Sau thời gian 180 phút, các thí sinh dự thi cao đẳng khối C, D và các khối năng khiếu có môn Ngữ văn hoàn thành xong bài thi môn Ngữ văn. Kết thúc buổi thi cuối cùng của đợt 3 kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014, thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá thoải mái, vui vẻ.
Các thí sinh hoàn thành xong bài thi môn Ngữ văn. Ảnh: Xuân Trung |
Các thí sinh dự thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cũng chung tâm trạng như nhiều thí sinh khác sau bài thi môn Ngữ văn.
Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề Ngữ văn vừa sức, bám sát chương trình sách giáo khoa, câu hỏi nghị luận xã hội (NLXH) phán ánh đúng vấn đề nóng của đất nước hiện nay là “lòng yêu nước”.
Là một trong những thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất, em Đinh Thị Hường (Ninh Bình) đăng ký dự thi Khoa Giáo dục mầm non chia sẻ: “Theo em, đề Ngữ văn tương đối, không quá khó, chỉ cần 2/3 thời gian là có thể hoàn thành xong bài làm. Các câu hỏi không quá bất ngờ với em, riêng câu 2 NLXH nói về lòng yêu nước chân chính đúng với tình hình hiện nay nên em làm khá tốt.
Nêu lên quan điểm về ý kiến này, em đưa ra định hướng rõ ràng về lòng yêu nước, một số người có lòng yêu nước nhưng không hiểu rõ bị kẻ xấu lợi dụng chính lòng yêu nước của mình dẫn đến những hành động lệch lạc, sai trái với pháp luật.
Cũng theo em, lòng yêu nước không cần phải quá cao xa, mà nó gần gũi với mỗi người, thể hiện trong tình cảm gia đình, với họ hàng, người xung quanh, sống đúng đắn, chân chính, không nghe theo kẻ xấu, làm việc xấu”.
Tương tự, thí sinh Hoàng Thùy Dung (Trường THPT Mỹ Tho, Nam Định) cũng cho rằng: “Đề thi gồm 3 câu khá vừa sức với thí sinh cao đẳng. Câu 1 gồm nhiều ý nhỏ giúp thí sinh kiếm điểm dễ hơn, câu 2 là câu NLXH khá sát thực tế. Khi mà chúng ta đang sống trong hoàn cảnh đất nước như thế này thì tinh thần, nhiệt huyết hướng về lòng yêu nước cháy bỏng hơn bao giờ hết. Câu 3 là kiểu bài quen thuộc được ôn tập nhiều”.
Chia sẻ về câu trả lời bài NLXH, Dung cho biết thêm: “Trước tiên, em giải thích thế nào là lòng yêu nước, lòng yêu nước xuất phát từ đâu, sau đó nêu các dẫn chứng chứng minh. Em có dẫn chứng con đường tìm đến lòng yêu nước của Bác Hồ, lòng yêu nước thể hiện qua lịch sử cuộc khởi nghĩa của Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và trong bối cảnh hiện nay, em đưa vào hình ảnh chiến sĩ bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa.
Bản thân em là một học sinh, thể hiện lòng yêu nước bằng hành động cố gắng học tập thật tốt”. Với bài làm khá tốt, Dung tự tin được từ điểm 7 trở lên để đỗ vào Khoa Giáo dục mầm non.
Nói về lòng yêu nước chân chính, thí sinh Nguyễn Thị Hòa (Hà Nam) dự thi Khoa Giáo dục mầm non cho rằng tình cảm này phải xuất phát từ trái tim của mỗi người. Đó là thứ tình cảm cao quý, thiêng liêng.
Đối với thí sinh Đinh Hoài Thương (Ninh Bình), câu hỏi NLXH về lòng yêu nước không làm Thương bối rối. Không chỉ đưa dẫn chứng về những con người nổi tiếng có thật có lịch sử dân tộc, minh chứng cho lòng yêu nước sâu sắc, Thương còn đưa ra một hình ảnh đời thực mà bản thân từng bắt gặp để thể hiện một hành động nhỏ cũng là cách để thể hiện lòng yêu nước.
“Em từng gặp một bà cụ già tự nguyện đi gom rác trong vườn bách thú. Theo em, hành động cống hiến tuy bình dị đó cũng là cách mà mỗi người có thể thể hiện lòng yêu nước”.
Sau bài thi môn Ngữ văn, các thí sinh dự thi cao đẳng khối C, D hoàn thành xong môn thi cuối cùng. Các thí sinh dự thi các khối năng khiếu tiếp tục bài thi năng khiếu vào buổi thi ngày hôm sau.