Chiều 19/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm các ruộng rau tại các xã Yên Phú, Việt Cường (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và trò chuyện với nhiều hộ nông dân.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên ngay tại xã Yên Phú, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều địa phương đã có chuyển biến.
Tình trạng sử dụng phân bón, hoá chất, thuốc trừ sâu tuỳ tiện trong canh tác rau quả đã giảm. Hiện tượng phân biệt rau để ăn, rau để bán đã bớt đi.
Đây là kết quả có được từ sự tập trung chỉ đạo của các cấp, sự quyết liệt từ chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Yên Phú. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Các quy định xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm khắc.
Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát được tăng cường với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội đã thay đổi nhận thức của nông dân.
“Nhận thức của người dân và xã hội đối với an toàn thực phẩm đã chuyển biến.
Đây là thời điểm rất tốt để triển khai chương trình vận động, hướng dẫn người dân sản xuất rau, thực phẩm an toàn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà cả trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội.
Thực phẩm làm để ăn sạch như thế nào thì bán ra thị trường như vậy”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ Y tế đổi mới quản lý trong cấp phép an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hưng Yên góp phần vào sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của cả nước.
Quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đã siết chặt hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng.
Hoạt động kiểm tra, giám sát được tăng cường với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, mới đây Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát về vấn đề này.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tình hình tuy có chuyển biến đáng mừng nhưng chưa được như mong muốn.
Chúng ta đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn nhưng chưa được nhân rộng.
Việc sản xuất thực phẩm từ quy mô doanh nghiệp đến hợp tác xã, hộ gia đình nhỏ lẻ vẫn còn tình trạng “rau bẩn, lợn bẩn, gà bẩn”.
Phải đặt mục tiêu trong thời gian ngắn nhất có thể, bằng mọi biện pháp, từ kết hợp quản lý nhà nước đến vận động tuyên truyền, tập huấn để ở mọi quy mô không còn sản xuất thực phẩm bẩn.
Phó Thủ tướng phân tích 4 điểm thuận lợi để đẩy nhanh việc nhân rộng mô hình sản xuất thực phẩm sạch.
Trước hết sự vào cuộc của toàn xã hội, của công luận, người dân có ý thức hơn về trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm liên quan đến cả sức khoẻ lẫn chất lượng nòi giống.
Khuôn khổ pháp lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều mô hình khác nhau về sản xuất thực phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn đã được kiểm chứng.
Quan trọng nhất là sự vào cuộc giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…
“Kinh nghiệm đã có, mô hình đã rõ thì phải có biện pháp đẩy nhanh nhân rộng mô hình tốt trên cả nước.
Tới đây Chính phủ sẽ có chương trình phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội để thực hiện mục tiêu này.
Tinh thần là phải sản xuất thực phẩm an toàn, không còn rau hai luống, lợn hai chuồng.
Làm được như vậy không chỉ rau sạch, thịt sạch mà môi trường sống ở nông thôn cũng sẽ tốt hơn.
Nếp nghĩ, cách làm của mỗi người cũng tốt đẹp hơn, đúng với đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Phó Thủ tướng nói.