Đến giờ tôi vẫn ám ảnh vì bị ép luyện thi trên mạng cho học trò

20/02/2022 06:40
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có rất nhiều cuộc thi trên mạng dành cho học sinh. Các trường học cũng chỉ nên công bố, cung cấp địa chỉ để gia đình các em tìm hiểu và tự nguyện tham gia.

Một đồng nghiệp cũng là giáo viên ở miền Trung gọi điện hỏi tôi: “Trường chị có tổ chức cho học sinh tham gia cuộc thi đấu trường toán học Vioedu không? Tụi em đang phải lo ôn luyện cho học sinh”.

Tôi cho bạn biết, trước đây học sinh có tham gia cuộc thi Violympic, bây giờ là Trạng nguyên tiếng Việt còn đấu trường toán học Vioedu thì chưa.

Nói vậy nhưng tôi sợ một điều, biết đâu chỉ nay mai thôi, cuộc thi này sẽ về địa phương thì trường mình cũng sẽ tham gia là điều không tránh khỏi.

Vấn đề là sẽ tổ chức thế nào để thu hút được những học sinh có đam mê về toán học tham gia, tránh kiểu giao chỉ tiêu, bắt ép giáo viên phải lùa học sinh tham gia thi như cuộc thi toán Violympic trước đây thì khổ cả thầy lẫn trò.

Học sinh, sinh viên tham gia một cuộc thi qua mạng (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Học sinh, sinh viên tham gia một cuộc thi qua mạng (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Ám ảnh cuộc thi toán Violympic

Đã 4 năm trôi qua, kể từ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng thi toán, tiếng Anh trên mạng nhưng mỗi khi nhớ lại thời điểm ấy, người viết vẫn không sao quên được những tháng ngày cô trò cùng quay cuồng để luyện thi toán Violympic.

Để dạy học sinh, trước hết giáo viên phải đóng vai là học sinh vào thi để tải đề về. Mỗi ngày, sau khi giảng bài cho cả lớp, giáo viên phải tập hợp những học sinh trong đội tuyển để luyện giải đề.

Có những mã đề được thầy cô giáo in ra, cho học sinh làm đi làm lại, ôn đến thuộc lòng.

Thầy cô tạo tài khoản cho học sinh luyện thi, không chỉ một mà vài tài khoản một lúc để cùng các em tập luyện.

Có những tiết ra chơi vẫn phải học miệt mài. Rồi ngày nghỉ, cô trò cùng ra tiệm internet thuê hẳn một dàn máy tính để làm. Ngoài ra, phụ huynh còn cho con đến các lò luyện mang tên “Lò luyện toán Violympic” mỗi tối để rèn thêm với mong muốn giật giải.

Đã có không ít học sinh than vãn với cô rằng, con áp lực, con mệt mỏi vì phải luyện thi cả tối, luyện thi cả những ngày nghỉ cuối tuần. Thương trò cũng chỉ biết động viên các em cố gắng lên.

Một người đỗ, cả làng ăn theo

Ngày trò đi thi, cô thầy thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Trò đỗ xem như công sức của giáo viên không uổng phí và ngược lại. Thầy cô mừng cho trò một phần nhưng mừng cho mình nhiều hơn thế.

Thế là, có biết bao thành tích đổ về, lớp có học sinh đạt giải toán Violympic cấp này cấp nọ. Lớp có nhiều học sinh đạt giải nhất. Rồi, giáo viên có học sinh đạt giải, tổ có học sinh đạt giải, tổ có nhiều học sinh đạt giải nhất.

Rồi, trường có học sinh đạt giải, trường có nhiều học sinh đạt giải nhất, trường có phong trào giải toán tốt nhất… tất cả cũng được đi vào các báo cáo, các bảng thành tích của tổ, của trường, của cá nhân.

Càng có thành tích, nhà trường càng coi trọng những cuộc thi như thế này. Thế là, chỉ tiêu liên tục đổ xuống, giáo viên phải gồng mình thực hiện. Và, học sinh trở thành công cụ để người lớn tìm kiếm thành tích.

Bên cạnh đó, có một số trường sử dụng kết quả của một số cuộc thi trong việc tuyển sinh cũng đã khiến một số em càng quyết liệt tham gia với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên.

Đã có không ít phụ huynh phản đối khi con có tên trong danh sách đội tuyển. Bởi, bản thân em không có đam mê về toán, đôi khi không có cả năng lực vượt trội. Không có nhân tố xuất sắc, thầy cô thực hiện theo kiểu "bó đũa chọn cột cờ", ôn luyện kỹ cũng sẽ có kết quả.

Vì áp lực thành tích buộc nhiều thầy cô giáo phải theo. Vì thế, nói đến cuộc thi Violympic những người tôi biết, ai cũng thấy mệt mỏi và chán ngán.

Các cuộc thi trên mạng sẽ rất tốt nếu thực hiện đúng mục tiêu giáo dục

Ai cũng hiểu, mục đích của các cuộc thi trên mạng là giúp các em học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi, để thỏa niềm đam mê toán học của mình. Vì thế, học sinh sẽ tham gia một cách tự nguyện. Đối tượng tham gia là những học sinh có sở trường, có hứng thú, có năng khiếu về toán học.

Tuy nhiên, vì thành tích người lớn đã biến sân chơi của học sinh thành nơi để gặp hái thành tích. Bởi thế, những sân chơi trí tuệ của học sinh đã nhuốm màu của sự cạnh tranh, thi thố.

Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi trên mạng dành cho học sinh. Các trường học cũng chỉ nên công bố, cung cấp địa chỉ để gia đình các em tìm hiểu và tự nguyện tham gia.

Trong thực tế, có khá nhiều học sinh có năng khiếu đặc biệt về toán, tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Bản thân các em luôn tìm tòi, học hỏi nên rất thích tham gia những cuộc thi trí tuệ tổ chức trên mạng.

Cũng nhờ những cuộc thi như thế, năng khiếu của các em mới được bộc lộ, năng lực mới được rèn luyện.

Nhà trường không nên giao chỉ tiêu, không lấy thành tích của trò để đánh giá giáo viên, không lấy số lượng học sinh đạt giải để đánh giá chất lượng một trường, không ra điều kiện cộng điểm khi học sinh nào đó có giấy khen, giấy công nhận.

Được như thế, thì lúc đó những cuộc thi trên mạng như hiện nay, mới thật sự trở thành sân chơi của chính học sinh đam mê môn học đó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên