẽ được cộng điểm ưu tiên khu vực mà không phân biệt đối tượng thí sinh.

Góp ý chỉ còn cộng điểm ưu tiên cho thí sinh ở khu vực 1

Nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh đại học là đảm bảo công bằng, hợp lý trong tuyển sinh, chọn đúng người học vào các trường đại học theo thứ tự xét tuyển từ cao xuống thấp theo đúng quy chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Kỳ thi tuyển sinh nhằm mục đích lấy sinh viên đầu vào cho các trường đại học và cao đẳng phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh dự thi.

Tuy nhiên, có nhiều thí sinh đỗ vào các trường đại học nhờ được cộng điểm ưu tiên, tất nhiên có nhiều em trượt tức tưởi vì không được cộng điểm ưu tiên trên.

Những trường đại học tốp đầu, những trường danh tiếng thí sinh cạnh tranh với nhau 0,05 điểm nhưng thí sinh cộng đến 0,75 điểm ưu tiên do sinh sống ở khu vực 1 là chưa hợp lý.

Thực tế, vẫn có những em học sinh sống ở vùng không thuận lợi, vùng khó khăn, miền núi, hải đảo,... ở khu vực 1 nên vẫn có ưu tiên một phần cho các em sinh sống ở khu vực trên.

Hiện nay, nhiều địa bàn khu vực 2, khu vực 2 - nông thôn hiện nay giao thông, công nghệ thông tin đã phát triển nên thí sinh ở khu vực trên cũng không gặp khó khăn như trước đây, nhiều nơi còn thuận lợi hơn khu vực 3.

Do đó, người viết xin được góp ý dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022 là bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực 2, khu vực 2 - nông thôn, chỉ cộng 0,25 điểm ưu tiên cho khu vực 1 (bao gồm các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ).

Và để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh, khi cộng điểm thì không phân biệt thí sinh năm thi tốt nghiệp (trung cấp) hoặc thí sinh tự do, mọi thí sinh ở khu vực trên đủ thời gian quy định đều được cộng điểm ưu tiên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam