Mong chờ sự đột phá ở đề thi Ngữ văn để triệt tiêu ôn tủ, văn mẫu

01/10/2022 06:36
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn nhiều năm qua có nhiều câu hỏi manh mún, dễ dãi với học trò.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý, riêng với môn Ngữ văn cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Công văn có nội dung đáng chú ý, "trong quá trình đánh giá kết quả học tập cuối kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết....

Khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm".

Thế nhưng, việc ra đề kiểm tra, đề thi tuyển sinh vào lớp 10, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn (Chương trình 2006) hiện nay vẫn chưa có sự đột phá nhằm triệt tiêu văn mẫu để phát huy sự sáng tạo của học sinh.

Đáng chú ý, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn nhiều năm qua có nhiều câu hỏi manh mún, dễ dãi so với trình độ học sinh 18 tuổi. Cùng với đó là đề thi chỉ rơi vào một vài tác phẩm khiến học sinh dễ dàng đoán trúng đề và học thuộc lòng theo văn mẫu.

Trong phạm vi bài viết này, người viết phân tích hai bất cập lớn nhất của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn được thể hiện qua phần đọc hiểu và làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học) nhằm góp thêm một tiếng nói về việc ra đề thi môn Ngữ văn thời gian tới.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 môn Ngữ văn. (Ảnh: moet.gov.vn)

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 môn Ngữ văn. (Ảnh: moet.gov.vn)

Thứ nhất, phần đọc hiểu, câu 1, yêu cầu xác định thể thơ của đoạn trích. Câu hỏi này cho không 0,75 điểm, hầu hết thí sinh đều trả lời đúng. Các em chỉ cần liếc qua đề, thấy đoạn thơ có những câu thơ dài ngắn khác nhau là biết thể thơ tự do mà không cần phải suy nghĩ.

Câu 2, chỉ ra những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ: "Tuổi trẻ của tôi/ mười tám, hai mươi/ trong và tinh khiết như nước suối đá/ khỏe và mơn mởn như mầm lá". Học sinh quá dễ dàng lấy từ 0,5 đến 0,75 điểm ở câu hỏi này.

Câu 3, lẽ ra nên yêu cầu học sinh chỉ ra biện pháp tu từ có trong đoạn thơ: "Tuổi trẻ như sao trời mát mắt/ khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên/ và cháy bùng như lửa thiêng liêng/ khi giặc giã đụng vào bờ cõi" và phân tích tác dụng, thì đề lại "mớm" sẵn: nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh. Với cách hỏi này, học sinh không khó để có thể đạt từ 0,75 đến 1 điểm.

Thực ra đâu chỉ có biện pháp tu từ so sánh mới làm cho đoạn thơ này hay, đặc sắc mà còn có cả phép ẩn dụ, liệt kê - nhiều học sinh khá giỏi, tinh tế vẫn nhận ra được.

Câu 4, yêu cầu học sinh nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích. Nhận xét về đoạn thơ, ít nhất học sinh cũng phải viết một đoạn văn ngắn khoảng 5 đến 7 câu thì mới trả lời đầy đủ ý, nhưng kì lạ thay thang điểm của câu hỏi này chỉ có 0,5 điểm.

Có thể nhận thấy, cách phân bổ điểm của 4 câu hỏi phần đọc hiểu đi ngược lại ma trận được thiết lập theo các cấp độ: nhận biết (0,5 điểm); thông hiểu (0,5 điểm); vận dụng thấp (1 điểm); vận dụng cao (1,0 điểm).

Tuy vậy, ít ai biết rằng, phần hướng dẫn chấm thi môn Ngữ văn lại chi chít các ý lớn nhỏ, được chia ra từ 0,25 điểm rất rối rắm, kể cả sự áp đặt chủ quan, máy móc. Đối chiếu đáp án và hướng dẫn chấm của Bộ Giáo dục, bạn đọc dễ dàng nhận ra điều này.

Đáp án đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. (Ảnh: moet.gov.vn)

Đáp án đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. (Ảnh: moet.gov.vn)

Hướng dẫn chấm đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. (Ảnh: Cao Nguyên)

Hướng dẫn chấm đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. (Ảnh: Cao Nguyên)

Thứ hai, phần làm văn, câu nghị luận xã hội, thí sinh viết đoạn văn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.

Yêu cầu thí sinh viết đoạn văn 200 chữ khác nào đánh đố các em. Học sinh rất khó viết đầy đủ, sâu sắc, có quan điểm, chính kiến riêng với dung lượng chỉ 200 chữ.

Muốn đánh giá một bài luận thì cần quy định tối thiểu 500 chữ và tối đa khoảng 1200 chữ để khống chế thời gian làm bài của thí sinh là phù hợp.

Hơn nữa, cách ra đề thi cũ kĩ, với cách hỏi "trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước", khiến học sinh làm bài chung chung, bài viết dễ rơi vào việc "sáo rỗng".

Một số giám khảo ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, kì thi tốt nghiệp năm 2022, họ chấm hàng trăm bài văn thì cứ na ná nhau theo công thức: biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả, giải pháp, bài học nhận thức và hành động đến phát ngán.

Điều đáng nói, đáp án của Bộ Giáo dục gợi ý: "Thế hệ trẻ cần nhận thức được sự tiếp bước của các thế hệ làm nên hành trình phát triển đất nước, có thái độ trân trọng, biết ơn những cống hiến, hi sinh của các thế hệ đi trước, có hành động cụ thể, phù hợp để kế thừa, phát huy thành quả của các thế hệ đi trước, thực hiện sứ mệnh của thế hệ mình trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước".

Nếu học sinh chỉ đơn thuần làm như thế này thì còn đâu là góc nhìn cá nhân. Thí sinh hoàn toàn có thể phản biện với những bất cập, lạc hậu của các thế hệ đi trước để tránh vết xe đổ cho hiện tại và tương lai.

Bên cạnh đó, câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn văn ngắn trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu) và một ý phụ. Trong khi, nhà văn Nguyễn Minh Châu miêu tả cảnh thuyền và biển quá đẹp, quá hay trong một buổi sáng sớm mù sương, chẳng hạn:

"Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. (...) toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích..."

Vậy thì không biết thí sinh phân tích thế nào cho hay hơn nữa, có chăng là việc "chẻ sợi tóc làm tư". Và đáp án của Bộ Giáo dục cũng chỉ lặp lại nội dung trong đoạn trích, ví dụ:

"Khung cảnh buổi sớm mờ sương yên bình, thơ mộng... Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa nổi bật trong khung cảnh tĩnh lặng và huyền ảo; hài hòa giữa đường nét mà màu sắc; giữa thiên nhiên và con người; đẹp đơn giản và toàn bích".

Dĩ nhiên, với những học sinh giỏi, các em sẽ biết cách đưa thêm kiến thức lí luận văn học hoặc sử dụng thao tác so sánh với một số tác phẩm khác để làm cho bài viết hay, sâu sắc.

Đề thi môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ ra nội dung tác phẩm ngoài sách giáo khoa. Các chuyên gia, học sinh và dư luận vẫn mong chờ sẽ có những đột phá trong cách ra đề văn để khơi gợi năng lực, quan điểm, góc nhìn thể hiện được năng lực ngữ văn của học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên