Ngày 19/11, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại hội thảo này, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân đặt mục tiêu là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời [1].
Tuy nhiên, quan điểm này của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khiến nhiều chuyên gia không đồng tình.
Toàn cảnh hội thảo ngày 19/11, ảnh minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc thỏa thuận hợp tác liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học là chuyện bình thường, trên thế giới cũng vậy.
Tuy nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học có sứ mệnh trở thành đại học nghiên cứu thì tốt hơn hết là để nguồn lực đó đào tạo nhân lực có trình độ cao, trình độ tiến sĩ cho hệ thống (bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu) để hình thành nên các trường đại học có chất lượng cao nhờ sự đóng góp của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Còn lại việc liên thông như cách mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang muốn tiến hành thì nên để cho các trường đại học phía dưới theo định hướng khoa học ứng dụng (công nghệ) làm ví như các đại học công nghiệp chẳng hạn. Bởi họ quen thiết kế chương trình giáo dục công nghệ hơn, có kỹ năng thực hành dạy tốt hơn, thì sẽ hợp lý hơn với đối tượng người học và năng lực của giảng viên.
Còn các trường theo định hướng nghiên cứu như Đại học Quốc gia Hà Nội thường gặp khó trong quá trình giảng dạy đối với nhóm thí sinh học nghề mà thế giới cũng đang gặp phải. Do các em gặp hạn chế đối với các kỹ năng hàn lâm (academic literacy đọc, viết, phản biện, tư duy về khoa học cơ bản) mà những kỹ năng đó ở các trường định hướng nghiên cứu rất cần.
Khi năng lực và kỹ năng hàn lâm hạn chế thì những người tốt nghiệp trường nghề có thể sẽ thiếu tự tin trong quá trình học và mất đi động lực học thật. Nhưng với các chương trình theo hướng công nghệ (khoa học ứng dụng) thì yêu cầu về năng lực một số môn khoa học cơ bản không cần cao và khó như các chương trình theo hướng nghiên cứu như Tổ chức kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ ABET khẳng định.
Ví dụ, chương trình hàn lâm đào tạo kỹ sư thì sẽ rất nặng về các kiến thức Toán, Lý và các môn học cơ sở để có thể áp dụng giải các bài toán thuộc chuyên môn.
Kỹ sư thiết kế cây cầu hoàn toàn phải dùng kiến thức Toán học, Vật lý và các môn khoa học như Sức bền vật liệu, Cơ học...để tính toán độ bền, độ ổn định các kết cấu. Nhưng với người học ở các chương trình công nghệ thì chủ yếu là tổ chức thi công (tổ chức thiết bị, máy móc, con người...) được cây cầu do các kỹ sư thiết kế, nên học sẽ nhẹ hơn.
Nguồn lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho Đại học Quốc gia Hà Nội cần được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả
Mặt khác, học đại học để nghiên cứu thì các môn học giáo dục đại cương (hay một số người gọi là giáo dục tổng quát) đối với trường nghề người học không phải học nhiều. Vì vậy liên thông trong trường hợp này số tín chỉ được miễn sẽ rất ít, khiến cho không phát huy được ý nghĩa của liên thông.
Ví dụ, học cao đẳng (60 tín chỉ) liên thông lên đại học là được miễn khoảng 75-80% tín chỉ đã học này, người học chỉ phải học những kiến thức mới chứ nếu chỉ được miễn 5-10 tín chỉ thì đó không phải là liên thông.
Chưa kể, các chương trình của đại học luôn luôn phải thay đổi liên tục và trường nghề luôn luôn phải thích ứng với chương trình giáo dục đại học đó cũng là thách thức với trường nghề.
Việc liên thông có đạt được hiệu quả cao hay không phụ thuộc vào ngoài việc thiết kế chương trình, điều kiện đảm bảo chất lượng thì còn là lòng tin của những người tham gia mà không chỉ là ý chí của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học.
Chỉ cần một vài giáo sư hay giảng viên chưa có kinh nghiệm dạy học cho đối tượng khác với sinh viên truyền thống có thể gây những khăn với những người học nghề chuyển lên học ở đại học và rất dễ sinh ra những rắc rối.
Tiến sĩ Vinh nhìn nhận, hiện nay vì câu chuyện tài chính mà nhiều cơ sở giáo dục đại học muốn đưa học nghề vào để bằng cấp hóa, điều này rất tai hại sẽ dẫn tới buông lỏng chất lượng.
“Liên thông thì không có gì cần thử nghiệm, thí điểm nữa mà chỗ nào cơ chế chưa hoàn thiện thì kiến nghị Thủ tướng chỉnh sửa. Theo đó, chuẩn đầu ra nằm trong khung trình độ, phải đạt điều kiện về đảm bảo chất lượng để tạo được lòng tin của giảng viên đại học, của người sử dụng lao động và số tín chỉ được miễn trừ ra sao”, ông Vinh nhấn mạnh.
Nếu đạt được những yêu cầu trên rồi, muốn liên thông thành công thì phải đảm bảo về người thầy – văn hóa hợp tác và tài chính.
“Nhân đây tôi muốn nhấn mạnh các trường nghề và những người quản lý giáo dục nghề nghiệp rất cần tự tin, tự hào về giáo dục nghề nghiệp để thực hiện tốt sứ mệnh, vai trò chính danh của mình. Một khi trong tư duy của những người làm giáo dục nghề nghiệp lại có vẻ coi thường giáo dục nghề nghiệp mà lại hướng đến mục tiêu bằng cấp thì đất nước còn rất khó phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cân đối, hài hòa và khó thu hút nhiều thanh niên hơn vào học nghề để có nghiệp”, ông Vinh nói.
Cuối cùng, ông Vinh cho rằng, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cần tập trung vào sứ mệnh của một Đại học Quốc gia, vì khi xa rời sứ mệnh thì làm sao còn xứng đáng được với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân về một đại học nghiên cứu như đồng chí Vương Đình Huệ khi dự Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định:"... tạo mọi điều kiện giúp Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục phát triển về mọi mặt để sớm trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, một trung tâm đại học, sau đại học, nghiên cứu, chuyển giao tri thức ngang tầm khu vực và quốc tế" [2].
Thực tế hiện nay bản thân Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chưa đạt được như kỳ vọng, do đó cần làm tốt sứ mệnh của mình rồi mới hi vọng góp phần thúc đẩy cả hệ thống giáo dục đại học.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ban-giai-phap-dao-tao-lien-thong-giua-giao-duc-nghe-nghiep-voi-giao-duc-dai-hoc-794656.html
[2] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/975999/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-phai-la-trung-tam-doi-moi-sang-tao-ung-dung-va-chuyen-giao-cong-nghe-hang-dau