Kiểm điểm người ra đề, phản biện, duyệt đề Ngữ Văn phản cảm

09/01/2024 06:41
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp khẳng định, đã kiểm điểm người ra đề, phản biện, duyệt đề môn Ngữ Văn lớp 8 cuối học kỳ 1.

Ngày 2/1/2024, học sinh lớp 8 của huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành đã thực hiện việc kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ Văn. Đề thi do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình ra.

Ngay sau khi thực hiện xong bài kiểm tra này, nhiều giáo viên dạy môn Ngữ Văn đã thông tin về cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, đề kiểm tra này đã lấy phần ngữ liệu phản cảm.

Cụ thể là tại phần I của đề là phần Đọc – Hiểu (chiếm 6 điểm), đề kiểm tra này cho ngữ liệu là câu chuyện “Sao chưa mời tôi ăn?” nói về một người đau bụng đến nhờ thầy lang chữa trị. Sau đó, vì tham lam nên đã tráo trở, nuốt lời hứa cảm ơn.

Đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn khối 8 của học sinh huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (ảnh: CTV)

Đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn khối 8 của học sinh huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (ảnh: CTV)

Phần I này có 3 câu hỏi nhỏ, yêu cầu học sinh trả lời nhiều câu hỏi có liên quan đến nội dung văn bản nói trên.

Dù chỉ là một đoạn văn bản ngữ liệu được đưa vào đề kiểm tra, nhưng tình tiết và câu chữ trong đoạn văn bản này có nhiều chỗ rất phản cảm, mà nhiều người cho rằng không nên đưa vào đề.

Theo nhiều giáo viên môn Ngữ Văn, đề kiểm tra này đã lấy ngữ liệu rất thiếu tính thẩm mỹ. Nó là một câu chuyện dân gian bông đùa, có chút phê phán thói khôn lỏi của người dân xưa ít học, hoàn toàn không có tính giáo dục cho học sinh ngày nay.

Trong ngữ liệu này có từ “phân” (người) đọc rất thô thiển, khó mà có thể chấp nhận được trong một đề kiểm tra dành cho học sinh làm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ ngôn ngữ học Phan Thế Hoài đánh giá, đề kiểm tra này có ngữ liệu rất thiếu tính thẩm mỹ.

Phần văn bản “Sao chưa mời tôi ăn?”, người ra đề đã quên để trích nguồn từ nhà xuất bản, văn bản lấy từ trang số mấy. Đồng thời, người ra đề đã quên chú thích cho một số từ ngữ như: “đại tiện”, “thày lang”, “tính ki bo”, “tráo trở” thì học sinh lớp 8 (14 tuổi) mới có thể hiểu được trọn vẹn câu chuyện.

Những từ ngữ như “đại tiện”, “đống phân”, “Khi anh này vừa đi xong kéo quần lên…”, “Đã đi được một đống lù lù thế, sao còn chưa mời tôi ăn hả?”… quá mất thẩm mỹ.

Cùng với đó, câu 2c hỏi: “Em rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc câu chuyện trên?” Giả sử rằng học sinh trả lời như thế này thì giáo viên sẽ chấm như thế nào: “Bệnh nhân đi đại tiện được thì nhớ cho thầy lang ăn một bữa thịnh soạn?”.

Học sinh không thể trả lời được câu hỏi 3b của đề này: Xác định nghĩa hàm ẩn trong câu nói sau: “Đã đi được một đống lù lù thế này, sao còn chưa mời tôi ăn hả?” do theo Thạc sĩ Phan Thế Hoài câu nói này không có nghĩa gì hàm ẩn cả.

Bởi vì “một đống lù lù” đặt trong ngữ cảnh câu chuyện “Sao chưa mời tôi ăn” có nghĩa là đống phân (to, nhìn thấy rõ ràng), và “ăn” ở đây có nghĩa là bữa ăn (thịnh soạn như lời bệnh nhân đã hứa).

Nhìn chung, Thạc sĩ Phan Thế Hoài nhấn mạnh rằng, người ra đề kiểm tra môn Ngữ Văn này đã chọn ngữ liệu chưa đạt, người phản biện cũng chưa nhận ra được những hạn chế của đề, và người duyệt đề cũng thiếu cái nhìn bao quát về mặt chuyên môn.

Ngày 8/1/2024, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Thành Ngoan – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp xác nhận, đã nắm được tình hình dư luận có những ý kiến khác nhau về đề kiểm tra môn Ngữ Văn lớp 8 của học sinh trong huyện.

Theo ông Võ Thành Ngoan, trong chiều cùng ngày, ông Ngoan cũng vừa mới họp 2 cuộc họp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình, hiệu trưởng các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện về đề kiểm tra này.

Ông Võ Thành Ngoan khẳng định, đề kiểm tra này hoàn toàn không sai gì về luật, nên không cần phải kiểm tra lại, hủy kết quả bài làm của học sinh.

Ông Võ Thành Ngoan nói thêm, đề có những câu văn, ngôn phong không được tốt, thiếu tính thẩm mỹ, người ra đề đã không cẩn thận.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho hay, có rất nhiều ngữ liệu phù hợp cho môn Ngữ Văn để ra đề cho học sinh làm, không hiểu sao lại không chọn, mà lại chọn ngữ liệu là đoạn văn bản này.

Cuối cùng, ông Võ Thành Ngoan cho hay, lãnh đạo huyện đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với người ra đề này, người phản biện và cả người duyệt đề (là lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình).

Việt Dũng