Thủ khoa khối A01 với số điểm 28,9, Trần Thị Quỳnh Trang – học sinh lớp chuyên Toán 1 - Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh ước mơ trở thành một doanh nhân.
Nữ thủ khoa chia sẻ rằng: “Khi em học ngành Kinh tế em có cơ hội được đi nhiều nơi, tìm hiểu về sự phát triển của nhiều cường quốc kinh tế hiện nay. Nên em đã chọn ngành Kinh tế đối ngoại của đại học Ngoại Thương”. (1)
Gương mặt một số thủ khoa năm 2019. (Đồ họa: Tùng Dương) |
Còn với Nguyễn Thị Trà My - lớp 12A1 Trường Trung học phổ thông Hồng Thái, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, thủ khoa khối D1 đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và ngành Kinh tế đối ngoại và nguyện vọng 2 vào ngành Tài chính Ngân hàng đều của trường đại học Ngoại thương.
Trà My nghĩ rằng, đây là môi trường năng động, sáng tạo nên phù hợp với năng lực cũng như tính cách của em. (2)
Trong khi đó, thủ khoa khối A với 29,05 điểm, em Vũ Đức Anh đăng ký xét tuyển vào khoa Công nghệ thông tin và khoa học máy tính, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là ước mơ từ khi bước vào cấp 3 của Đức Anh. (3)
Còn Ngô Thu Hà - học sinh lớp 12 chuyên Toán, trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) thủ khoa khối B và cũng là thủ khoa cao điểm nhất cả nước với 29,8 điểm ước mơ trở thành bác sĩ giỏi.
Đặc biệt, đối với nữ thủ khoa khối C với 28,75 điểm - Hoàng Thị Thái Bảo (quê Nghệ An) đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội để kiên định ước mơ theo đuổi nghề giáo từ bé của mình.
Đọc những chia sẻ của nhiều thủ khoa năm nay trên báo chí về ngành học các em chọn, không ít người mừng thầm.
Vì các em đã lựa chọn những ngành học ít có tính chất “sẵn nong, sẵn né”, đòi hỏi thực lực rất cao. Đúng với chất thủ khoa, học giỏi, có năng lực lo gì không xin được việc.
Điều này có vẻ hoàn toàn trái ngược với ước mơ của một số thủ khoa những năm trước.
Năm 2016, sau khi có điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia, thủ khoa cụm thi đại học số 17 tỉnh Lạng Sơn – Nguyễn Thị Kim Ngân với tổng điểm 30 khối C (tính cả 1,5 điểm ưu tiên khu vực), nữ sinh này cho biết sẽ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân để nuôi ước mơ trở thành một nữ trinh sát giỏi.
Cùng với đó, hai thủ khoa học chung Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) – Khương Anh Tú (thủ khoa khối A với 30 điểm) và Vi Phương Thảo (thủ khoa khối C với 31,25 điểm) năm đó – đều có nguyện vọng vào học ngành công an. (4)
Những năm qua, mỗi lần nhắc đến điểm chuẩn đầu vào của các trường công an, cảnh sát, quân đội, những ai theo dõi tuyển sinh đại học, cao đẳng không khỏi ngã ngửa.
Thủ khoa khối A01 muốn đi nhiều để khám phá nền kinh tế của các cường quốc |
Thậm chí như năm học 2017, có thí sinh 30 điểm vẫn trượt các trường công an, cảnh sát như thường.
Những năm đó, nhiều người tự hỏi ngành công an, cảnh sát, quân đội có gì hấp dẫn mà lại có điểm chuẩn đầu vào cao đến như vậy?
Và sau đó, năm 2018, cả nước rúng động vì vụ gian lận điểm thi. Đáng nói, rất nhiều thí sinh được nâng điểm thi cao chót vót lại đều chọn học các trường công an.
Hàng loạt thí sinh được các trường công an trả về địa phương vì phát hiện gian lận nâng điểm thi và đến nay vụ án liên quan vẫn chưa được đưa ra xét xử vì còn nhiều điểm cần phải làm rõ.
Nhìn rộng ra, việc thí sinh đổ xô vào các ngành công an, cảnh sát được một số chuyên gia nhận định là một điều hết sức kỳ lạ, là một xu hướng vận động phát triển không giống ai!
Gia đình, nhà trường đã định hướng nghề nghiệp cho các em như thế nào để các em đổ xô vào ngành đó.
Bởi nếu những người được cho là giỏi, điểm thi cao như thế mà chăm chăm chọn nghề “ưu tiên” để không phải xin việc, vậy có hút bớt người giỏi theo các ngành sản xuất ra giá trị trực tiếp cho xã hội, các ngành đòi hỏi tính sáng tạo, phát hiện, có tính đột phá.
Vẫn biết, ngành nào mà người giỏi thật sự theo học, có đóng góp cũng là cống hiến cho đất nước.
Nhưng với một đất nước đang đà phát triển, rất cần những người tài khởi nghiệp trong kinh doanh, cần các kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia IT giỏi... để đất nước thật sự hùng cường thì rõ ràng người giỏi phải góp sức nhiều hơn. Và điểm bắt đầu rất nên là từ các trường đại học đào tạo ra nguồn nhân lực đó.
Tài liệu tham khảo:
1/https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thu-khoa-khoi-a01-muon-di-nhieu-de-kham-pha-nen-kinh-te-cua-cac-cuong-quoc-post200530.gd
2/https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thuong-bo-me-nhoc-nhan-co-hoc-tro-truong-lang-thanh-thu-khoa-ca-nuoc-post200478.gd
3/ https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-truong-trung-hoc-pho-thong-quang-xuong-1-dat-2905-diem-khoi-a-post200448.gd
4/ https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhieu-thu-khoa-mo-uoc-lam-cong-an-318253.html