Khác với các môn học còn lại ở các cấp học phổ thông, môn Ngữ văn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người hơn cả bởi các môn học khác cần phải có kiến thức chuyên ngành mới có thể phân tích, đánh giá cụ thể được.
Riêng đối với đề kiểm tra môn Ngữ văn hiện nay đang được Bộ hướng dẫn lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nên chúng ta thường lấy ngữ liệu từ những tác phẩm văn học, hoặc những vấn đề xã hội đã, đang xảy ra trong cuộc sống nên nhiều người có thể biết, bàn luận, đánh giá, khen chê với nhiều góc nhìn khác nhau.
Chính vì thế, dù là kỳ thi, kỳ kiểm tra học kỳ thì đề môn Ngữ văn vẫn luôn được dư luận xã hội, phụ huynh đặc biệt quan tâm và thực tế đề kiểm tra học kỳ I, năm học 2023-2024 vừa qua là một minh chứng rõ ràng và cụ thể nhất.
Đề Ngữ văn được phản ánh khá nhiều, phân tích khá nhiều và thực tế những hạn chế trong khâu lựa chọn ngữ liệu, cách đặt câu hỏi của một số đề bài chưa thực sự phù hợp. Từ đó, chúng ta cũng thấy được rõ hơn về việc dạy và học Ngữ văn hiện nay, cũng như những vấn đề nảy sinh khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Đề Ngữ văn 8 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Bình (Đồng Tháp) gặp nhiều ý kiến trái chiều |
Một số đề bài Ngữ chưa tạo được sự yên tâm
Tính đến thời điểm này, tất cả các địa phương đã hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá học kỳ I, năm học 2023-2024 và điều còn “đọng lại” nhiều nhất ở kỳ kiểm tra vừa qua có lẽ là một số hạn chế về việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn ở một số địa phương, nhà trường.
Đầu tiên, phải kể đến đề Ngữ văn lớp 9 và lớp 12 của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang vì đây là 2 đề kiểm tra mà sở đứng ra ra đề cho học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Đề lớp 12 “có vấn đề” khi lấy ngữ liệu phần đọc hiểu là bài thơ Đêm nghe dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo của cố nhà thơ Trịnh Bửu Hoài và yêu cầu học sinh giải thích nghĩa: “Dạ cổ hoài lang có nghĩa là gì?...”. Điều dư luận băn khoăn là đáp án của sở đưa ra cho câu này là “Bài ca cổ (nói về tâm sự) người vợ nhớ chồng lúc về đêm”.
Đối với đề lớp 9, ngữ liệu phần đọc hiểu được lấy từ truyện Hai con chó tại địa chỉ: http//mamnongiaquat.longbien.edu.vn (website của trường Mầm non Gia Quất, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội). Nhiều giáo viên cho rằng ngữ liệu không có nguồn dẫn rõ ràng vì thực tế website không để tên tác giả.
Ngoài ra, nhiều người còn băn khoăn khi đề bài làm văn, Sở yêu cầu: “Thuyết minh về một điện thoại di động thông minh (smartphone/iPhone) đã/đang sử dụng”. Vậy, những học sinh “chưa” sử dụng điện thoại thông minh thì sẽ thực hiện ra sao?
Không chỉ đề sở mà đề của Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng có những đề khiến cho dư luận dậy sóng. Mới đây, học sinh lớp 8 của huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) làm bài kiểm tra Ngữ văn do Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề. Trong đó, ngữ liệu phần đọc hiểu được lấy từ truyện Sao chưa mời tôi ăn, trích từ sách Tiếng cười dân gian Việt Nam của Trương Chính - Phong Châu.
Ngữ liệu như sau:
“Một người bị đau bụng mà không thể đi đại tiện được, bèn đến gặp thầy lang nhờ chữa trị. Anh ta hứa với thầy lang là khi nào được chữa khỏi sẽ mời ông một bữa thịnh soạn. Thầy lang tin lời và bốc thuốc cho anh ta. Sau mấy ngày uống thuốc thì anh này khỏi bệnh và đi đại tiện bình thường được, nhưng tính ki bo nên muốn nuốt lời về bữa cơm, nên khi nào ông thầy lang hỏi thì cứ nói là chưa khỏi.
Ông thầy lang cũng đoán được là anh ta nói dối, bực lắm, bèn quyết định rình bắt quả tang. Một lần thấy anh ta lại đi ra đồng đại tiện, ông thầy lang liền bám theo. Khi anh này vừa đi xong đang kéo quần lên thì ngay lập tức ông thầy lang từ trong bụi cây chạy ra, một tay nắm tay anh ta, một tay chỉ vào đống phân mà quát:
⁃ Anh thật là kė tham lam tráo trở. Đã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?”.
Ngữ liệu này được đánh giá là không phù hợp. Bên cạnh đó, câu hỏi hỏi về nghĩa hàm ẩn cũng khá kỳ cục khi yêu cầu học sinh: “Xác định nghĩa hàm ẩn trong câu sau: Ðã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?”. Hoặc câu hỏi: “Em rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc câu chuyện trên?”.
Không biết học sinh sẽ rút ra bài học gì và đáp án của Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ rút ra “bài học” từ ngữ liệu như thế này?
Điều hy hữu trong kỳ kiểm tra học kỳ I vừa qua đối với môn Ngữ văn đã xảy ra ở trường Trung học cơ sở- Trung học phổ thông Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) khi 365 học sinh lớp 10 phải kiểm tra lại môn Ngữ văn học kỳ I vì đề kiểm tra dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa, không đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong khi, việc đề Ngữ văn lấy ngữ liệu cho phần đọc hiểu và phần viết được thực hiện từ năm học 2022-2023 theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, ngày 21/7/2022. Không biết, 2 học kỳ của năm học 2022-2023 vừa qua, đề Ngữ văn của trường Trung học cơ sở- Trung học phổ thông Tân Lộc thực hiện ra sao mà đến cuối kỳ I, năm học 2023-2024 mới phát hiện ra lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa- sai với hướng dẫn của Bộ.
Tại sao đề sở, đề phòng, đề trường đều có thể có “sạn”?
Thực tế, học kỳ I, năm học 2023-2024 vừa qua, có nhiều đề kiểm tra môn Ngữ văn được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về một số hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết của mình, chúng tôi chỉ điểm lại vài đề bài có “sạn” nhưng cố gắng lựa chọn cả đề sở, đề phòng và đề nhà trường…
Thông thường, đề sở thì chuyên viên sở ra; đề phòng thường sẽ do tổ trưởng, tổ phó Hội đồng bộ môn ra (mỗi người 1 đề và phản biện cho nhau); đề của trường sẽ do giáo viên dạy khối nào ra đề khối đó.
Trong 3 cấp này, đề trường có sai sót, hoặc có “sạn” dù sao cũng dễ thông cảm hơn vì họ là người ở cấp thấp nhất, ít được tập huấn nhất và phạm vi ảnh hưởng của đề bài sẽ không nhiều vì chỉ trong phạm vi đơn vị nhà trường.
Tuy nhiên, đề sở mà sai sót là đáng trách nhất vì đây được xem là “máy cái”, là đầu tàu của môn Ngữ văn của một địa phương. Vì thế, nếu đề của sở có “sạn” sẽ tạo ra những luồng dư luận không tốt cho địa phương và có ảnh hưởng đến uy tín chung.
Bởi lẽ, việc tập huấn xây dựng đề kiểm tra thường do chuyên viên sở tập huấn cho đội ngũ cốt cán của các trường Trung học phổ thông, sau đó đội ngũ này về tập huấn đại trà cho giáo viên trong trường.
Đối với cấp Trung học cơ sở thì chuyên viên sở sẽ tập huấn cho tổ trưởng, tổ phó hội đồng bộ môn các huyện, sau đó các Phòng Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức tập huấn đại trà cho giáo viên ở các nhà trường.
Vì vậy, đề sở, đề phòng mà sai sót, hạn chế chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của giáo viên dạy môn Ngữ văn. Bởi vì ngay cả những người đứng đầu bộ môn 1 tỉnh, 1 huyện mà còn để xảy ra sai sót về chuyên môn thì rất khó để họ triển khai nội dung tập huấn một cách tốt nhất đến đội ngũ nhà giáo.
Rõ ràng, việc Bộ triển khai việc kiểm tra môn Ngữ văn bằng cách lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đang nảy sinh một số vấn đề ở một số địa phương, nhà trường. Không chỉ giáo viên lúng túng trong việc ra đề mà ngay cả người phụ trách môn Ngữ văn ở cấp sở, hội đồng bộ môn cấp huyện một số nơi cũng đang gặp khó khăn.
Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho Vụ Giáo dục Trung học của Bộ trong thời gian tới đây trong việc hướng dẫn lựa chọn, xây dựng ngữ liệu; hình thức kiểm tra; cách xây dựng câu hỏi trong đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn. Nếu không, mỗi học kỳ đi qua, mỗi kỳ thi đi qua, dư luận sẽ tiếp tục phải chứng kiến những đề Ngữ văn có “sạn” và hạn chế như trong thời gian vừa qua.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.