Để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng trường học bị xử lý hình sự khi nào?

16/10/2022 06:52
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật sư và các chuyên gia có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện lạm thu của các trường vào đầu năm học, cũng như việc xử lý hình sự với cán bộ vi phạm.

Đầu năm học, tình trạng lạm thu tại nhiều trường học lại trở thành vấn đề nhức nhối, khiến phụ huynh bức xúc. Nếu phụ huynh phản ánh đúng các khoản vận động sai quy định, cơ quan chức năng thường sẽ nhắc nhở, yêu cầu nhà trường rút kinh nghiệm, hiếm khi xử lý hình sự.

Trường hợp bị xử lý hình sự gần đây nhất là vào cuối tháng 9 vừa qua, nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương và Nguyễn Thị Huế - nguyên thủ quỹ Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (Hải Phòng) chiếm đoạt 872 triệu đồng/1,4 tỷ đồng tiền vận động của phụ huynh. Bị cáo Hương lĩnh án 42 tháng tù, bị cáo Huế 18 tháng tù.

Vụ việc trên liệu có đủ sự răn đe và cảnh tỉnh cho các lãnh đạo nhà trường, khi nhiều trường vẫn đang lạm thu?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) và các luật sư đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Hình minh họa: nguồn Báo Quảng Ninh

Hình minh họa: nguồn Báo Quảng Ninh

Xử lý lạm thu dưới góc độ pháp lý

Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, việc thu nhiều khoản tiền không đúng quy định ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều phụ huynh. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có các quy định liên quan về những khoản nào được phép thu; ở mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố cũng có quy định về việc này (quy định của địa phương mang tính chất cụ thể với từng tỉnh/thành phố phù hợp với các văn bản cấp bộ, ngành liên quan).

“Đối với việc lạm thu của nhà trường, cơ quan chức năng thường sẽ nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính. Trường hợp xử lý hình sự là rất ít, bởi chỉ khi cá nhân chiếm đoạt tiền quỹ mới bị khởi tố, xét xử”, ông Nguyễn Hoàng Tiến nói.

Theo Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), hiện nay nếu nhà trường lạm thu và không sử dụng tiền đó vào mục đích cá nhân hoặc các mục đích trái pháp luật thì chưa có chế tài để xử lý.

"Trong trường hợp thu sai như trên, pháp luật chỉ yêu cầu người lạm thu hoàn trả lại số tiền lạm thu cho cha mẹ học sinh hoặc là cho người đóng góp, thậm chí bồi thường thiệt hại cho những người đã đóng góp", Luật sư Thanh chia sẻ.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho hay, cán bộ nhà trường sẽ bị xử lý hình sự khi đưa ra mức đóng góp vào khoản nào đó nhưng sử dụng vào mục đích cá nhân, đây là hành vi cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Hoặc nếu sử dụng tiền thu vào mục đích cá nhân vượt quá thẩm quyền của cán bộ, làm trái nhiệm vụ được giao sẽ bị xử lý về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” theo Điều 356, Bộ luật Hình sự. Có rất nhiều tội danh có thể được áp dụng xử lý tùy thuộc vào mức độ vi phạm theo hành vi khách quan.

Luật sư Giang Hồng Thanh chia sẻ thêm, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp thường được mọi người ví von như "cánh tay nối dài" của nhà trường. Bởi vậy, nếu có sai phạm của nhà trường về khoản thu, trong đó có khoản thu liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh, những người này cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cụ thể, tại Điều 17, Bộ luật Hình sự quy định, với trường hợp là hai người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm, cả hai sẽ bị xử lý. Đối chiếu với quy định đó, nếu cha mẹ học sinh biết cái sai của nhà trường, giáo viên nhưng vẫn làm hoặc cố tình tiếp tay sẽ bị xử lý hình sự.

Cần giám sát chặt việc thu, chi của nhà trường

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, thực tế hiện nay, có nhiều lãnh đạo nhà trường lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động, ủng hộ đóng góp các khoản thu dịch vụ. Tuy nhiên, việc đóng góp chi cho việc gì, học sinh được hưởng gì, nhiều trường không công khai.

“Có trường hợp Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh được lãnh đạo nhà trường sắp xếp, bố trí để vận động các khoản thu dịch vụ”, ông Hòa nói.

Theo Đại biểu Quốc hội, việc vận động đóng góp các khoản thu dịch vụ đối với những gia đình có điều kiện sẽ không thành vấn đề, nhưng với hộ có hoàn cảnh khó khăn, khiến họ phải đắn đo.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: quochoi.vn)

Với việc đóng góp các khoản dịch vụ, có trường còn thu nhiều hơn cả học phí. Phụ huynh chấp nhận đóng bởi đó là những khoản do Ban đại diện cha mẹ học sinh phát động, nếu không đóng tiền, họ e ngại bị cô lập, thậm chí trù dập.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, việc đóng góp các khoản thu dịch vụ trong trường là số tiền rất lớn, nếu lãnh đạo nhà trường nảy sinh lòng tham chiếm đoạt, cần phải bị xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Cũng có thể xảy ra việc lãnh đạo nhà trường thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động đóng góp các khoản dịch vụ, để chia chác, chuộc lợi cá nhân. Bởi vậy, cần phải giám sát chặt chẽ, công khai việc thu, chi để khách quan, minh bạch”, Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến.

Xử lý nhẹ, cán bộ nhà trường nhờn luật

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, trong thực tế, việc xử lý cán bộ nhà trường liên quan đến sai phạm lạm thu vẫn còn hình thức, chưa mang tính nghiêm minh, răn đe.

Việc có trường thu các khoản ngoài danh mục được nhà nước quy định đã tái diễn và bị lên án nhiều năm nay, nhưng vẫn không chấm dứt hoàn toàn. Chính quá trình xử lý sai phạm không mạnh mẽ, chỉ nhắc nhở, khiến lãnh đạo các trường nhờn luật.

Trước câu hỏi về việc Hội đồng Nhân dân một số địa phương đưa ra Nghị quyết để thống nhất định mức khoản thu dịch vụ liệu có hợp lý, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc này tùy vào đặc điểm, tình hình của mỗi địa phương, Hội đồng Nhân dân sẽ có quy định thu thêm khoản dịch vụ hoặc không.

“Nếu địa phương không có Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân ban hành về các khoản thu dịch vụ, nhà trường tự ý thu sẽ là lạm thu, vi phạm pháp luật, thì phải xử lý nghiêm người đứng đầu là hiệu trưởng. Nghề giáo là một trong những nghề cao quý nhất nhưng giờ đây đang bị thương mại hóa bởi nhiều khoản thu trong trường là không thể chấp nhận được”, ông Hòa chia sẻ.

Mạnh Đoàn