Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn tỉnh Quảng Trị được giáo viên đánh giá cao

19/10/2022 06:30
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề Ngữ văn Kì thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 12 và chọn đội tuyển dự thi quốc gia của Sở Giáo dục Quảng Trị được nhiều giáo viên đánh giá hay.

Cuối tháng 9/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tổ chức Kì thi học sinh giỏi văn hóa lớp 12 và chọn đội tuyển dự thi quốc gia, trong đó có môn Ngữ văn.

Đề thi môn Ngữ văn được nhiều giáo viên đánh giá hay, có nhiều “đất” cho thí sinh sáng tạo trong quá trình làm bài.

Nghị luận xã hội

Ba ơi! Vì sao ba thích học Toán? Vì sao ba yêu mẹ? Đó có phải là niềm say mê không? Với văn chương, con cũng có một niềm say mê lớn, niềm say mê không thể lí giải vì đâu. Chỉ biết khi học văn, đọc văn, con thấy sự thanh thản trong tâm hồn, thấy “yêu đời, yêu người và lớn hơn một chút”.

Ba vẫn nói thế kỉ XXI hội nhập toàn cầu, Toán, Tin học, Ngoại ngữ quan trọng hơn bao giờ hết; văn chương không có tính ứng dụng, tương lai của con sẽ không chắc chắn.

Ba khuyến khích con học Toán, Tin học, Ngoại ngữ. Con nghĩ ba đúng vì đó là những hành trang cần thiết của con người hiện đại. Không phủ nhận rằng học Toán thì tương lai của con sẽ ổn định hơn.

Nhưng nếu thế, cả cuộc đời con sẽ phải gắn bó với thứ mà mình không yêu thích, không say mê, con sẽ buồn, sẽ sống nhạt nhẽo lắm đấy! Chắc chắn ba không muốn con sống mờ nhạt đơn điệu phải không ba?

Văn chương là sự yêu thích, là mơ ước của con. Ba có biết anh chàng ca sĩ mà con yêu thích không? Anh ấy học rất giỏi, từng làm lớp trưởng một lớp chuyên Hóa và đi du học ở Đức. Nhưng anh ấy yêu ca hát, và quyết định theo đuổi đến cùng ước mơ trở thành ca sĩ.

Con muốn gửi lấy ước mơ của mình, sống cho chính ước mơ ấy, như con chim trong trong cuốn tiểu thuyết "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", thà chịu đau đớn để cất lên tiếng hót tuyệt diệu, khiến thượng đế cũng phải mỉm cười còn hơn suốt đời sống trong im lặng…

(Trích “Thế kỉ XXI đâu chỉ cần học Toán, Ngoại ngữ, Tin học – Xin ba đừng cấm con học văn”, dẫn theo Văn học và Tuổi trẻ số tháng 8/2007)

Từ tâm sự trên, anh/chị có suy nghĩ gì về vai trò của việc học Văn trong quá trình chuẩn bị hành trang cho con người bước vào cuộc sống?

Nghị luận văn học

Trong cuốn "Sổ tay viết văn", Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội 1977, nhà văn Tô Hoài có viết: “Không biết cắt nghĩa sao, nhưng tôi cho rằng ngay trong văn xuôi cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất cao”.

Anh/hiểu thế nào về ý kiến trên? Từ một số tác phẩm văn học tiêu biểu hãy phân tích để làm sáng tỏ vấn đề.

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Gợi ý đáp án của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị:

Câu 1

Ý nghĩa của lời tâm sự: Văn học đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang của mỗi người: giúp ta sống với tình yêu, với niềm say mê của chính bản thân, tìm thấy sự thanh thản giữa những bề bộn, lo toan; thấy yêu đời, yêu người hơn, giúp khẳng định chính mình vươn lên sống mạnh mẽ.

Những thuyết phục của con gái gửi đến ba mẹ mình cũng là lời nhắn nhủ đến tất cả mọi người để họ cùng suy ngẫm, đánh giá đúng vai trò của việc học Văn trong cuộc sống hiện tại.

Thực trạng của môn Văn trong nhà trường hiện nay: Một số bạn nhận thức được vai trò quan trọng của môn Văn nên họ có những tình cảm, những đam mê mãnh liệt trong việc học môn Văn. Môn Văn đã nuôi dưỡng những khát khao, hoài bão… rèn luyện năng lực suy nghĩ, giao tiếp, hành động; giúp họ được sống với những mơ ước, hoài bão của mình.

Học văn sẽ giúp hành trang vào đời của người học trở nên phong phú, ý nghĩa hơn (vốn hiểu biết, cách ứng xử…).

Môn Văn có nhiều lợi ích như thế nhưng đáng tiếc rất nhiều người (số đông) cho rằng học môn Văn khiến họ khó lựa chọn nghề nghiệp, khó tìm kiếm cơ hội cho tương lai…

Vì vậy, những người đó không coi trọng, không chuẩn bị, không mang theo “văn” trong hành trang của mình.

Bài học cho bản thân: Đề cao môn Văn không có nghĩa là hạ thấp những môn học khác. Trân trọng những người sống với đam mê nhưng không nên lên án những người thực dụng trong suy nghĩ, trong sự lựa chọn của họ… Một khi chúng ta biết cân bằng thì mới nhận thấy cuộc sống có rất nhiều điều tốt đẹp.

Lời tâm sự của bạn trẻ trong đoạn văn bản trên cũng là tâm sự của những ai yêu thích, đam mê học Văn.

Từ lời tâm sự đó, mỗi chúng ta tự điều chỉnh suy nghĩ của mình trong việc lựa chọn môn học (nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai trong trường phổ thông).

Câu 2

Hồn thơ là giá trị của thi ca đọng lại trong lòng người đọc: sự mượt mà trong câu chữ, yếu tố nhịp nhàng trong giai điệu,hình ảnh mở ra nhiều liên tưởng… ẩn giấu những tâm tình, tâm trạng của chủ thể trữ tình.

Hồn thơ quyện cùng văn xuôi khiến những trang văn thêm phần nhẹ nhàng, thanh thoát (trong sáng), giá trị tác phẩm cũng được nâng cao (cất cao).

Phát biểu của nhà văn Tô Hoài đề cập đến vấn đề giao thoa thể loại (giữa văn xuôi và thơ ca). Đó là sự kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong tác phẩm.

Văn xuôi là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật (thuộc phạm trù tự sự) nhằm đáp ứng các nhu cầu nhận thức, thẩm mỹ và giải trí của con người bằng cách kể chuyện.

Văn xuôi hấp dẫn người đọc bởi cái lõi đời sống vừa quen thuộc vừa lạ lẫm với hàng loạt nhân vật, tình tiết, sự kiện, biến cố liên tiếp xảy ra mang đến những cảm giác hồi hộp, bất ngờ (nêu dẫn chứng).

Thơ là một tổ chức ngôn từ đặc biệt. Mỗi bài thơ là một chỉnh thể đặc biệt được sắp xếp bởi các dòng (câu) theo một trình tự nhất định vừa gợi vẻ đẹp thị giác, vừa tạo âm vang bằng sự hiệp vần, phối thanh đánh thức những rung động thẩm mỹ ở người đọc bởi những hình ảnh thơ, ý thơ qua cơ chế liên tưởng… (nêu dẫn chứng).

Trong quá trình vận động và phát triển, các thể loại có xu hướng dung hợp đặc điểm của thể loại khác làm mới mình. Thơ và truyện cũng không là ngoại lệ đúng như Tô Hoài nói. Khi thơ hòa phối cùng văn xuôi thì tác phẩm tự sự sẽ tạo cho mình sức hấp dẫn riêng với người đọc (nêu dẫn chứng).

Với người sáng tạo: Luôn ý thức đổi mới trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Một trong số đó là tạo được sự giao thoa thể loại trong tác phẩm. Chính sự giao thoa sẽ giúp tác phẩm có giá trị hơn; vai trò, vị thế của nhà văn luôn được khẳng định trong lòng bạn đọc…

Với người tiếp nhận: Luôn biết trân quý những sáng tạo, những đóng góp độc đáo mà nhà văn đã thể hiện trong tác phẩm. Những phát hiện, ghi nhận của bạn đọc là tác động giúp người cầm bút có thêm động lực phát triển.

Liên quan đến ngữ liệu được sử dụng làm đề thi Ngữ văn (câu nghị luận xã hội), cô giáo Trần Bích Ngọc (Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh) cho biết: “Đây là bài viết của tôi khi đang là học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh. Tôi rất vui khi biết bài viết sau 15 năm được dẫn làm ngữ liệu cho đề thi học sinh giỏi”.

Phan Thế Hoài