ĐBQH: Ai phải chịu trách nhiệm về sự sa sút của Trường ĐH Tôn Đức Thắng?

08/08/2022 06:51
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là một trong những nội dung mà Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân quan tâm.

Ngày 7/8, Báo Tuổi trẻ thông tin, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh liên quan nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) về Trường đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh).

Được biết, ngày 25/5/2022, Đại biểu Lê Thanh Vân đã có phiếu chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về các vấn đề liên quan đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Phó Thủ tướng đã có văn bản trả lời nội dung chất vấn của đại biểu.

Tuy nhiên để đại biểu hiểu rõ hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn trực tiếp gặp, trao đổi với đại biểu Lê Thanh Vân về những nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng mà đại biểu quan tâm.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Chiều tối 7/8, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Đại biểu Lê Thanh Vân và được đại biểu cho biết chưa nhận được văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Đại biểu Lê Thanh Vân thông tin với phóng viên cụ thể về nội dung đã chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Trong phiếu chất vấn, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, vào năm 2020, ông có thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước (trong đó có Thủ tướng Chính phủ) đề nghị xem xét việc kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cần được đặt trong bối cảnh trường này đang thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ;

Đồng thời ông Lê Thanh Vân cũng kiến nghị cho Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm (nếu có) thay vì kết luận của các cơ quan không chuyên sâu đã làm. Tuy nhiên, đến nay vị đại đại biểu Quốc hội này chia sẻ là ông vẫn chưa có hồi âm việc xử lý kiến nghị này như thế nào.

“Theo dõi, Trường Đại học Tôn Đức Thắng kể từ khi Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Danh bị buộc phải thi hành kỷ luật đến nay, tôi rất đau xót khi nhận thấy: Đại học Tôn Đức Thắng từng là mô hình điểm của thí điểm cơ chế tự chủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để có nhiều thành công vượt bậc nhờ cơ chế thí điểm tự chủ và tài năng của người đứng đầu, được xếp hạng thuộc đại học TOP 500 của thế giới;

Là địa chỉ học tập tin cậy của con em cả nước và con em cử tri Cà Mau – nơi tôi ứng cử 02 khóa Quốc hội. Nay thì Đại học Tôn Đức Thắng liên tục xuống dốc.

Tôi xin gửi kèm số liệu tôi thu thập được về việc chỉ trong vòng 18 tháng qua, Trường này đã bị rớt 200 hạng trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings của thế giới, hơn 400 thầy, cô giáo nghỉ việc, trong đó có hơn 200 tiến sĩ.

Đó là sự chảy máu chất xám khủng khiếp, nhất là một trường từng đóng góp hơn 1/5 công bố quốc tế cho cả nước vào năm 2020” – ông Lê Thanh Vân nêu trong phiếu chất vấn.

Cũng trong phiếu chất vấn ông Lê Thanh Vân chỉ ra: “Sau khi Hiệu trưởng Lê Vinh Danh bị cách chức đến nay là 18 tháng, chỉ còn công bố được 1/5 số bài/ năm so với năm 2020.

Sự sa sút nghiêm trọng về chất lượng như thế này ảnh hưởng toàn diện đến bộ mặt khoa học công nghệ và vị thế của quốc gia đối với thế giới”.

Vì những lẽ trên, Đại biểu Lê Thanh Vân đã gửi đến Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và đề nghị cho biết: “Vì sao thư đề nghị của tôi gửi Thủ tướng Chính phủ (như đã nêu ở trên) đến nay chưa có hồi âm?

Khi trả lời chất vấn và tranh luận của tôi tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng “việc cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là sai luật”. Đã sai luật thì phải sửa. Vậy việc sửa “sai” này đã được tiến hành ra sao?

Thành ủy Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử lý đảng viên Lê Vinh Danh về mặt đảng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền kiểm tra và xử lý kỷ luật về những vấn đề liên quan đến đoàn viên.

Nhưng việc thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ của Đại học Tôn Đức Thắng và trách nhiệm cá nhân Hiệu trưởng là theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khi Chính phủ chưa tổng kết và đưa ra kết luận đúng – sai về mô hình tự chủ do Thủ tướng Chính phủ cho phép, thì việc kỷ luật và cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng có đúng không?

Những hệ quả sa sút quá nhanh của Đại học Tôn Đức Thắng trong vòng 18 tháng qua bắt đầu từ nguyên nhân nào? Có phải chăng, chính là do trường này mất đi người đứng đầu tâm huyết?

Kết luận 14 của Bộ Chính trị về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đổi mới có được thực thi đối với trường hợp Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Danh không?

Ai là người phải chịu trách nhiệm về sự sa sút nghiêm trọng của Đại học Tôn Đức Thắng?

Linh Hương