Vì đâu nên nỗi sinh viên diện cử tuyển phải ở nhà làm nông, công nhân?

02/08/2023 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tốt nghiệp Trường Đại học Y tế Công cộng diện cử tuyển nhưng nhiều người vẫn chưa được bố trí việc làm, chấp nhận đi làm công nhân hoặc làm nông.

Hiện nay đang xảy ra một nghịch lý là dù được đào tạo theo chính sách cử tuyển nhưng nhiều người sau khi ra trường vẫn thất nghiệp, chưa được bố trí công việc hoặc vẫn phải thi tuyển vào các vị trí việc làm như những cử nhân bình thường khác.

Đây là một thực tế đang xảy ra tại tỉnh Hà Giang, có nhiều cựu sinh viên cử tuyển sau khi học xong phải ở nhà làm nông, làm công nhân kiếm sống vì thiếu chỉ tiêu biên chế nên chưa được địa phương tuyển dụng.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Củng Chẩn Sèo (sinh năm 1992, quê huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) cho biết, anh là sinh viên cử tuyển của Trường Đại học Y tế Công cộng (Hà Nội).

Anh Sèo cho biết: “Trước khi được chọn đi học, tôi được biết sau khi ra trường, mình sẽ được bố trí việc làm. Năm 2017, tôi tốt nghiệp và nộp hồ sơ, bằng cấp cho địa phương để mong có cơ hội làm việc tại quê hương. Lúc đó, Sở Nội vụ cho biết chưa có chỉ tiêu, lúc nào có việc sẽ gọi.

Thế nhưng từ khi tốt nghiệp ra trường đến nay, tôi chưa nhận được cuộc gọi nào, cũng không thấy ai hỏi thăm gì. Nhiều bạn học với tôi đợt đó cũng đang thất nghiệp hoặc làm công việc tự do”.

Tốt nghiệp Trường Đại học Y tế Công cộng nhưng hiện anh Sèo chỉ có thể làm công việc nhà nông, trồng trọt, chăn nuôi tại nhà để chăm lo cho gia đình với 3 đứa con nhỏ.

“Ban đầu được chọn và động viên đi học, tôi cũng hi vọng nhiều nhưng học xong, chờ mãi mà vẫn chưa bố trí việc làm được nên tôi rất buồn.

Tôi gặp khó khăn trong tìm việc nên cuối cùng không thể làm công việc theo chuyên môn được đào tạo. Nhiều bạn bè cũng có hoàn cảnh tương tự, tôi thấy như vậy là tốn thời gian học tập và cũng lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước”, anh Sèo tâm sự.

Nhiều người được cử đi đào tạo theo chính sách cử tuyển nhưng tốt nghiệp đã nhiều năm vẫn chưa được bố trí việc làm. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Nhiều người được cử đi đào tạo theo chính sách cử tuyển nhưng tốt nghiệp đã nhiều năm vẫn chưa được bố trí việc làm. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Anh Lý Văn Dũng (sinh năm 1993, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cũng từng được cử đi học theo chính sách cử tuyển và tốt nghiệp Trường Đại học Y tế Công cộng năm 2017.

Thế nhưng sau khi ra trường, anh cũng mòn mỏi chờ đợi nhưng chưa được sắp xếp công việc. Khi hỏi thì địa phương chỉ trả lời là chưa có chỉ tiêu và chưa có đợt thi tuyển.

Đến năm 2021, anh mới được thông báo tham gia thi tuyển vào Trung tâm y tế huyện.

“Năm đó, những người tham gia thi tuyển thuộc diện cử tuyển nhiều mà chỉ tiêu tuyển dụng ít quá nên không thể sắp xếp công việc hết cho mọi người.

Tôi tham gia phỏng vấn nhưng không được nhận nên xin rút bằng về để tìm công việc bên ngoài.

Song, vì không xin được việc đúng chuyên ngành nên tôi quyết định đi làm công nhân cho công ty điện tử ở Bắc Ninh. Đến nay, tôi vẫn đang làm việc tại đây.

Dù khi đi học diện cử tuyển, tôi được hỗ trợ kinh phí học tập nhưng giai đoạn đó, gia đình vẫn phải vay mượn để mình trang trải thêm, mong sao ra trường được bố trí công việc theo chuyên môn và được làm việc trên quê hương, được ở gần gia đình.

Nhưng khi học xong, chờ mãi vẫn chưa được bố trí công việc, cuối cùng lại phải tha hương để đi làm công nhân để trả nợ. Điều này khiến tôi rất buồn và thất vọng”, anh Dũng chia sẻ.

May mắn hơn so với bạn bè, anh Viên Văn Nhân (sinh năm 1994, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) đã được làm việc tại Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Yên Minh sau khi tham gia thi tuyển vào năm 2021.

Anh Nhân cũng được cử đi đào tạo diện cử tuyển tại Trường Đại học Y tế Công cộng và tốt nghiệp năm 2017. Tuy nhiên, sau tốt nghiệp, anh chưa được bố trí công việc nên phải xin vào làm tại bệnh viện tư nhân.

Hơn 3 năm sau khi ra trường, anh mới nhận được thông báo tham gia thi tuyển. Theo anh Viên Văn Nhân, thời điểm đó, toàn tỉnh chỉ có 5 chỉ tiêu nhưng có hơn 10 người tham gia thi.

“Sau khi học xong, ra trường, ai cũng mong muốn được bố trí công việc ổn định nhưng chúng tôi đều phải chờ đợi nhiều năm. Khoảng thời gian chờ đợi đó, tôi khá nản lòng.

Dù học theo diện cử tuyển nhưng cũng như những bạn theo học đại học chính quy bình thường, chúng tôi vẫn phải tham gia thi tuyển chứ chưa được bố trí công việc”, anh Nhân chia sẻ.

Phạm Minh