Tréo ngoe, có trường đa số sinh viên bị thôi học lại thuộc diện cử tuyển

03/08/2023 06:35
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại Trường Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên, hầu hết sinh viên bị buộc thôi học, trả về địa phương đều rơi vào diện cử tuyển.

Theo Khoản 1, Điều 5 của Nghị định số 141/2020/NĐ-CP Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, thì người học theo chế độ cử tuyển sẽ được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển; được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo; được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thế nhưng, qua ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng nhiều cử nhân diện cử tuyển dù tốt nghiệp đã nhiều năm vẫn chưa được bố trí việc làm.

Theo chia sẻ của các cơ sở giáo dục có đào tạo sinh viên diện cử tuyển trong những năm qua, số lượng sinh viên diện cử tuyển đang giảm dần, có nhiều trường đã dừng đào tạo sinh viên cử tuyển.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo sinh viên diện cử tuyển cũng còn tồn tại một số bất cập.

Số lượng sinh viên được cử đi đào tạo theo chính sách cử tuyển ở các trường đại học đang giảm dần. Ảnh minh hoạ: Báo Dân tộc và Phát triển

Số lượng sinh viên được cử đi đào tạo theo chính sách cử tuyển ở các trường đại học đang giảm dần. Ảnh minh hoạ: Báo Dân tộc và Phát triển

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang Mạnh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y dược - Đại học Thái Nguyên cho biết, số lượng sinh viên đào tạo theo chính sách cử tuyển càng ngày càng ít. Nhiều năm trước, mỗi năm có đến hàng chục sinh viên diện cử tuyển nhưng hai năm trở lại đây, số lượng này giảm mạnh.

Năm ngoái, tất cả các ngành, trường chỉ có khoảng 9 sinh viên diện cử tuyển nhập học.

Lý giải điều này, Tiến sĩ Nguyễn Quang Mạnh cho hay, do trước đây quy định thoáng hơn, việc địa phương tuyển chọn người đi học dễ dàng hơn, nhưng theo quy định của Nghị định số 141/2020/NĐ-CP, việc lựa chọn người học theo diện cử tuyển ngày càng khó vì tiêu chuẩn, yêu cầu đặt ra cao hơn.

Đây là những sinh viên dân tộc thiểu số và được địa phương “đặt hàng” đào tạo. Theo chính sách của Nhà nước, địa phương sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo cho người học.

Thầy Mạnh thông tin thêm, nhà trường cũng thực hiện khảo sát việc làm đối với sinh viên diện cử tuyển sau khi ra trường, hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều trở về địa phương làm việc. Năng lực của các em đều đáp ứng được nhu cầu việc làm ở các tỉnh.

“Chúng tôi đã đi các tỉnh khảo sát, có thể thấy nhu cầu địa phương rất cần những đối tượng người học này, tuy nhiên, dù nhu cầu lớn nhưng đối tượng đủ tiêu chuẩn để được cử đi đào tạo cử tuyển theo quy định hiện nay khó khăn hơn. Vì vậy, số lượng người học cũng giảm dần.

Đào tạo diện cử tuyển là một chính sách tốt của Đảng và Nhà nước, Uỷ ban Nhân dân tỉnh sẽ giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo xác định nhu cầu và cử người đi học tại các cơ sở đào tạo.

Còn về phía cơ sở đào tạo, để đảm bảo nguồn nhân lực cho địa phương, địa phương và nhà trường đã thực hiện cam kết, không phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên, và bằng tốt nghiệp sẽ được trao trực tiếp cho địa phương cử sinh viên đi học cử tuyển quản lý”, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y dược - Đại học Thái Nguyên cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Mạnh chia sẻ, trong đào tạo sinh viên cử tuyển hiện nay vẫn có một số bất cập.

Cụ thể, những người được cử đi đào tạo diện cử tuyển dù đã có chọn lọc theo tiêu chuẩn quy định nhưng năng lực học tập chưa được cao so với mặt bằng chung.

Đặc biệt đối với trường đại học đào tạo khối ngành sức khoẻ, yêu cầu về năng lực người học cũng cao hơn nhiều ngành nghề khác, hơn nữa, quá trình đào tạo rất khắt khe, vì vậy, hầu hết những sinh viên không đáp ứng được yêu cầu, phải dừng học, bị trả về địa phương đều rơi vào diện cử tuyển.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài sự hỗ trợ của nhà trường, cần có chính sách hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng cho người học. Ví dụ sinh viên cử tuyển vẫn phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ nên cần bồi dưỡng thêm cho các em.

Vấn đề thứ hai là sinh viên diện cử tuyển đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đa số các em có hoàn cảnh rất khó khăn, mức hỗ trợ hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, chi phí sinh hoạt với nhiều sinh viên cử tuyển. Chính vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn để các em yên tâm học tập.

Về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, các địa phương sẽ phải có chính sách để “giữ chân” nguồn nhân lực, để họ trở về địa phương làm việc và cống hiến sau khi ra trường.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho hay, nhà trường đã dừng tuyển sinh diện cử tuyển 4 năm nay.

Trước đây, Trường Đại học Tây Nguyên có Khoa Dự bị tạo nguồn với nhiệm vụ đào tạo dự bị đại học 1 năm cho các học sinh dự bị và cử tuyển của nhà trường. Nhưng hiện nay trường đã không còn khoa này nữa.

Trước đây, khi đào tạo sinh viên diện cử tuyển, địa phương sẽ đặt hàng đào tạo cho trường đại học và các tỉnh có ràng buộc với người học: địa phương sẽ bố trí việc làm sau khi các em tốt nghiệp, còn người học có trách nhiệm trở về công tác, làm việc tại địa phương

Khi sinh viên tốt nghiệp, trường sẽ mời đại diện địa phương tới để cùng nhận bằng với người học.

Nhà trường ký hợp đồng đào tạo với địa phương, hàng kỳ hàng năm, trường báo cáo với các tỉnh về kết quả học tập của các đối tượng cử tuyển, còn địa phương có trách nhiệm chi trả kinh phí đào tạo cho người học.

Phạm Minh