Đợt tập huấn giáo viên vừa qua, tôi được cung cấp tài liệu Kỉ yếu Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hải Phòng vào tháng 8/2022.
Tôi còn nhiều băn khoăn với một số tham luận kèm đề kiểm tra mẫu in trong kỉ yếu, xin có đôi điều cùng chia sẻ cùng tác giả có tham luận và bạn đọc.
Ảnh minh họa: Phương Linh/giaoduc.net.vn |
Tham luận của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tham luận của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về hướng ra đề kiểm tra 15 phút đánh giá kĩ năng đọc hiểu văn bản tự sự và kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong dạy học chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” (trang 6-26).
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Mẹ lạnh lắm phải không?
Vào một đêm Giáng sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một con mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị bò phía bên dưới cầu.
Đơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đứa con bé xíu, vòng từng vòng giống như cái kén. Thế rồi tìm thấy được miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên con.
Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, bà mẹ nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm. Nơi đó bà nhìn thấy một đứa bé nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng.
Bà đem đứa bé về nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ Giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bảo mẹ nuôi đợi ở nơi xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.
“Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả - bà mẹ nuôi nghĩ – Cậu sẽ lạnh cóng!”. Song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết: “Mẹ đã lạnh hơn con lúc này phải không mẹ?”. Và cậu bé oà khóc.
(Quà tặng cuộc sống, bộ sách Cửa sổ tâm hồn, Nhà xuất bản Trẻ - Báo Tuổi trẻ; Đào Thị Diễm Tuyết, lược dịch từ Internet)
1. Câu chuyện trong văn bản được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?
2. Tìm những chi tiết miêu tả hoàn cảnh người mẹ khi sinh con? Người mẹ này đã hành động như thế nào để bảo vệ con lúc đó. Em nghĩ như thế nào về người mẹ này.
3. Cậu bé trong câu chuyện khi lớn lên thường hay làm gì? Vì sao cậu làm như vậy?
4. Trong lần sinh nhật thứ 12 cậu bé đã làm những việc gì và đã nói gì với người mẹ đã mất của mình? Hãy nêu cảm nhận của em về nhân vật cậu bé.
5. Người mẹ nuôi trong câu chuyện là người như thế nào? Vì sao em nhận xét như vậy.
6. Trước những hành động, lời nói, suy nghĩ của các nhân vật trong câu chuyện em có suy nghĩ gì về tình mẫu tử.
7. Nêu một bài học em rút ra được khi đọc văn bản này.
8. Đọc câu văn sau và xác định cụm từ làm chủ ngữ và làm vị ngữ. Nếu rút gọn các cụm từ chỉ còn một từ trung tâm của cụm từ thì câu văn có gì khác so với câu văn ban đầu.
Vào một đêm Giáng sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ.
Kỉ yếu Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. (Ảnh: Cao Nguyên) |
Là giáo viên Ngữ văn dạy bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, tôi trăn trở hai điều: thứ nhất, việc thiết kế 8 câu hỏi bao gồm tri thức văn và tiếng Việt cho một đề đọc hiểu liệu có dàn trải; thứ 2, dung lượng ngữ liệu cho tương đối dài, học sinh (lớp 6) có làm kịp 8 câu tự luận trong vòng 15 phút?
Trong khi đó, bài thi trắc nghiệm tốt nghiệp trung học phổ thông môn Toán có 50 câu, thời gian làm bài 90 phút; tương tự, bài thi môn Tiếng Anh gồm 50 câu trong 60 phút.
Tôi cho rằng, cần ra văn bản có dung lượng ngắn hơn và thiết kế 4 câu hỏi theo ma trận nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp (2 câu) là phù hợp. Chẳng hạn, có thể lựa chọn 4 câu hỏi (trong số 8 câu) của đề tham khảo trên như sau:
1. Câu chuyện trong văn bản được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?
2. Tìm những chi tiết miêu tả hoàn cảnh người mẹ khi sinh con? Người mẹ này đã hành động như thế nào để bảo vệ con lúc đó. Em nghĩ như thế nào về người mẹ này?
3. Cậu bé trong câu chuyện khi lớn lên thường hay làm gì? Vì sao cậu làm như vậy?
4. Nêu một bài học em rút ra được khi đọc văn bản này.
Tham luận của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh
Tham luận của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh về việc ra đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) phần làm văn (trang 213-218). Một số đề kiểm tra được đề xuất như sau:
Đề 1: Cảm nhận bài thơ “Một sự vĩnh hằng” (Trần Kính)
Ngày mẹ tôi bước vào tuổi bảy ba
Bà con mang cỗ quan tài đến tặng
Mẹ tôi đem đựng đầy vào khoai sắn
Rồi bước ra vườn tưới nước cho hoa.
Đề 2: Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về lời thơ của thi sĩ Trần Dần:
Tôi khóc
những chân trời
không
có người bay
Lại khóc những người bay
không có chân trời.
Tác giả bài viết tự nhận xét về 2 đề kiểm tra này như sau: "lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu là bước rất quan trọng trong việc biên soạn đề kiểm tra và có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng đề".
Theo tôi, đề số 1, nhiều học sinh có thể làm được bài một cách tương đối; riêng đề số 2, bao nhiêu em hiểu được nội dung bài thơ?
Có thể khẳng định, đề này chỉ phù hợp cho kì thi chọn học sinh giỏi Văn, không phù hợp cho việc kiểm tra định kì.
Tuy vậy, tôi thực sự tâm đắc với tác giả về một số đề mở về hình thức, phương pháp, kỹ năng: dạng đề này cho phép người học tự lựa chọn hình thức, phương pháp, kiểu bài… phù hợp với năng lực, sở trường, sự sáng tạo để giải quyết vấn đề.
Ví dụ đề 3: Phía sau lời nói dối…
Đề này rất ngắn gọn, kết hợp với dấu ba chấm cuối câu giúp học sinh tự do bày tỏ suy nghĩ quan điểm cá nhân, miễn sao không vi phạm đạo đức và pháp luật.
Học sinh có thể phân tích ở ba góc nhìn: thứ nhất, nói dối để "lợi mình - hại người", đây là kiểu nói dối nghiêng về điều ác, không nên phạm; thứ hai, nói dối để lợi mình, chẳng hại ai, kiểu nói dối này khá phổ biến, tuy nhiên cái lợi cũng chẳng thể lâu; thứ ba, nói dối nhằm giúp người khác không bị tổn thương trong một số trường hợp nhất định.
Tôi cũng đồng tình với dạng câu hỏi kiểm tra phải gắn với thực tiễn đời sống, nhằm khơi dậy hứng thú và khả năng phát triển những năng lực thực tế, thiết thực với cá nhân học sinh.
Có thể ra đề về những vấn đề gần gũi với học sinh, thanh niên, những vấn đề mang tính thiết yếu, cập nhật của xã hội, đất nước, như về việc học tập, giải trí, quan niệm sống, lí tưởng sống, xu thế sống, về internet hoặc về văn hóa, thiên nhiên, môi trường...
Ví dụ đề 4: Về một tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích. Đề 5: Một nhân vật văn học có sức tác động sâu sắc tới anh (chị). Đề 6: Nếu được chọn một trong hai tấm biển sau để treo ở cửa phòng mình, bạn sẽ chọn cái nào: - Cửa phòng con luôn mở. Xin mời bố mẹ vào! - Vùng lãnh thổ của con!
Hoặc dạng đề có câu hỏi kiểm tra theo hướng mở cần thể hiện rõ mục tiêu cụ thể hướng tới đánh giá những năng lực nào gắn với môn Ngữ văn. Ví dụ đề 7: Trình bày, thảo luận về xu thế trở thành công dân toàn cầu của con người thế kỉ XXI, nhất là giới trẻ.
Bàn về việc đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề kiểm tra, đề thi, tôi đồng tình với ý kiến của tác giả Minh Tuấn qua bài viết "Đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi, cần chuẩn bị những gì?" ngày 12/8/2021 trên Tạp chí điện tử Viettimes:
"Việc đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi không phải là để đổi mới thi cử như là một khâu độc lập. Mục đích ở đây là để tác động vào toàn bộ quá trình giáo dục và thay đổi chất lượng dạy văn, học văn – tức nhằm vực dậy năng lực tiếng Việt và bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tư duy cho người học.
Làm sao để đạt được mục đích như ý kiến của tác giả là điều rất đáng trăn trở. Bởi, "nếu xa rời những mục tiêu căn cốt này thì chuyện đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi sẽ lại rất dễ lâm vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột" hoặc sa vào chủ nghĩa hình thức – những thứ vốn đã tồn tại quá lâu trong nền giáo dục của ta". [2]
Tài liệu tham khảo:
[1] Kỉ yếu Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo,Hải Phòng, tháng 8/2022.
[2] https://viettimes.vn/dua-tac-pham-ngoai-sach-giao-khoa-vao-de-thi-can-chuan-bi-nhung-gi-post149123.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.