Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân phát biểu tại Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/11 rằng:
“Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng để phát triển đội ngũ, triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…”.[1]
Sau khi đọc thông tin phát biểu này trên các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sóng Hiền- thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia không đồng tình với quan điểm của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân.
Ông Nguyễn Sóng Hiền- thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia (ảnh: NVCC) |
Ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, ở nhiều quốc gia, có những cơ sở đại học được Chính phủ đầu tư để xây dựng thương hiệu quốc tế cho quốc gia ví dụ Trung Quốc có Đại học Thanh Hoa, Úc có Đại học Quốc gia Úc ... hầu hết những cơ sở giáo dục này theo định hướng theo nghiên cứu. Vì chỉ có theo nghiên cứu mới có thể nâng hạng trường theo các chuẩn quốc tế chứ đào tạo giáo dục nghề nghiệp thì công bố quốc tế cho ai?
Do đó, theo chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, Đại học Quốc gia Hà Nội nên và chỉ nên phát triển theo định hướng nghiên cứu hướng đến chiến lược xây dựng thương hiệu giáo dục đại học Việt Nam, phải phấn đấu để đưa ngôi trường này lọt vào top 100 trường đại học hàng đầu thế giới về đào tạo nghiên cứu trong 10 năm tới.
Ngoài ra cũng phải đưa Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành điểm đến du học của các sinh viên quốc tế trong khu vực cũng như thế giới. Đây mới chính là nhiệm vụ chính trị và tầm nhìn tương lai mà đại học quốc gia cần hướng tới chứ không phải đưa trường trở về thời kỳ sơ khai quanh quẩn phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực nội địa.
“Đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học thì hãy để các trường khác đảm nhận cho đúng chức năng của họ, chứ đó không phải chức năng của Đại học Quốc gia”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nêu nhận định.
Trong loạt bài viết trước, các chuyên gia khi chia sẻ với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam còn tỏ ra ngạc nhiên với phát biểu của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Giáo sư Lê Quân.
Đơn cử, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng đã là đại học quốc gia thì hướng phát triển phải trở thành đại học nghiên cứu tức là tỷ lệ kết quả của sản phẩm nghiên cứu phải bằng hoặc cao hơn kết quả của hoạt động đào tạo.
Nhờ có kết quả của sản phẩm nghiên cứu cao nên quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) phải cao hơn quy mô đào tạo đại học chứ đừng nói đến đào tạo các chương trình thấp hơn. Lúc đó mới là một là đại học quốc gia thực sự.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: "Trên thế giới ông chưa từng thấy nước nào, chưa từng có tiền lệ về việc đại học quốc gia lại đi đào tạo các chương trình thuộc giáo dục nghề nghiệp".
Còn Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, sứ mạng của Đại học Quốc gia Hà Nội là phải xứng đáng làm đầu đàn của nền đại học nước nhà, là một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học chất lượng cao và là một trung tâm khoa học mạnh. Hoàn toàn không nên giao nhiệm vụ đào tạo nghề bậc thấp cho đại học này.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N29800/dao-tao-cac-nganh-cong-nghe---ky-thuat-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4.0-%E2%80%93-co-hoi-va-giai-phap.htm