ĐBQH: Cần có cơ chế đặc thù trong việc bố trí việc làm cho đối tượng cử tuyển

06/08/2023 07:26
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH cho rằng, tinh giản biên chế là một trong những nguyên nhân khiến người học cử tuyển thất nghiệp, cần đẩy mạnh hơn giải pháp ưu tiên với đối tượng này.

Khó khăn khi vừa tăng tỉ lệ dân tộc thiểu số vừa tinh giản biên chế

Qua phản ánh tại một số địa phương, đến nay, nhiều sinh viên cử tuyển vẫn chưa được bố trí việc làm sau đào tạo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, chính sách cử tuyển theo Nghị định số 141/2020-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, cũng đề cập đối tượng áp dụng bao gồm: Người dân tộc thiểu số rất ít người (từ 10.000 người trở xuống); người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Theo tôi, chính sách này là hợp lý.

Nữ đại biểu cũng cho biết: “Qua một số báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2010-2014, tỉnh có 256 chỉ tiêu cử tuyển, tuy nhiên chỉ có 211 em đăng ký và trúng tuyển, trong đó, có 144 sinh viên hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp. Trong số đó, có 139 sinh viên tốt nghiệp đã được phân công công tác.

Từ năm 2014 đến nay, Lâm Đồng hiện không còn chỉ tiêu học theo diện cử tuyển nữa, tuy nhiên, hiện vẫn còn 29 trường hợp chưa được bố trí việc làm. Từ khi có Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, bắt đầu xét tuyển lại đối với các đối tượng thuộc diện cử tuyển, tỉnh Lâm Đồng có 15 chỉ tiêu biên chế, có 16 thí sinh tham gia xét tuyển. Tuy nhiên, kết quả, có 10 thí sinh trúng tuyển, 3 thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển và 3 thí sinh không tham gia xét tuyển.

Những số liệu trên cho thấy, tại địa phương, việc cử người đi học và bố trí việc làm được thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí, cho thấy thời gian qua vẫn còn tình trạng sinh viên cử tuyển thất nghiệp, và ngay tại Lâm Đồng cũng vẫn còn tình trạng một số trường hợp khó bố trí việc làm”.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cũng cho biết, tại địa phương vẫn còn tình trạng người học cử tuyển xong chưa được bố trí việc làm.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cũng nhấn mạnh: “Khó khăn khiến các đối tượng học cử tuyển khó được bố trí việc làm, một phần do chủ trương tinh giản biên chế, tin gọn bộ máy. Thứ hai, khả năng dự báo chưa sát thực tiễn nên sau khi tốt nghiệp, nhu cầu việc làm cũng không còn, mà khi cử đi học, địa phương vẫn chưa tính toán được hết, chẳng hạn như với các ngành kiến trúc, giao thông, xây dựng,...

Mặt khác, chất lượng đào tạo so với nhu cầu của công việc thực tế chưa thực sự đáp ứng được; trong khi, thời gian học tập của người học có khi kéo dài đến 8 năm, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó sắp xếp được vị trí”.

Theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, và trong đó, tinh giản biên chế cũng là một nguyên nhân khách quan.

Nữ đại biểu chỉ ra: “Tại Quyết định số 402/2016/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, cũng có một mục tiêu: Nâng cao hợp lý tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các cơ quan của nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhưng không tăng số lượng biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao, phù hợp với Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Có nghĩa là, theo nguyên tắc, tăng tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số mà vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, thì sẽ rất khó.

Một nguyên nhân nữa cũng đã được chỉ ra tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ Chính trị cũng nhận định rằng, một nguyên nhân dẫn đến những hạn chế là một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền còn chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân tộc, và thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết, chưa quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số.

Một nguyên nhân nữa, do công tác lập kế hoạch, dự báo, phân tích nhu cầu nhân lực của các địa phương chưa thực sự hợp lý khi cử người đi học, nên khi đào tạo xong, mới không còn vị trí đó để bố trí. Tại thời điểm cử đi, địa phương cũng không thể hình dung sau 4-5 năm, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi như thế nào.

Một tình trạng thường thấy là khi được giao chỉ tiêu bao nhiêu thì cử đi một cách rất cơ học, theo nguyện vọng cá nhân người học mà không có sự xem xét, cân đối, tính toán so với nhu cầu sử dụng”.

Bên cạnh đó, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng cho rằng, tình trạng người học cử tuyển thất nghiệp cũng có thể do một số nguyên nhân chủ quan từ phía người học.

“Nhìn từ số liệu người học so với chỉ tiêu, tỉ lệ người học tham gia tuyển dụng và được bố trí việc làm, cũng cho thấy một phần nguyên nhân nằm ở phía chủ quan người học.

Có thể, mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ chi phí, nhưng nhiều học sinh người dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể vượt qua những khó khăn trước mắt của bản thân, chưa vượt qua được tư tưởng, văn hóa, phong tục vốn có của người dân tộc thiểu số, cũng như nhận thức chưa được đầy đủ, dẫn đến không kiên trì, kiên định theo đuổi mục tiêu học tập, theo đuổi định hướng nghề nghiệp ban đầu.

Đơn cử, như tại tỉnh Lâm Đồng, cũng có trường hợp đã được gọi đi xét tuyển nhưng lại không tiếp tục tham gia, cho thấy sự thiếu chủ động trong việc tiếp cận việc làm. Ngoài ra, trong 10 thí sinh trúng tuyển, lại có 1 thí sinh bị hủy kết quả trúng tuyển do không hoàn thiện hồ sơ và cũng có 1 người sau đó xin thôi việc.

Trong thực tế, cũng có tình trạng người học sau khi tốt nghiệp muốn “kén chọn” ví trí việc làm, tức là, có thể cảm thấy vị trí chưa thực sự phù hợp với chuyên môn. Ví dụ, một người học luật sẽ nghĩ rằng, mình phải được bố trí việc làm tại tòa án, viện kiểm sát chẳng hạn, trong khi đó, nếu bố trí vào các vị trí về mặt pháp chế tại các cơ quan vẫn hợp lý.

Mặt khác, cũng có trường hợp, người học kéo dài thời gian quá lâu so với khung đào tạo, cơ quan nhà nước không thể đảm bảo giữ vị trí trống đó để chờ tuyển dụng.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp khi được bố trí việc làm, lại không chịu chuyên trách cấp xã, mà nhất định phải phải làm công chức cấp huyện,... gây khó khăn trong sắp xếp.

Những thực trạng trên cho thấy vấn đề nằm ở hai phía, không phải chỉ do nhà nước không quan tâm bố trí việc làm cho đối tượng cử tuyển, mà thực tế là có rất nhiều chính sách, rất nhiều chủ trương ưu tiên trong công tác dân tộc” - nữ đại biểu lý giải.

Đẩy mạnh triển khai, khắc phục những lúng túng chưa thông suốt

Từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan trên, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng: “Nói về chất lượng học cử tuyển: Tại Điều 6, Nghị định số 141/2020/NĐ-CP, cũng đã quy định cụ thể tiêu chuẩn tuyển sinh theo chế độ cử tuyển phải có xếp loại học lực, hạnh kiểm như thế nào mới được chọn đi học. Như vậy, người học cử tuyển cũng phải có năng lực thực sự, không thể nói, cứ học cử tuyển là chất lượng không bằng các sinh viên khác.

Vậy, vấn đề là, các cơ sở giáo dục đại học cần phải thực hiện nghiêm ngặt về kiểm định chất lượng giáo dục, cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo đầu ra.

Mặt khác, trong Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, có các dự án, tiểu dự án.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC.

Trong Dự án 5 - Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gồm 4 tiểu dự án đều về phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số, trong đó, có một tiểu dự án về giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tôi cho rằng, phải quyết liệt triển khai chương trình mục tiêu quốc gia này, hiện tại vẫn còn rất chậm so với tiến độ. Đồng thời, kiến nghị các cấp, ngành có trách nhiệm, mà trách nhiệm thường trực là Ủy ban Dân tộc, cần phải có những sự chỉ đạo, đôn đốc khẩn trương để các cấp, ngành nhanh chóng triển khai.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện Đề án Vị trí việc làm. Trước đó, tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Xây dựng và Quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập diễn ra vào ngày 14/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu các Bộ, ngành phải hoàn tất việc ban hành 2 thông tư làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình, trước ngày 10/8/2023.

Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa. Trước nay, chúng ta đào tạo nhưng không biết nhu cầu sử dụng bao nhiêu, phải bố trí như thế nào... Cần phải nhanh chóng hoàn thiện các đề án, trên cơ sở đó, có thể tính toán, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Lâu nay, chúng ta chưa có cơ sở rõ ràng để bố trí và sắp xếp vị trí việc làm một cách hợp lý, khoa học. Và đây là cả hệ thống nói chung, không chỉ dành riêng cho người dân tộc thiểu số, bởi, nếu “kim chỉ nam” không rõ ràng, chúng ta không thể bố trí việc làm một cách chính xác và bài bản.

Ngoài ra, cũng cần có cơ chế đặc thù trong việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm cho đối tượng cử tuyển, nếu người học đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí tại vị trí việc làm nêu ra, có thể thành lập hội đồng để xét đặc cách.

Theo Quyết định số 402/2016/QĐ-TTg, đã có quy định cụ thể về tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại từng địa phương. Như vậy, có thể mạnh dạn lập một hội đồng cấp tỉnh để xét đặc cách cho trường hợp cử tuyển đủ điều kiện và phù hợp với vị trí việc làm.

Chủ trương, chính sách đã rất rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên, lâu nay, chúng ta vẫn vướng ở khâu hướng dẫn thực hiện, triển khai vẫn còn nhiều lúng túng, chưa thông suốt. Chính vì vậy, phải đẩy mạnh công tác triển khai và thực hiện một cách hiệu quả”.

Bên cạnh những giải pháp trên, Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt cũng nhấn mạnh: “Đối với các Sở, ngành liên quan đến sắp xếp, bố trí việc làm cũng cần có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, để siết chặt chỉ tiêu, đảm bảo chỉ tiêu sát nhu cầu thực tế. Trong những trường hợp do dự báo nhu cầu không sát thực tiễn, cần phải có trách nhiệm, đã cử người đi học phải có trách nhiệm sắp xếp, bố trí việc làm nếu người học đã tốt nghiệp và đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, có chính sách đặc thù để tuyển dụng công chức, viên chức dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số rất ít người, dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Qua đó, tích cực bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số”.

Mộc Trà