Đôi điều băn khoăn về đề kiểm tra cuối kỳ I môn Ngữ văn 9 ở An Giang

22/12/2023 06:39
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phần làm văn (6 điểm) đề Ngữ văn 9 ở An Giang yêu cầu: “Thuyết minh về một điện thoại di động thông minh (smartphone/iPhone) đã/đang sử dụng”.

Sáng ngày 19/12/2023, học sinh lớp 9 trên địa bàn tỉnh An Giang bước vào làm bài kiểm tra cuối học kỳ I môn Ngữ văn do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề. Sau khi kiểm tra xong, đã có những ý kiến băn khoăn trên các trang mạng xã hội và ngay trong đội ngũ thầy cô giáo, học sinh bởi nguồn dẫn, nội dung ngữ liệu; đối tượng thuyết minh trong phần làm văn chưa thực sự phù hợp.

Một số giáo viên còn cho biết, đề này đến thầy cô dạy Ngữ văn làm cũng gặp khó khăn vì người dùng điện thoại cơ bản là chỉ biết dùng, làm sao biết cấu tạo chiếc điện thoại như thế nào để thuyết minh để làm rõ đối tượng.

Vì thế, trong phạm vi bài viết này, người viết xin tóm lược một số ý kiến của giáo viên, học sinh, đồng thời trình bày một số băn khoăn xung quanh đề bài Ngữ văn 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang.

Đoạn ngữ liệu được lấy từ website của trường Mầm non Gia Quất (Ảnh: L.V.M.)

Đoạn ngữ liệu được lấy từ website của trường Mầm non Gia Quất (Ảnh: L.V.M.)

Băn khoăn về việc lựa chọn ngữ liệu, cách đặt câu hỏi của phần đọc hiểu

Đề kiểm tra môn Ngữ văn 9 của An Giang có 2 phần, phần đọc hiểu và phần làm văn. Trong đó, ngữ liệu phần đọc hiểu được lấy từ truyện Hai con chó, phần câu hỏi của đọc hiểu có 6 câu: 3 câu nhận biết (1,5 điểm); 2 câu thông hiểu (1,5 điểm); 1 câu vận dụng thấp (1,0 điểm).

Ngay sau khi kiểm tra, nhiều học sinh đã “sốc” vì ngữ liệu chưa thực sự chọn lọc, nguồn dẫn không rõ ràng, nội dung truyện không hay nên nhiều học sinh làm bài không được như mong muốn.

Một giáo viên đang công tác tại An Giang chia sẻ với người viết, xét về cấu trúc đề, nội dung kiến thức câu hỏi, kiểu bài thuyết minh trong đề Ngữ văn 9 thì không sai vì nó đều nằm trong nội dung mà thầy cô đã ôn tập cho học trò.

Tuy nhiên, theo giáo viên này, ngữ liệu còn nhiều băn khoăn. Bởi vì, ngữ liệu được lấy tại địa chỉ: http//mamnongiaquat.longbien.edu.vn (website của trường Mầm non Gia Quất, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Trong khi, ngày 22/11 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tổ chức tập huấn ma trận, đề kiểm tra cho đội ngũ cốt cán trong tỉnh yêu cầu khi chọn ngữ liệu phải chú ý nguồn dẫn; chọn văn bản của các tác giả đã được kiểm duyệt bởi các nhà xuất bản uy tín hoặc website chính thống; ghi rõ nguồn; đối với những từ ngữ/thông tin xa lạ với học sinh có chú thích (chân trang)…

Tuy nhiên, theo giáo viên ở An Giang, ngữ liệu không có nguồn dẫn rõ ràng. Vì lần theo địa chỉ, truyện Hai con chó được đăng trên địa chỉ http//mamnongiaquat.longbien.edu.vn không có tên tác giả.

Đề Ngữ văn 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang (Ảnh: L.V.M.)

Đề Ngữ văn 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang (Ảnh: L.V.M.)

Hơn nữa, truyện được đăng ở mục “Truyện kể cho ” và thực tế đây là website của trường mầm non nên lấy làm ngữ liệu kiểm tra cuối kỳ cho học sinh lớp 9 không hẳn là phù hợp, không tương ứng với lứa tuổi lớp 9 và tất nhiên cũng không gần gũi với những văn bản sách giáo khoa mà các em đang học ở học kỳ I.

Bên cạnh đó, trong truyện xuất hiện “hai con chó” cũng không thực tế phù hợp. Cụ thể, phần cuối của ngữ liệu như sau:

"Ông cũng sẽ kể cho cháu nghe một câu chuyện. Có nhiều khi ông cũng cảm thấy vô cùng căm ghét những kẻ độc ác, những ai không biết hối hận, những người được hưởng quá nhiều... Nhưng sự căm ghét thường làm chúng ta mệt mỏi chứ không bao giờ ảnh hưởng đến những người chúng ta căm ghét. Nó cũng giống như tự mình uống thuốc độc rồi ngồi ước rằng người mình ghét sẽ đau bụng mà chết. Cảm giác này hầu như ai cũng có. Như thể hai con chó rất lớn bên trong mỗi người, một con trắng và một con đen.

Con chó trắng tốt bụng và không làm hại ai nếu không ai làm ảnh hưởng đến nó. Nó chỉ vùng dậy khi có lẽ phải và có quyền được làm, và làm theo đúng cách. Nhưng con chó đen thì luôn cáu giận. Chuyện nhỏ đến mấy cũng làm nó nổi điên nổi khùng. Nó chống lại tất cả mọi người, mọi ngày, không vì lý do gì cả.

Nó không biết suy nghĩ vì sự tức giận và căm ghét trong nó quá lớn. Nhưng nó chẳng làm được gì, việc tức giận không bao giờ làm thay đổi được mọi việc. Đôi khi, thật khó mà sống với cả hai chú chó này trong đầu óc mình, vì cả hai đều muốn làm chủ lý trí của mình.

Cậu bé háo hức nhìn ông, hỏi:

- Rồi con nào thắng, hả ông?

Người ông mỉm cười:

- Con nào ông cho ăn thì thắng”.

Trong khi đó, câu 5 của phần đọc hiểu hỏi: “Em hãy suy đoán kết quả con chó nào thắng qua câu trả lời của người ông: “Con nào ông cho ăn sẽ thắng!”? Em hãy lí giải”.

Phần đáp án của Sở gửi cho các trường câu này như sau: “Suy đoán kết quả: con chó trắng sẽ thắng. Bởi ngay từ đầu, người ông đã khuyên cậu bé không nên bực tức như con chó đen...” và có lưu ý: “Nội dung trả lời của thí sinh có thể diễn đạt theo nghĩa tương đương”.

Một số giáo viên cho rằng đoạn ngữ liệu lí giải chuyện “hai con chó rất lớn bên trong mỗi người” không thực sự phù hợp bởi đây tượng trưng cho mặt thiện, ác của mỗi con người. Nhưng trong truyện lại được xem là "hai con chó". Cách liên tưởng này thật… “độc đáo”!.

Học sinh chưa có điện thoại di động thông minh (smartphone/iPhone) làm sao thuyết minh?

Phần làm văn (6 điểm) yêu cầu: “Thuyết minh về một điện thoại di động thông minh (smartphone/iPhone) đã/đang sử dụng”.

Khi đọc đề bài này, một số học sinh có phần choáng bởi cho dù smartphone/iPhone nhưng về cơ bản học sinh chỉ biết dùng, làm sao biết được cấu tạo bên trong của nó như thế nào để thuyết minh.

Bởi lẽ, khi thuyết minh về điện thoại thông minh, đương nhiên là phải thuyết minh về màu sắc, cấu tạo, tính năng, đặc điểm,... nổi bật của điện thoại thông minh. Nhưng, thử hỏi trong số hàng chục nghìn học sinh lớp 9 ở An Giang mấy em đã từng tháo lắp điện thoại để biết cấu tạo bên trong đó như thế nào.

Muốn tháo lắp phải có dụng cụ chuyên dụng và đâu phải em nào cũng đủ khả năng để tháo lắp điện thoại ra sửa chữa (khi bị hư hỏng). Ngay cả người lớn khi sử dụng điện thoại mà bị hư cũng đem ra tiệm (cửa hàng) để sửa chữa. Rất ít người biết, quan tâm đến cấu tạo bên trong điện thoại có những bộ phận nào.

Một giáo viên đang dạy ở cấp trung học cơ sở chia sẻ: "Tôi có con đang học lớp 9 ở thành phố Long Xuyên nhưng gia đình tôi chưa cho con dùng điện thoại. Chỉ cho con mượn khi cần thiết hoặc tra tài liệu học tập nên có lẽ con sẽ gặp khó khăn trong phần làm văn".

Một học sinh (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: "Em ôn khá kĩ văn tự sự và các bước, phương pháp làm bài văn thuyết minh nhưng khi gặp đề bài này thì chẳng làm được bao nhiêu. Chỉ viết chung chung chứ không biết cấu tạo, chức năng cơ bản của điện thoại thông minh như thế nào".

Thực tế, học sinh ở An Giang còn nhiều em có khó khăn nên các em chưa có điện thoại thông minh (smartphone/iPhone). Trong khi, đề Văn yêu cầu: “Thuyết minh về một điện thoại di động thông minh (smartphone/iPhone) đã/đang sử dụng”, rõ ràng là một thách thức không nhỏ.

Chính vì thế, ngay sau khi kiểm tra, đề Ngữ văn 9 được một số trang mạng xã hội đưa lên để cảm thán và có hàng ngàn lượt thích, chia sẻ, bình luận xoay quanh đề Ngữ văn 9, nhất là phần làm văn.

Thiết nghĩ, một đề Ngữ văn hay, phát huy được phẩm chất, năng lực của học trò thì việc đầu tiên người ra đề phải lựa chọn được ngữ liệu hay, có nguồn gốc rõ ràng cho phần đọc hiểu; các yêu cầu của câu hỏi phải phù hợp; đề làm văn phải gần gũi với đại đa số học sinh.

Việc ra đề Văn yêu cầu: “Thuyết minh về một điện thoại di động thông minh (smartphone/iPhone) đã/đang sử dụng” cho học sinh lớp 9 quả là một thách thức không nhỏ cho nhiều học sinh.

Bởi lẽ, phần lớn học sinh ở An Giang đang sống ở khu vực nông thôn, nhiều em còn nghèo lắm, nhiều em đã có smartphone/iPhone đâu. Nhiều em thì gia đình chưa cho sử dụng điện thoại riêng, các em thuyết minh như thế nào với đề văn này?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH