Lưu Thu Thảo (sinh năm 2001, Hà Nội) tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Hóa Dược tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thu Thảo vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi nhận tin trúng tuyển học bổng toàn phần hệ tiến sĩ tại Đại học North Carolina State, Mỹ sau một năm "gap year" (tạm nghỉ) chuẩn bị cho mục tiêu lớn này. Với học bổng này, Thảo được miễn 100% học phí và hỗ trợ thêm một phần phụ phí.
Trước đó, tháng 9/2023, dù đã trúng tuyển hệ thạc sĩ của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng cô vẫn quyết định "gap year" một năm để làm hồ sơ du học Mỹ.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lưu Thu Thảo gọi hành trình chinh phục học bổng toàn phần hệ tiến sĩ, ngành Hóa hữu cơ, Đại học North Carolina State là một mối duyên lành.
Thu Thảo nhớ lại, hồi đầu tháng 10/2023, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin về trường, cô đã chủ động gửi email cho giáo sư là giám đốc tuyển sinh sau đại học của Đại học North Carolina State. Thảo bày tỏ dự định và mong muốn được trở thành nghiên cứu sinh của trường. Trong thư, cô gái Hà Nội cũng xin ý kiến góp ý của giáo sư về hồ sơ cá nhân.
May mắn mỉm cười khi trong tháng đó, giáo sư có dịp đến Việt Nam và hẹn gặp Thảo để trao đổi trực tiếp. Đọc được dòng tin từ giáo sư, Thảo vui mừng nhưng cũng rất lo lắng. Thời điểm đó, hồ sơ của Thảo có điểm trung bình học tập là 3.3/4.0; 2 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí trong nước và kinh nghiệm làm nghiên cứu ở bậc đại học.
"Tôi biết rằng việc được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với giáo sư của trường là một cơ hội hiếm có. Hơn thế nữa, đây không phải là cuộc gặp bình thường mà là một vòng phỏng vấn, đánh giá xem tôi có đủ năng lực và phù hợp để trở thành nghiên cứu sinh của trường hay không. Điều này khiến tôi cảm thấy áp lực, nhưng nếu tôi không nắm bắt tốt, cơ hội sẽ không đến lần thứ hai. Suy nghĩ đó trở thành động lực để tôi chuẩn bị tâm thế vững vàng hơn", Thảo tâm sự.
Cuộc gặp kéo dài hơn 1,5 tiếng đồng hồ. Vượt qua sự e dè, lo sợ ban đầu, Thảo lấy lại tự tin và mạnh dạn chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân trong học tập, nghiên cứu tại trường đại học cũng như bày tỏ sự quyết tâm, mong muốn được tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Hóa hữu cơ tại Mỹ. Theo Thảo, để có thể theo học tại Đại học North Carolina State, hồ sơ học viên phải đạt tối thiểu điểm GPA 3.0/4; IELTS từ 6.5.
Thu Thảo cho hay: "Hồ sơ ứng tuyển của tôi không mạnh, điểm số chỉ vừa đủ đáp ứng các điều kiện tuyển sinh ban đầu thôi. Tôi cảm thấy may mắn vì có dịp gặp trực tiếp giáo sư của trường, được bày tỏ nguyện vọng cá nhân và thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của mình".
Tại cuộc gặp, giám đốc tuyển sinh sau đại học Đại học North Carolina State ấn tượng trước kinh nghiệm nghiên cứu thực tế ở phòng thí nghiệm của Thảo. Ngoài ra, các môn chuyên ngành của cô cũng có điểm số tốt. Cuối buổi gặp, giáo sư thông báo rằng đồng ý nhận cô làm nghiên cứu sinh của trường. Mặc dù vậy, Thảo vẫn rất lo lắng vì chỉ mới thông qua lời nói, chưa có thông báo chính thức bằng email.
"Mặc dù đã được giáo sư thông qua, nhưng tôi vẫn chuẩn bị rất kỹ càng cho bài luận của mình chứ không viết qua loa, kèm theo đó tôi xin 3 thư giới thiệu của thầy cô trong Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ.
Cho đến mấy tháng sau, tôi mới nhận quyết định chính thức trở thành nghiên cứu sinh của Đại học North Carolina State. Lúc ấy, mọi gánh nặng trong lòng mới được gỡ bỏ.
Nếu các bạn xác định đi du học từ sớm thì nên để ý đến điểm GPA và IELTS. Ngoài ra nên đến phòng thí nghiệm để làm nghiên cứu nhiều hơn. Tuy nhiên nếu quyết định đi du học muộn và không có lợi thế về hồ sơ quá mạnh thì hãy chủ động tìm kiếm cơ hội theo cách khác. Chẳng hạn, chủ động tìm các trường, chủ động liên hệ trao đổi với thầy cô để được đưa ra lời khuyên phù hợp nhất", Thu Thảo nhắn gửi.
Về phương pháp học tập, cô thường chia nhỏ lượng kiến thức, chăm chỉ trau dồi mỗi ngày chứ không học dồn. Trên lớp, Thảo thường chú thích lại những phần kiến thức cần nhiều thời gian nghiên cứu. Ngoài ra, cô cũng dành thời gian để lên phòng thí nghiệm, tích lũy kinh nghiệm chuyên môn.
Trong bài luận, Thu Thảo khẳng định bản thân đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những thử thách cũng như cơ hội để phát triển bản thân, nâng cao học thuật. Cô đặc biệt quan tâm và đam mê lĩnh vực hóa hữu cơ và hóa sinh.
"Tìm kiếm nền giáo dục tiên tiến không chỉ là một hành trình học thuật mà còn là một con đường đầy cơ hội và thách thức. Tôi hy vọng có cơ hội được chấp nhận vào chương trình tiến sĩ và cam kết cống hiến hết mình, nỗ lực vì sự thành công trong các hoạt động học thuật và nghiên cứu", Thu Thảo nêu trong bài luận.
Chia sẻ về lý do lựa chọn làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Hóa hữu cơ, Thu Thảo cho biết, bản thân có niềm đam mê và cảm thấy hứng thú khi được học, nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Việc được làm nghiên cứu sinh ở trường đại học Mỹ sẽ giúp cô mở ra nhiều cơ hội được tiếp cận, tích lũy các kiến thức mới cũng như có trang thiết bị hiện đại. Hơn thế nữa, đi du học cũng là cách để cô có thêm những kinh nghiệm sống quý báu, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và mở rộng các mối quan hệ.
Đối với Lưu Thu Thảo, việc học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ sẽ có những khó khăn, thử thách nhất định. Cô bộc bạch: "Có rất nhiều người sẽ chọn đi làm một thời gian sau đó mới đi học thạc sĩ hoặc làm nghiên cứu sinh vì khi đó sẽ có nhiều góc nhìn mới hơn và có thể biết bản thân thực sự thích hoặc cần cái gì để nghiên cứu sâu hơn về nó. Tôi xác định tương lai sẽ gắn bó với ngành yêu thích và việc có bằng cấp, trình độ cao hơn cũng là một lợi thế để tôi có thể xây dựng sự nghiệp. Do đó, tôi sẽ vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành thật tốt hành trình làm nghiên cứu sinh sắp tới".
Theo Thảo, chương trình đào tạo tiến sĩ ở Mỹ thường kéo dài khoảng 5 năm. Trong 1-2 năm đầu, chương trình học tương đương thạc sĩ. Ngoài ra, Thảo cho biết cô đổi định hướng nghiên cứu từ hợp chất thiên nhiên sang hóa hữu cơ nên cần phải trau dồi thêm nhiều kiến thức trước khi sang Mỹ.
Cuối tháng 7 này Thảo sẽ lên đường sang nước Mỹ để thực hiện ước mơ của mình. Chia sẻ thêm về hành trình sắp tới, cô cho biết: "Tôi chưa bao giờ phải xa gia đình và bạn bè lâu như thế. Nhớ nhà, áp lực học hành, sốc văn hoá, rào cản ngôn ngữ là những khó khăn sắp tới mà tôi phải đối mặt. Tuy nhiên tôi hiểu rằng, không có thành công nào mà không phải đánh đổi bằng sự vất vả và gian nan. Tôi hy vọng bản thân có thể vượt qua được mọi thử thách theo cách tích cực nhất".