Bà Dương Thu Hà - đại diện phía Bắc công ty Luật YKVN nhận định tại hội nghị "Đối thoại, hợp tác với nhà tuyển dụng" do Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 19/4, cho rằng:
Chương trình đào tạo ngành luật ở Việt Nam có phần thiếu tính hệ thống và lí luận phân tích, vẫn có lỗ hổng kiến thức, bởi lẽ hệ thống pháp luật thường xuyên cập nhật còn giáo trình thì chưa cập nhật kịp thời...
Cử nhân ngành luật ra trường thiếu kỹ năng suy nghĩ, phân tích vấn đề ở nhiều khía cạnh do ít được va chạm thực tế.
Do đó, bà Hà đề xuất, cơ sở đào tạo ngành luật cần tăng cường các hội thảo, buổi học với chuyên gia luật cho sinh viên.
Đồng thời, chú trọng hợp tác với các công ty và trường luật trên thế giới nhằm xây dựng mô hình đan xen lí luận và thực tiễn mang tính quốc tế.
Nhà tuyển dụng và sinh viên đối thoại tại hội nghị (Ảnh: Thùy Linh) |
Cùng quan điểm này, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc công ty Luật TNHH Vietthink khẳng định, để giải bài toán cử nhân luật thiếu kinh nghiệm thực tế thì giải pháp hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp/công ty là tất yếu.
Cơ sở đào tạo nào đi trước, đón đầu sẽ cho “ra lò” những cử nhân luật chất lượng.
Qua thực tế tiếp nhận sinh viên, cử nhân ngành luật vào thực tập/ làm việc, ông Vinh nhận xét:
“Đa phần các bạn chưa vượt qua được khuôn khổ lí thuyết sách vở, khi bắt tay làm việc thực tiễn thường bỡ ngỡ, bối rối”.
Do đó, việc hợp tác đồng bộ, tích cực giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên luật tiếp cần những người làm nghề thực tiễn thông qua các chương trình học tập, thực tập sinh.
“Muốn sinh viên có được kỹ năng thì phương pháp giảng dạy phải thay đổi. Đặc biệt, chương trình đào tạo phải đổi mới, tính đến giảm bớt các môn học lí thuyết, có thêm các môn kỹ năng.
Và không gì tốt hơn là cho sinh viên tự lăn xả vào thực tiễn. Em nào muốn theo tư vấn thì đến công ty luật chuyên về tư vấn, em nào muốn làm tranh tụng thì phải thường xuyên đến tòa án để học hỏi”, ông Vinh khuyên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng Quang, Luật sư Văn phòng Luật sư Nguyễn Quang Hưng và đồng sự gợi ý:
Nhà trường và các công ty luật nên quan tâm xin các dự án nghiên cứu được tài trợ mang tính quốc tế, cho sinh viên tham gia vào các dự án đó. Việc này không chỉ giúp sinh viên tìm hiểu môi trường pháp luật Việt Nam mà cả môi trường, tình huống pháp luật quốc tế.
Còn ông Nguyễn Văn Mạnh - Vụ Pháp Luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, khoảng cách giữa đào tạo và thực tế chắc hẳn thời nào cũng có, ngành nghề nào cũng có. Điều quan tâm nhất là làm sao thu hẹp và rút ngắn thời gian phải đào tạo lại.
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Vụ Pháp Luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, khoảng cách giữa đào tạo và thực tế chắc hẳn thời nào cũng có, ngành nghề nào cũng có. (Ảnh: Thùy Linh) |
Theo ông Mạnh, có thời kỳ chúng ta đưa sinh viên đi thực tập chỉ để… cho vui, sau này thấy không hiệu quả lại cắt luôn.
“Cần là làm cho chương trình thực tập đổi mới, thiết thực. Sinh viên được trau rèn kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn để chuẩn bị hành trang khi bước vào thị trường lao động tốt nhất.
Nhân sự ngành luật có kỹ năng tốt, chuyên môn tốt phải được hưởng mức lương, đãi ngộ cao và ngược lại”, ông Mạnh góp ý.