Đề xuất có tiêu chuẩn riêng đối với trường chuẩn quốc gia tại ĐBSCL

02/03/2023 06:36
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh thì Bộ Giáo dục nên tham mưu Chính phủ xây dựng đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia dành riêng cho đồng bằng sông Cửu Long.

Lao động đã qua đào tạo thấp nhất cả nước

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố, trong đó có Thành phố Cần Thơ là trực thuộc trung ương. Từ nhiều năm nay, đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội dành cho giáo dục luôn được lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực quan tâm.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư hoàn chỉnh. Chất lượng giáo dục và đào tạo đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng được cho nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội các địa phương trong khu vực.

Năm học 2010–2011, toàn vùng có 1.687 cơ sở giáo dục mầm non, 18.045 nhóm lớp thì đến năm học 2019–2020, toàn vùng đã có 2.002 cơ sở giáo dục mầm non, 20.543 nhóm lớp.

Ở bậc trung học phổ thông, vùng có số lượng học sinh tiệm cận ở mức trung bình chung của toàn quốc, với tỷ lệ 911,5 học sinh trên một cơ sở giáo dục.

Trong năm học 2019–2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,64%, xếp thứ 2 trong 6 khu vực, và cao hơn tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của cả nước (96,74%).

Đội ngũ nhà giáo của các địa phương trong vùng đáp ứng đủ cơ bản cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm học 2019–2020, toàn vùng có 176.173 giáo viên của các bậc học.

Tổng chi ngân sách dành cho giáo dục và đào tạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2021 đạt 491.549,65 tỷ đồng (bao gồm chi thường xuyên là 425.082,48 tỷ đồng, chi đầu tư là 66.374,85 tỷ đồng).

Do đặc thù địa hình sông nước, học sinh nơi đây phải đến trường bằng xuồng (ảnh minh họa: CTV)

Do đặc thù địa hình sông nước, học sinh nơi đây phải đến trường bằng xuồng (ảnh minh họa: CTV)

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, dù đã có nhiều kết quả khả quan, nhưng giáo dục của các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn nhất định.

Đó là tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là đối với nhà trẻ; mạng lưới trường lớp còn nhiều phân tán, còn phải có nhiều điểm trường, nhất là những nơi có nhiều điểm cồn, bãi ngang.

Tỷ lệ huy động học sinh phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn còn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhất là ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây cũng là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%), tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước (Báo cáo kinh tế thường niên năm 2022).

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường học trong khu vực chỉ mới đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu để thực hiện các chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Đề xuất xây dựng trường chuẩn quốc gia dành riêng cho khu vực này

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho hay, do đặc thù địa hình sông nước, giao thông còn nhiều khó khăn, đồng bằng sông Cửu Long có số điểm trường lẻ nhiều nhất cả nước.

Do đó, bà Quyên Thanh cho rằng, đối với giáo dục của các địa phương trong vùng cần tập trung thực hiện rà soát lại mạng lưới giáo dục, khắc phục tình trạng phân tán, điểm lẻ, bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, do GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành phố trong vùng chưa cao, nông nghiệp phần lớn là nhỏ, lẻ nên cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư của ngân sách nhà nước dành cho giáo dục.

Để giáo dục của đồng bằng sông Cửu Long đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất:

Thứ nhất: Cần quan tâm, đầu tư cho giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục cao nhất và tốt nhất có thể, rà soát lại việc đầu tư trường lớp xuyên suốt từ mầm non đến phổ thông.

Thứ hai: Cần quan tâm, tạo ra một cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho đồng bằng sông Cửu Long, như quan tâm đến các chính sách dành cho giáo viên, người làm công tác phổ cập, có tiền ăn trưa cho trẻ mầm non và lớp 1 ở ven sông.

Do các địa phương trong vùng có tỷ lệ trẻ bỏ học cao, nên cũng cần có chính sách đặc thù để phát triển hệ thống trường nghề, các chính sách khuyến khích người dân đi học nghề.

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề xuất Bộ Giáo dục Đào tạo nên tham mưu Chính phủ xây dựng đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia dành riêng cho các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Quang Bảo – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm, quyết liệt trong việc quy hoạch đất để phát triển giáo dục, bố trí nguồn kinh phí thích hợp để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng và bổ sung phòng học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả.

Đối với trường có nhiều cấp học thì mỗi cấp học có một Phó hiệu trưởng phụ trách cấp học đó (không phân biệt hạng trường) để quản, điều hành đơn vị đạt hiệu quả cao nhất.

Theo quy định để đạt chuẩn quốc gia nhà trường phải đạt 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý; Xây dựng đội ngũ giáo viên; Xây dựng cơ sở vật chất; Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục; Hoạt động và chất lượng giáo dục. Không ít trường đã nỗ lực để đạt chuẩn quốc gia nhưng chỉ vì vướng một tiêu chí mà không thể đạt chuẩn được. Chuyện mở rộng diện tích trường xem như vấn đề nan giải.

Trường học đạt chuẩn quốc gia được được hiểu là trường có đầu tư về cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn; môi trường sư phạm và cảnh quan nhà trường được cải thiện. Khuôn viên nhà trường được mở rộng; các sân chơi bãi tập, thư viện và các phòng chức năng… được xây dựng, hoàn thiện theo quy chuẩn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được đầu tư, phát triển, nâng cao về số lượng, chất lượng và loại hình nhằm đáp ứng hiệu quả và nhu cầu giáo dục.

Việt Dũng