Nhiều giáo viên dạy thêm thu về vài chục triệu/tháng nên rất khó cấm dạy thêm

26/12/2022 06:43
Nguyễn Đăng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ cần 30 học sinh học thêm, một buổi học, những giáo viên đang dạy thêm có thể sẽ thu về trên 1 triệu đồng trong vòng 90 phút.

Mỗi năm, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo thường ban hành một số văn bản để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm ở các nhà trường phổ thông. Ban giám hiệu nhà trường cũng thực hiện một số chuyên đề kiểm tra nội bộ về tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo viên nhưng gần như rất ít tác dụng.

Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn đang diễn ra bình thường, nhất là những môn như Toán, Anh ở những khu vực thành thị, nhiều học sinh phải học thêm liên tục từ năm lớp 6. Nhiều em đã học thêm 2 môn này từ cấp Tiểu học.

Mỗi buổi dạy thêm đại trà cho học sinh với thời gian 90 phút, nhiều giáo viên có thể thu về tiền triệu nên cho dù trong điều kiện nào, giáo viên vẫn mở lớp dạy thêm. Việc dạy thêm, học thêm diễn ra cả những lớp dạy chương trình mới và những lớp dạy chương trình hiện hành.

Chính vì thế, nguồn thu nhập từ dạy thêm đang là nguồn thu chính hàng tháng của một bộ phận giáo viên ở các bậc học phổ thông- nhất là những giáo viên dạy các môn có liên quan đến thi cử ở những lớp cuối cấp.

Dạy thêm đang là nguồn thu nhập chính của một số giáo viên hiện nay (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Dạy thêm đang là nguồn thu nhập chính của một số giáo viên hiện nay

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Thu nhập từ dạy thêm lớn gấp nhiều lần lương giáo viên hàng tháng

Một phụ huynh đang có con học tại thành phố phía Nam chia sẻ với chúng tôi rằng từ nhiều năm nay, anh đóng vai “xe ôm” miễn phí để chở con đi học thêm mỗi buổi tối đối với môn Toán và môn Tiếng Anh từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần (mỗi môn học, học 3 buổi).

Anh cho biết: các lớp học thêm mà con anh đang theo học thường có sĩ số ít nhất là 30 học sinh/ lớp. Lúc đầu, anh cũng không để ý làm gì nhưng rồi đứng đợi con nhiều năm, anh đếm xe phụ huynh đứng ở ngoài chờ và lớp nào cũng từ khoảng 30-40 học sinh tham gia học thêm ở nhà thầy cô giáo.

Mỗi tháng, học sinh đang đóng học phí ở lớp học thêm dao động từ 350-500 ngàn đồng/ môn/tháng. Vì thế, chỉ cần 30 học sinh thì mỗi buổi học, giáo viên có thể sẽ thu về trên 1 triệu đồng trong vòng 90 phút.

Mức thu nhập này cao hơn rất nhiều lần các ngành nghề khác. Và, có lẽ chỉ cần 5 buổi dạy thêm cũng bằng lương một giáo viên có thâm niên 15 năm công tác đang dạy ở trường công lập cả tháng.

Một điều bất di bất dịch ở các lớp học thêm là giáo viên sẽ thu tiền theo học kỳ hoặc thu tiền từ đầu tháng. Vì thế, cho dù là nghỉ Tết Nguyên đán, nghỉ lễ, nghỉ trong tuần kiểm tra học kỳ thì phụ huynh cũng đã đóng tiền đầy đủ cho thầy cô không thiếu đồng nào.

Những điều tâm sự của phụ huynh trên, cũng như thực tế việc con em mình đang phải đi học thêm hàng tháng, chúng ta thấy một thực trạng là nguồn thu từ dạy thêm của một số giáo viên hiện nay đang rất hấp dẫn.

Chính vì thế, một số giáo viên không có nhà gần trường, họ sẵn sàng thuê một căn nhà để mở lớp dạy thêm. Đối tượng học, đa phần là học sinh học chính khóa trên lớp. Ngoài ra, có một số học sinh ở các lớp khác đến học thêm (nếu là giáo viên có tiếng tăm).

Chúng ta thử hình dung, một giáo viên tiếng Anh ở cấp trung học cơ sở hiện nay dạy theo định mức là 19 tiết và mỗi tuần và môn tiếng Anh mỗi lớp sẽ có 3 tiết.

Vì thế, nếu giáo viên kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm (4 tiết) thì giáo viên đó sẽ được nhà trường phân công dạy 5 lớp. Nếu giáo viên không chủ nhiệm lớp, tất nhiên sẽ được nhà trường bố trí dạy 6 lớp.

Mỗi lớp có từ 40-45 học sinh và chỉ cần một nửa số học sinh chính khóa học thêm thì cũng đã có trên 100 em. Mỗi em đóng học phí ở mức 350 ngàn thì mỗi tháng có những giáo viên dạy môn tiếng Anh ở khu vực thành phố có thêm nguồn thu nhập tương tương khoảng từ 35-40 triệu đồng.

Nhưng thực tế, đối với những giáo viên dạy các lớp cuối cấp thì gần như 100% học sinh phải đi học thêm vì môn này nằm trong môn thi bắt buộc ở kỳ thi tuyển sinh 10. Như vậy, mỗi buổi “làm thêm” 90 phút để có nguồn thu ngoài lương hàng triệu đồng quả là mơ ước của nhiều người.

Đối với môn Toán, mỗi tuần có 4 tiết nên giáo viên dạy môn học này sẽ được bố trí từ 4-5 lớp. Số lượng học sinh ít hơn môn tiếng Anh một chút nhưng nguồn thu nhập từ làm thêm cũng gấp nhiều lần so với mức lương giáo viên hàng tháng.

Chính vì sức hút mãnh liệt như vậy nên việc dạy thêm diễn ra quanh năm, suốt tháng- kể cả thời điểm học sinh nghỉ hè; hoặc thời điểm dịch bệnh Covid- 19 hoành hành, nhiều địa phương thực hiện cách ly xã hội, học sinh phải học chính khóa bằng hình thức học online thì dạy thêm cũng online theo.

Tâm lý phụ huynh luôn mong muốn con mình đi học để không thua bạn kém bè, nhất là học sinh cấp Trung học cơ sở phải trải qua kỳ thi tuyển sinh 10 với tỉ lệ chọi khá cao nên đa phần phụ huynh phải đầu tư cho con em mình từ rất sớm. Vì thế, việc học thêm môn Toán và tiếng Anh đã trở thành một trào lưu đối với học sinh khu vực thị thành.

Buổi tối, khu phố nào có giáo viên tiếng Anh hoặc môn Toán luôn đông nghịt xe phụ huynh đứng chờ con. Tình trạng này đã và đang diễn ra từ nhiều năm qua và những năm tới đây có lẽ vẫn tiếp tục được duy trì.

Giáo viên dạy thêm đang có nguồn thu nhập khá tốt

Nhìn chung, những giáo viên hiện nay có đời sống còn khó khăn chủ yếu ở là dạy ở khu vực nông thôn, hoặc dạy ở thành thị nhưng lại là những môn học được xem là “môn phụ” nên không thể dạy thêm được.

Riêng với giáo viên Tiểu học mà là giáo viên chủ nhiệm lớp; giáo viên Trung học cơ sở dạy các môn Toán, Anh; giáo viên Trung học phổ thông dạy các môn nằm trong môn thi bắt buộc như Toán, Văn, Anh và những môn nằm trong tổ hợp xét tuyển đại học thì dù có vất vả hơn một chút nhưng nguồn thu hàng tháng khá tốt.

Giáo viên Tiểu học ở khu vực thị thành thường nuôi học trò tại nhà.

Sáng cha mẹ đưa đến trường, trưa cô thầy đưa về nhà nuôi cơm, chiều đưa đến trường học buổi 2 rồi lại về nhà thầy cô học thêm. Tối, cha mẹ đón về.

Giáo viên Trung học cơ sở các môn Toán, Anh dạy thêm xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9, một số môn như Lý, Hóa, Sinh, Văn thì lên đến lớp 9 mới có nhiều học sinh học thêm vì lúc này các em mới tập trung cho việc thi vào trường chuyên và thi tuyển sinh 10.

Giáo viên trung học phổ thông thì dạy thêm cả ở trường và ở nhà đối với tất cả các môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Nhìn chung, giáo viên Trung học phổ thông có lẽ chỉ trừ môn Thể dục là không có học sinh học thêm mà thôi. Còn lại, môn nào cũng đều phục vụ cho thi cử cuối cấp để học sinh xét tuyển vào đại học nên việc dạy thêm, học thêm là điều tất yếu.

Với tình hình như hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ còn kéo dài bởi các văn bản hiện hành chỉ cấm giáo viên tiểu học dạy thêm văn hóa- nhưng thực tế giáo viên tiểu học ở nhiều nơi vẫn dạy thêm bình thường. Các cấp học khác không cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm dạy thêm trái phép.

Nhưng, ranh giới giữa trái phép và có phép cũng chỉ là một tờ giấy đăng ký với nhà trường, thậm chí không cần đăng ký vì gần như rất ít bị kiểm tra.

Bởi vậy, việc dạy thêm và học thêm vẫn diễn ra bình thường ở nhiều địa bàn khác nhau. Nhiều phụ huynh dù kinh tế gặp nhiều khó khăn cũng cứ phải gắng gượng cho con em mình đi học thêm ở nhà thầy cô giáo…

Bức tranh dạy thêm, học thêm vì thế mà ngày càng phức tạp. Bên cạnh một số ưu điểm thì việc dạy thêm, học thêm cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy khác nhau, chất lượng giáo dục ở các nhà trường cũng thật giả lẫn lộn, khó lường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Đăng