Để tránh "nước đến chân mới nhảy" sao Bộ không mở cho GV tự học sớm các module?

10/06/2022 06:38
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng chương trình mới, không gì hơn, đó là khuyến khích, cho phép giáo viên tự học bồi dưỡng chương trình 2018 của Bộ.

Để giáo viên dạy tốt chương trình 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết kế chương trình bồi dưỡng giáo viên trực tuyến, trực tiếp gọi tắt là ETEP.

Giáo viên phải hoàn thành 9 module (mô đun) để tích lũy điểm, sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng sẽ được cấp chứng chỉ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Tập huấn do Ban quản lý chương trình ETEP (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức từ 25 - 27/11/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chỉ đạo "tất cả các tỉnh/thành phố cần triển khai tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông mô đun 2,3,4 bằng Hệ thống LMS, đồng thời lưu ý các Sở Giáo dục và Đào tạo phải chủ động tham mưu cho tỉnh, thành phố để tất cả các giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6 phải được bồi dưỡng qua Hệ thống LMS kịp thời, chất lượng.[1]

Thế nhưng, thực tế lại là chuyện khác, có nơi đã triển khai xong 9 mô đun, có nơi dạy chương trình mới đã hai năm nhưng đang thực hiện … mô đun 4.

Như vậy, giáo viên dạy chương trình mới, nhưng phương pháp dạy, kế hoạch dạy học, tư duy dạy học có nơi vẫn mang phong cách của chương trình cũ.

Để kịp "tiến độ", nước đến chân mới nhảy, không ít địa phương tổ chức bồi dưỡng chương trình mới trong năm học, tại các thời điểm không phù hợp, đã gây bức xúc với giáo viên.

Giáo viên tham gia bồi dưỡng trong tâm trạng bị áp lực cùng phải làm nhiều việc một lúc, nên ức chế, chất lượng bồi dưỡng cũng sẽ khó đảm bảo.

Không ít giáo viên không chịu nổi áp lực, nhờ người khác học hộ, vô hình trung đã hình thành "thị trường học hộ" các mô đun được quảng cáo công khai trên các diễn đàn xã hội.

Giáo viên muốn tự học bồi dưỡng nhưng không thể tìm thấy khoá học - Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Giáo viên muốn tự học bồi dưỡng nhưng không thể tìm thấy khoá học - Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Nghỉ hè, theo người viết, là thời điểm thích hợp để bồi dưỡng giáo viên, giáo viên có thời gian tự học, bồi dưỡng chương trình mới, thế nhưng thực tế không phải giáo viên muốn mà được.

Tại sao giáo viên không thể tự học các mô đun?

Theo tìm hiểu của người viết, thực tế hiện nay với giáo viên có nơi đã học xong mô đun 4 (Đồng Nai), có nơi học xong mô đun 5 (thành phố Hồ Chí Minh), cũng có nơi giáo viên cốt cán đang chấm bài thu hoạch của mô đun 4 (Bà Rịa - Vũng Tàu), ...

Cũng có địa phương đã hoàn thành mô đun 1, 2, 3, 4, 5 và mô đun 9, mô đun 6,7,8 chưa học (Khánh Hòa, An Giang)...

Như vậy, việc bồi dưỡng Chương trình 2018 giữa các địa phương không giống nhau, thiếu sự chỉ đạo thống nhất của Bộ.

Vì vậy, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng thực hiện bồi dưỡng chương trình mới cho giáo viên, đơn giản, nhanh chóng nhất, hãy mở cửa chương trình ETEP cho thầy cô vào tự học trước.

Hoặc Bộ chỉnh sửa phần mềm, cho phép giáo viên truy cập vào tài khoản là được vào tự học các mô đun chưa hoàn thành của mình.

Giáo viên hoàn thành các nội dung trong các mô đun trước (được tích xanh), khi nào học tập trung, có hướng dẫn của giáo viên cốt cán, sẽ hoàn thành nội dung bài thu hoạch.

Làm được như thế, sẽ rút ngắn thời gian bồi dưỡng, giáo viên chủ động phân phối thời gian học, tránh "nước đến chân mới nhảy", gây áp lực cho thầy cô.

Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng chương trình mới, không gì hơn đó là khuyến khích giáo viên tự học chương trình ETEP của Bộ.

Trong các mô đun đều đã có các clip hướng dẫn, văn bản nội dung học, giáo viên có thể tự học, hoàn thành nội dung bài tập, điều này chỉ đem lại lợi ích cho chính ngành giáo dục, chứ không phải ai khác.

Giaó viên tự học trước các mô đun sẽ tránh được tình trạng "Chất lượng module 9 thấp, giáo viên rất vất vả để hoàn thành yêu cầu".

Với học sinh, tự học là phương pháp học tốt nhất, tự học càng quan trọng với thầy cô giáo, tại sao không cho giáo viên tự học bồi dưỡng chương trình mới, mà cứ phải chờ cơ quan chức năng mở lớp?

“Bộ chỉ đạo, giáo viên không bồi dưỡng chương trình mới không dạy lớp 3, 7, 10”, không ít địa phương thiếu giáo viên dạy chương trình mới, chưa hoàn thành bồi dưỡng chương trình mới, liệu chỉ đạo của Bộ có được thực hiện nghiêm túc?

Chương trình 2018 đã triển khai lớp 1, lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022, năm học 2022-2023 bắt đầu đến lớp 3, lớp 7, lớp 10, để bảo đảm chất lượng giáo dục, cần phải hoàn thành bồi dưỡng chương trình mới càng sớm càng tốt.

Mùa nghỉ hè của giáo viên đã và đang bắt đầu, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo biến mùa hè này thành “mùa bồi dưỡng”, hoàn thành bồi dưỡng chương trình mới, giúp giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực tế, khi học tập trung, trực tiếp hay trực tuyến, giáo viên cốt cán cũng chủ yếu trình bày lại nội dung tập huấn của từng mô đun, nội dung này đã có trong tài liệu của Bộ.

Không phủ nhận tác dụng của giáo viên cốt cán, nhưng nếu giáo viên tự học các mô đun của Bộ nghiêm túc, kết quả chắc chắn sẽ rất tốt, càng tốt hơn khi có tự học trước khi được học với giáo viên cốt cán.

Bộ hãy tin tưởng thầy cô, cứ "mở cửa tự do" cho giáo viên tự học bồi dưỡng Chương trình 2018 nói riêng và các chương trình bồi dưỡng khác nói chung, hiệu quả giáo dục chắc chắn sẽ cao hơn. Đây là một việc nên làm càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1508

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh