Đề xuất sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện học bạ số

08/08/2024 06:38
Linh An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -VNPT đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư hoặc văn bản có tính pháp lý về hướng dẫn thực hiện học bạ số. 

Hiện nay, Tập đoàn VNPT đã và đang cung cấp giải pháp học bạ số lên hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0, đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn về học bạ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Đối với học bạ số, thông tin, dữ liệu từ các cơ sở giáo dục được đồng bộ lên cơ sở dữ liệu học bạ số của Sở Giáo dục và Đào tạo; sau đó, tiếp tục đồng bộ lên cơ sở dữ liệu học bạ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dữ liệu thông tin học sinh và kết quả học tập được kết xuất chính xác và đầy đủ từ hệ thống Quản lý trường học vnEdu, giúp các nhà trường, cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi, truy xuất học bạ của các em học sinh.

Để hiểu rõ hơn về học bạ số từ đơn vị cung cấp, hôm nay phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lâm Ngọc Thủy- Quyền Giám đốc Trung tâm kinh doanh dịch vụ Giáo dục số VNPT.

Phóng viên: Thưa ông, hiện học bạ số của VNPT đã được triển khai ở quy mô như thế nào? Việc triển khai học bạ số vnEdu đã và đang góp phần hiện đại hoá công tác quản lý, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số toàn ngành giáo dục ra sao?

Ông Lâm Ngọc Thủy: Thực hiện theo kế hoạch số 213/KH-BGDĐT ngày 01/03/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản số 1396/BGDĐT-GDTH ngày 27/03/2024, 2088/BGDĐT-GDTH ngày 08/05/2024 về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.

Xác định học bạ số là nhu cầu tất yếu của chuyển đổi số đối với ngành giáo dục, do đó ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thí điểm, VNPT đã tiên phong miễn phí học bạ số và chữ ký số trong thời gian thí điểm, đồng thời tập trung nguồn lực đồng hành cùng ngành giáo dục triển khai thí điểm trên toàn quốc.

Đến nay, VNPT đã phối hợp, đồng hành cùng ngành giáo dục thực hiện việc triển khai thí điểm tại nhiều cơ sở giáo dục tại hơn 45 tỉnh/thành phố trên toàn quốc với hàng triệu học bạ số đã đồng bộ thành công lên cơ sở dữ liệu học bạ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

VNPT cũng được hơn 30 Sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc tin tưởng lựa chọn làm đơn vị đồng hành cung cấp giải pháp thí điểm cơ sở dữ liệu học bạ số như Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Thuận, An Giang…

photo_2024-08-06_14-10-54.jpg
Ông Lâm Ngọc Thủy- Quyền Giám đốc Trung tâm kinh doanh dịch vụ Giáo dục số VNPT

Việc triển khai học bạ số vnEdu đã góp phần đổi mới công tác quản lý, và thúc đẩy chuyển đối số ngành giáo dục, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Với các cơ quan quản lý giáo dục, việc triển khai học bạ số tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý; nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu giáo dục.

Cơ quan quản lý các cấp có thể nhanh chóng quản lý việc đăng ký, phê duyệt chữ ký số, nắm bắt và giám sát việc thực hiện tạo lập, phát hành, thu hồi học bạ số tại các trường học trên các địa bàn quản lý.

Việc triển khai học bạ số góp phần thay đổi cơ bản trong cách thức quản lý giáo dục với các quy trình nghiệp vụ, tạo thuận tiện trong việc sử dụng, khả năng khai thác, cung cấp dữ liệu phục vụ cho các hệ thống khác trong các giai đoạn tiếp theo như tuyển sinh đầu cấp, chuyển trường…Các cơ quan chức năng cũng dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin học bạ của học sinh. Đồng thời, việc triển khai học bạ số cũng gắn liền với việc trang bị và sử dụng chữ ký số, tăng cường nhận thức và đào tạo kỹ năng số cho cán bộ giáo viên, góp phần hình thành công dân số.

Đối với các cơ sở giáo dục, triển khai học bạ số vnEdu giúp cho việc quản lý hiệu quả thông qua việc theo dõi, thống kê, báo cáo, kết quả học tập học sinh, kết quả thực hiện học bạ… của nội bộ trường. Thực hiện trên môi trường số tăng tính chính xác, dễ dàng có thể thực hiện việc kế thừa dữ liệu, các thông tin về quá trình học tập, rèn luyện của học sinh được quản lý lâu dài, thống nhất, ký số nhanh chóng theo lô. Nhà trường có thể tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện so với việc việc thực hiện học bạ giấy thủ công. Học bạ số cũng giúp các nhà trường quản lý thông tin chặt chẽ, mọi giao dịch nộp báo cáo hay điều chỉnh sửa đổi dữ liệu học bạ đều được ký số của nhà trường để tăng cường tính minh bạch, xác thực dữ liệu.

Với các cán bộ, giáo viên là đối tượng trực tiếp thao tác thực hiện, học bạ số giúp giảm áp lực về ghi chép, tính toán kết quả, ký tay, bảo quản, in ấn hồ sơ số sách của cả giáo viên và nhà trường, tiết kiệm chi phí, giảm sai sót. Giáo viên có thể nhanh chóng điều chỉnh thông tin nếu có sai sót so với học bạ giấy, đối với học bạ đã được tạo lập, phát hành có thể thu hồi để thực hiện lại. Các thông tin, dữ liệu về học sinh, kết quả học tập được kế thừa từ phần mềm quản lý trường học vnEdu tạo thuận lợi cho giáo viên có thể nhanh chóng tạo lập học bạ. Việc thực hiện ký học bạ cũng rất nhanh chóng thuận tiện thông qua cơ chế ký hàng loạt, hỗ trợ đa dạng loại chữ ký số đặc biệt là hình thức ký số từ xa VNPT SmartCA rất phù hợp cho cán bộ, giáo viên. Dữ liệu được xác thực, đảm bảo tính pháp lý và tính toàn vẹn dữ liệu.

Triển khai học bạ số cũng là tiền đề giúp cho phụ huynh, học sinh dễ dàng tiếp cận tra cứu thông tin kết quả học tập, học bạ của con em mình. Phụ huynh tiếp cận kịp thời các thông tin của học sinh có thể tăng cường tương tác trao đổi thông tin với nhà trường, giáo viên, và nâng cao hiệu quả giáo dục.

Trong các giai đoạn tiếp theo khi học bạ số được sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính sẽ mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích, thuận tiện cho phụ huynh học sinh trong việc chuyển trường, tuyển sinh…

Phóng viên: Một trong yếu tố được quan tâm nhất trong sử dụng học bạ số là tính bảo mật của hệ thống. VNPT đã đầu tư kỹ thuật ra sao để ngày càng tăng cường tính bảo mật?

Ông Lâm Ngọc Thủy: Dữ liệu học bạ số chứa nhiều thông tin cá nhân của học sinh. Chính vì vậy, VNPT luôn chú trọng đến công tác an toàn bảo mật hệ thống ngay từ giai đoạn thí điểm.

Hệ thống học bạ số vnEdu được đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ 3 theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và đảm bảo các quy định về bảo vệ, quản lý, sử dụng dữ liệu cá nhân đồng thời tuân thủ các quy định hướng dẫn trong Văn bản 1552/BTTTT-THH ngày 26/04/2022 hướng dẫn kỹ thuật triển khai đề án 06. Hệ thống được triển khai sử dụng nền tảng giám sát,quản lý an toàn thông tin hiện đại đảm bảo khả năng chủ động cảnh báo và phòng chống cũng như xử lý các rủi ro về an toàn thông tin có thể xảy ra.

Bên cạnh đó hệ thống được triển khai trên hạ tầng theo các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định chặt chẽ về sao lưu, khôi phục đảm bảo độ an toàn, ổn định và sẵn sàng của hệ thống. Các dữ liệu học bạ và các giao dịch báo cáo, thu hồi học bạ được ký số và xác thực thông tin học bạ số đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, không bị chỉnh sửa.

Hoc ba so.jpg

Phóng viên: Có ý kiến giáo viên đề xuất rằng cần tăng số lượng ký tự phần nhận xét trong học bạ số. VNPT đã có những giải pháp gì để tăng cường, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc và đồng hành cùng giáo viên khi triển khai học bạ số?

Ông Lâm Ngọc Thủy: Qua quá trình đồng hành triển khai thí điểm học bạ số, VNPT có ghi nhận được yêu cầu cần tăng số lượng ký tự phần nhận xét và đã thực hiện điều chỉnh tăng số lượng từ 900 lên 2000 ký tự. Việc này cũng đã được bộ phận kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất, phổ biến điều chỉnh chung.

Trong quá trình xây dựng và triển khai, VNPT cũng thường xuyên cử nhân sự giải đáp thắc mắc, hỗ trợ đến tận các cán bộ giáo viên tại các trường học và các cơ quan quản lý. Đồng thời, VNPT cũng tiếp nhận và thực hiện phân tích, đánh giá, tham vấn các ý kiến chuyên gia, tổng hợp các vấn đề khó khăn vướng mắc từ các địa bàn gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đóng góp ý kiến, đề xuất những nội dung nhằm triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phóng viên: VNPT có kiến nghị, đề xuất gì về mặt chính sách để học bạ số triển khai hiệu quả trong thời gian tới?

Ông Lâm Ngọc Thủy: Nhằm triển khai chính thức từ năm học 2024-2025, VNPT có một số đề xuất.

Thứ nhất, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư hoặc văn bản có tính pháp lý về hướng dẫn thực hiện học bạ số, trong đó có quy định về sử dụng học bạ số phục vụ giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới học sinh như chuyển trường, tuyển sinh đầu cấp, đi học đại học …

Thứ hai, cần có hướng dẫn việc khởi tạo học bạ số cho học sinh người nước ngoài, học sinh chưa có mã định danh (do nhiều nguyên nhân khác nhau). Đây là các đối tượng chưa được khởi tạo học bạ số do quy định bắt buộc phải có mã định danh cá nhân học sinh.

Thứ ba, đề xuất có quy định cụ thể hơn về học bạ số cho các trường hợp học sinh khuyết tật, khuyết tật hòa nhập.

Thứ tư, cần có hướng dẫn, hỗ trợ chính sách cho các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cơ sở giáo dục trong việc triển khai chính thức học bạ số.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.

Linh An