Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, trong thời gian dài, trên trang web và facebook của Thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi (beautymedi.vn) địa chỉ tại 169 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng (Hà Nội) liên tục xuất hiện thông tin quảng cáo, khuyến mãi sản phẩm “thuốc” REDUXAN được giới thiệu là “chống tăng cân”, nhập khẩu từ Đức.
Không có giấy phép nhập khẩu, không giấy phép quảng cáo, Thanh Hằng Beauty Medi vẫn ngang nhiên quảng cáo, phân phối, khuyến mãi và định giá thuốc Reduxan. |
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xác nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì tính đến thời điểm hiện tại, chưa có sản phẩm nào có tên “Reduxan” được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành thuốc hoặc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc thành phẩm. Hiện tại, không có số đăng ký loại thuốc này tại Cục Dược.
Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng chưa cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho sản phẩm thuốc nào có tên “Reduxan”.
Không có giấy phép nhập khẩu, không hiểu bằng cách nào, Thanh Hằng Beauty Medi lại có thuốc Reduxan nhập khẩu từ Đức? |
Mặc dù vậy, Thanh Hằng Beauty Medi vẫn ngang nhiên quảng cáo công dụng sản phẩm trên trang web của công ty mình, ngang nhiên định giá sản phẩm là 1.250.000 đồng/hộp. Có thể, hàng nghìn khách hàng của Thanh Hằng Beauty Medi đã được phân phối và sử dụng loại thuốc này.
Phân tích về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng:
Điều 9, Luật Dược quy định những hành vi bị cấm gồm: 1. Kinh doanh thuốc mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; 2. Hành nghề dược mà không có Chứng chỉ hành nghề dược; 3. Kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn dùng, thuốc thuộc danh mục thuốc cấm nhập khẩu, thuốc thử lâm sàng, thuốc chưa được phép lưu hành, thuốc mẫu dùng để đăng ký hoặc giới thiệu cho thầy thuốc;
Sử dụng bác sĩ ngoại không giấy phép hành nghề, Thanh Hằng vội vàng xóa dấu vết |
4. Giả mạo, thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; 5. Thông tin, quảng cáo thuốc sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo thuốc trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam; 6. Bán thuốc tại những nơi không phải là cơ sở bán thuốc hợp pháp; 7. Lợi dụng độc quyền trong kinh doanh thuốc để thu lợi bất chính, bán phá giá thuốc, tăng giá thuốc trái quy định của pháp luật; 8. Khuyến mại thuốc trái quy định của pháp luật.
Điều 153, Bộ luật Hình sự quy định Tội buôn lậu:
1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:… c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:..đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn;
Điều 155, Bộ luật Hình sự quy định Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm:
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm khẳng định: Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, nếu có đủ căn cứ thì có thể đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự người chịu trách nhiệm pháp luật của Thanh Hằng Beauty Medi. ảnh: Hàn Hồng |
"Qua xác minh và trả lời của Bộ Y tế cho rằng dược phẩm có tên là REDUXAN mà Thanh Hằng Beauty Medi đang quảng cáo, khuyến mãi, định giá sản phẩm nhưng không có tên trong danh mục được phép nhập khẩu… Rõ ràng, thẩm mỹ viện Thanh Hằng đã vi phạm các quy định về điều cấm trong Luật Dược.
Đây là hàng hóa, dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất nghiêm trọng đến tính mạng con người.
Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành điều tra xác minh xem những loại dược phẩm, thuốc… mà Thanh Hằng sử dụng được cung cấp từ nguồn nào, số lượng bao nhiêu, thuốc thật hay thuộc giả?.
Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, nếu có đủ căn cứ thì có thể đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều 153 Bộ luật Hình sự về tội Buôn lậu; Điều 155, Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm và Điều 157, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", Luật sư Kiệm khẳng định.
Đây là vụ việc rất nghiêm trọng đề nghị cơ quan điều tra sớm vào cuộc làm rõ, nếu có dấu hiệu hình sự phải tiến hành khởi tố vụ án để xử lý nghiêm.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.