Ngày 31/3, Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã tổ chức họp báo công bố đề án tuyển sinh năm 2018 với sự tham gia của Ban giám hiệu, các phòng chức năng, đại diện ban giám hiệu và phụ huynh, học sinh các trường trung học phổ thông tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng.
Ngưỡng đầu vào 16 điểm trở lên
Năm 2018, trường tuyển 2.950 chỉ tiêu đại học chính quy cho 22 chương trình truyền thống, 13 chương trình chất lượng cao và 5 chương trình hợp tác quốc tế.
Đại học Bách khoa Đà Nẵng giảm chỉ tiêu tuyển sinh so với năm ngoái để đảm bảo chất lượng đào tạo. Ảnh: TT |
Ngoài ra, trường tuyển sinh đào tạo công nghệ thông tin theo cơ chế đặc thù với 90 chỉ tiêu, sinh viên sẽ học 30% khối lượng chương trình với doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, trưởng phòng đào tạo Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 16 điểm trở lên (theo thang 30 điểm).
Riêng ngành Kiến trúc, thí sinh phải thi thêm môn vẽ mỹ thuật do Hội đồng tuyển sinh đại học Đà Nẵng tổ chức và phải có 5 điểm trở lên.
Các tổ hợp có mức ưu tiên như nhau. Đối với thí sinh có điểm xét tuyển bằng điểm trúng tuyển sẽ ưu tiên thí sinh có điểm môn Toán cao.
Chú trọng đào tạo sau đại học để cung cấp nguồn nhân lực bậc cao |
Điểm mới tuyển sinh của trường năm nay là ngoài 8 chương trình chất lượng cao hiện có (Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ thực phẩm, công nghệ dầu khí và khai thác dầu, kiến trúc, kỹ thật xây dựng công trình giao thông), trường còn mở mới 5 chương trình chất lượng cao.
Mỗi ngành 45 chỉ tiêu gồm các ngành: Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật xây dựng, kinh tế xây dựng.
“Điểm mới của chương trình đào tạo chất lượng cao là từ năm học 2018-2019, các chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên chương trình đào tạo của các đại học tiên tiến đã được kiểm định theo tiêu chuẩn ABET.
Thời gian khóa học còn 4 năm so với 4,5 năm với chương trình đào tạo truyền thống”, Tiến sĩ Hải cho hay.
Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng giảm thời lượng lý thuyết trên lớp, tăng thời lượng thực hành và thực hành tại doanh nghiệp.
Tổ chức việc dạy – học theo mô hình “học theo dự án” giúp sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn về kiến thức và các kỹ năng đòi hỏi cao của thị trường nhân lực như khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, tự học, tự nghiên cứu, giao tiếp và làm việc nhóm, sáng tạo.
Dù tuyển không đủ chỉ tiêu thì cũng không hạ điểm đầu vào
Theo đề án tuyển sinh của trường thì việc nâng cao năng lực ngoại ngữ được chú trọng ngay từ đầu. Ở học kỳ đầu tiên, sinh viên tập trung học ngoại ngữ để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu học tập của chương trình.
Trường cam kết giới thiệu việc làm cho 100% sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá trở lên và có đạo đức tốt. Trường có chính sách học bổng tài năng cho sinh viên có tổng điểm các môn thi cao (từ 26 trở lên).
Chính thức có hệ thống thông tin hỗ trợ thi và tuyển sinh 2018 |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho biết, qua khảo sát thì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường sau một năm có việc làm đạt 96,6%. Việc làm ở đây được xác định là: đúng ngành, gần ngành và tự tạo việc làm cho chính mình.
Theo Phó Giáo sư Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường là 16 điểm trở lên. Theo số liệu qua các năm thì hơn 90% số ngành trong trường đều có ngưỡng đầu vào cao từ 20-23 điểm trở lên.
Đặt giả thiết nếu nhà trường không tuyển đủ chỉ tiêu thì có hạ ngưỡng điểm đầu vào, thầy Vinh khẳng định không có chuyện đó.
Dù một ngành chỉ tuyển được 10 sinh viên thì nhà trường vẫn tiếp tục chương trình đào tạo. Bởi khi mở ngành, nhà trường đã xác định ngành đó cần thiết cho xã hội, nhu cầu nhân lực đang thiếu. Có thể do các em chưa biết đến ngành đó hoặc không nhận ra ý nghĩa của nó nên chưa có sự lựa chọn.
So với kỳ tuyển sinh năm 2017, kỳ tuyển sinh này trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chỉ tuyển 2.950 sinh viên (so với 3.050 chỉ tiêu) của năm ngoái. Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Tại buổi họp báo, nhà trường cũng đã lắng nghe những “hiến kế” của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo.
“Hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp luôn được gắn kết chặt chẽ. Những kiến thức mà doanh nghiệp cần đều được nhà trường cập nhật vào chương trình đào tạo. Năm nay, sự hợp tác đó sẽ mạnh mẽ hơn nữa”, thầy Vinh khẳng định.