Theo cơ cấu tổ chức hiện nay, mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có 1 Phòng Giáo dục Trung học phụ trách chuyên môn cho cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên. Phòng này có trưởng phòng, các phó phòng và các chuyên viên phụ trách các môn học. Theo người viết tìm hiểu ở nhiều địa phương, mỗi môn học, sẽ có một chuyên viên sẽ phụ trách chuyên môn cho cả 2 cấp học.
Thông thường, mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đảm nhiệm việc ra đề kiểm tra cuối học kỳ I, cuối học kỳ II đối với một số môn học ở lớp 9, lớp 12 có liên quan đến kỳ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông để học sinh làm quen dần với cấu trúc và các dạng đề thi. Đồng thời, việc Sở ra đề cũng là cách nắm chất lượng dạy và học ở các địa bàn trong tỉnh.
Vậy, ai là người trực tiếp ra đề kiểm tra cuối học kỳ? Vì sao, chúng ta vẫn thấy xuất hiện những đề kiểm tra còn hạn chế, chưa thực sự phù hợp, chuẩn mực?
Đề kiểm tra Ngữ văn lớp 12 ở An Giang. |
Đề kiểm tra học kỳ I, môn Ngữ văn của An Giang năm nay gây nhiều băn khoăn
Những ngày qua, trên một số tờ báo đã phản ánh những băn khoăn của dư luận về đề kiểm tra, đáp án môn Ngữ văn lớp 9 và lớp 12 do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề.
Cụ thể, đối với đề Ngữ văn lớp 9, ngữ liệu không có nguồn dẫn rõ ràng, nội dung ngữ liệu không hay khi xuất hiện hình ảnh so sánh: “Như thể hai con chó rất lớn bên trong mỗi người, một con trắng và một con đen.
Con chó trắng tốt bụng và không làm hại ai nếu không ai làm ảnh hưởng đến nó. Nó chỉ vùng dậy khi có lẽ phải và có quyền được làm, và làm theo đúng cách. Nhưng con chó đen thì luôn cáu giận. Chuyện nhỏ đến mấy cũng làm nó nổi điên nổi khùng”.
Đối với câu hỏi 1 của phần đọc hiểu yêu cầu: “Cho biết phương thức biểu đạt chính của câu chuyện trên”. Thông thường, nếu hỏi về phương thức biểu đạt, người ra đề sẽ hỏi “Cho biết/ xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn ngữ liệu/văn bản/ truyện ngắn…” để tránh làm lộ đáp án.
Đằng này, đề bài hỏi: “Cho biết phương thức biểu đạt chính của câu chuyện trên” nên nhiều giáo viên nói rằng vô tình người ra đề đã làm lộ đáp án của đề kiểm tra. Bởi lẽ, đã là “câu chuyện” thì đương nhiên phương thức biểu đạt chính sẽ là tự sự chứ còn có thể có phương thức chính nào nữa?
Hơn nữa, kiến thức phân môn tập làm văn ở học kỳ I mới học 2 kiểu bài là thuyết minh và tự sự. Vì thế, câu 1 người ra đề đã vô tình làm lộ đáp án, đã “cho không, biếu không” học trò điểm số câu này.
Câu hỏi 5 yêu cầu: “Em hãy suy đoán kết quả con chó nào thắng qua câu trả lời của người ông: “Con nào ông cho ăn sẽ thắng!”? Em hãy lí giải”.
Phần đáp án của Sở hướng dẫn: “Suy đoán kết quả: con chó trắng sẽ thắng. Bởi ngay từ đầu, người ông đã khuyên cậu bé không nên bực tức như con chó đen...”. Đã suy đoán thì sẽ có các kết quả khác nhau vì đó là kết quả suy đoán của hàng chục ngàn học trò lớp 9.
Thực tế, có nhiều học sinh suy đoán kết quả là “con chó đen” hoặc “cả 2 con chó” đều thắng và lí giải vấn đề nhưng theo đáp án của Sở thì đương nhiên bài làm của học sinh sai, giáo viên không cho điểm câu này. Vì thế, một số giáo viên cho rằng câu hỏi và đáp án câu 5…không phù hợp.
Phần làm văn (6,0 điểm) yêu cầu: “Thuyết minh về một điện thoại di động thông minh (smartphone/iPhone) đã/đang sử dụng”. Về hình thức phần trong ngoặc đơn (smartphone/iPhone) để chú thích cho cụm từ đứng trước là “điện thoại di động thông minh” cũng chưa phù hợp.
Bởi lẽ, “iPhone” là một thương hiệu điện thoại, nó cũng giống như điện thoại Samsung, Vivo…hay một số hãng điện thoại khác mà thôi.
Hơn nữa, yêu cầu học sinh lớp 9 thuyết minh về điện thoại là không nên bởi không phải học sinh lớp 9 nào cũng có điện thoại. Tuy nhiên, không phải học sinh đã sử dụng điện thoại là biết về cấu tạo, chức năng… của điện thoại (đáp án của Sở có các ý này).
Không chỉ đề lớp 9 mà đề kiểm tra môn Ngữ văn 12 của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tạo ra những ý kiến khác nhau.
Bởi lẽ, ngữ liệu phần đọc hiểu, đề Văn cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang là bài thơ: “Đêm nghe dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo” của cố nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Câu 1 phần đọc hiểu yêu cầu: “Bài thơ được viết theo thể thơ nào?; câu 2 yêu cầu: “Dạ cổ hoài lang có nghĩa là gì?...”.
Đáp án của Sở hướng dẫn câu 1 có 2 đáp án: tự do/ lục bát cách điệu. Học sinh lựa chọn phương án nào cũng được điểm tối đa (0,75 điểm). Trong khi đó, thông thường phần nhận biết, đề chỉ hướng tới 1 đáp án đúng. Đặc biệt, thể thơ “lục bát cách điệu” chỉ những người sáng tác mới nắm rõ, học sinh ít chú ý phần này, sách giáo khoa cũng không hướng dẫn phần này.
Đáp án của Sở giải thích cụm từ: “dạ cổ hoài lang” như sau: “Bài ca cổ (nói về tâm sự) người vợ nhớ chồng lúc về đêm”.
Trong khi, cụm từ: “Dạ cổ hoài lang” nếu giải thích cặn kẽ sẽ là: “dạ” là đêm; “cổ” là trống/ tiếng trống; “hoài” là nhớ; “lang” là chồng. Cụm từ này có nghĩa là “trong đêm nghe tiếng trống (nên) nhớ chồng”. Vì thế, cách giải thích nghĩa “Dạ cổ hoài lang” là “Bài ca cổ (nói về tâm sự) người vợ nhớ chồng lúc về đêm”của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang chưa thực sự chính xác…
Nếu phân tích kĩ 2 đề Ngữ văn mà Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang vừa cho học sinh lớp 9 và lớp 12 kiểm tra sẽ còn nhiều chỗ chưa thực sự phù hợp- kể cả ngữ liệu; nội dung câu hỏi; đáp đề của 2 đề kiểm tra.
Đề học kỳ Sở ra thì ai là người ra đề?
Như phần đầu bài viết, chúng tôi đã đề cập. Thông thường mỗi sở giáo dục có 1 chuyên viên phụ trách 1 môn học đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nên phần nhiều đề kiểm tra học kỳ là chuyên viên môn học nào sẽ ra đề môn đó.
Không chỉ đề kiểm tra học kỳ mà ngay cả đề thi học sinh giỏi; đề tuyển sinh 10 cũng có địa phương từ đầu mối này phụ trách là chủ yếu. Có những đề kiểm tra, đề thi có người phản biện nhưng cũng có đề không điều động giáo viên phản biện để tránh lộ đề.
Trong trường hợp chuyên viên của Sở không ra đề mà giao cho 1-2 thành viên hội đồng bộ môn làm thì người soát cuối cùng vẫn là chuyên viên của sở. Việc để xảy ra những hạn chế trong đề kiểm tra, hay đề thi thì người ra đề vẫn là người chịu trách nhiệm chính.
Thời gian qua, một số địa phương cũng để xảy ra tình trạng sai sót, trùng lặp, hạn chế trong đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn. Điều này cho thấy việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa mà Bộ đang khởi xướng là rất quan trọng và phải đặc biệt chú trọng.
Nếu không cẩn thận, không thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học sẽ để lại những hệ lụy đáng tiếc. Bên cạnh ngữ liệu phần đọc hiểu là cách đặt câu hỏi cho các phần cũng vô cùng quan trọng không kém vì nó liên quan trực tiếp đến điểm số của học trò.
Vì thế, người ra đề, nhất là đề Ngữ văn phải thực sự cầu thị, làm việc nghiêm túc, không chủ quan, không bảo thủ khi nghe những lời góp ý từ đội ngũ nhà giáo, thậm chí là những phê bình, góp ý từ cấp trên, từ dư luận xã hội thì việc đổi mới đánh giá kiểm tra môn Ngữ văn mới thực sự hiệu quả.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.