Với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) đã và đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Ngành Công nghệ tài chính đang thay đổi mạnh mẽ cách thức thực hiện các hoạt động tài chính như từ giao dịch, thanh toán, chuyển tiền trực tuyến, đến việc quản lý, đầu tư, gọi vốn cộng đồng.
Sự đột phá của lĩnh vực này mang đến nhiều tiềm năng cho nền kinh tế thị trường, hứa hẹn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, người dùng và người lao động. Công tác đào tạo sinh viên ngành học này tại các cơ sở giáo dục đại học cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và nguồn cung lao động hiện nay.
Sự khác biệt giữa ngành Công nghệ tài chính và Tài chính - Ngân hàng
Có thể nói, công nghệ tài chính là sự kết hợp giữa tài chính (finance) và công nghệ (technology), mang đến những cải tiến đột phá cho các hoạt động tài chính truyền thống. Ngành này ứng dụng các sản phẩm công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và công nghệ chuỗi khối để nâng cao hiệu quả và trải nghiệm của người dùng.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Lan Hương hiện giữ vai trò chuyên viên bộ phận Vận hành hệ thống Rootopia (Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư LEDx Next Generation tại chi nhánh miền Bắc) chỉ ra những điểm khác biệt giữa Tài chính - Ngân hàng và ngành Công nghệ tài chính.
Trước hết, Tài chính - Ngân hàng là ngành nghề liên quan đến các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính của ngân hàng phát hành trong phạm vi nội địa, quốc tế. Chương trình đào tạo xoay quanh các môn học về kinh tế học, toán học, thống kê, quản trị kinh doanh, tài chính doanh nghiệp, tài chính quốc tế, thị trường tiền tệ, ngân hàng,... Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư,... với vị trí như chuyên viên phân tích tài chính, tín dụng, đầu tư.
![Ảnh minh họa ngành học Công nghệ tài chính. Nguồn: Trường Đại học Đại Nam. Ảnh minh họa ngành học Công nghệ tài chính. Nguồn: Trường Đại học Đại Nam.](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/wffszyrotpx/2025_02_10/eltjptt81gjiycdq1t3320240529090131-thump-7802.jpg)
Trong khi đó, ngành Công nghệ tài chính áp dụng những công nghệ tiên tiến, từ đó để làm mới hoặc cải thiện, nâng cao chất lượng của các phương pháp cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống. Sinh viên học ngành này được nghiên cứu các ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp thông minh, phân tích dữ liệu lớn trong tài chính, tư vấn tài chính tự động, công nghệ bảo hiểm hay ứng dụng trong đầu tư bất động sản,... Từ đó, người học tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại các công ty khởi nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn, ngân hàng, tổ chức thanh toán với các vị trí như lập trình viên, nhà phân tích dữ liệu, chuyên viên marketing, chuyên viên pháp lý Fintech,...
Cần cập nhật liên tục chương trình đào tạo phù hợp xu hướng phát triển mới nhất
Chia sẻ về những thách thức đặt ra cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ tài chính tại cơ sở giáo dục đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Trưởng khoa Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing cho hay, ngành học phải thiết kế bám sát nhu cầu thị trường, cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên môn sâu rộng cả về lĩnh vực tài chính và công nghệ, được đào tạo về những cải tiến mới nhất như Blockchain, trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big data,...
Mặt khác, ngành học còn cần tập trung vào việc cung cấp kỹ năng thực tế và áp dụng công nghệ tài chính trong môi trường thực tiễn thông qua các dự án và bài tập tình huống. Ngành Công nghệ tài chính tại Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ và có tiềm năng thị trường lớn cho các công ty công nghệ hỗ trợ ngân hàng số, thanh toán kỹ thuật số, chuỗi khối và mật mã.
Để chương trình đào tạo của ngành Công nghệ tài chính không bị nhàm chán, Khoa Tài chính – Ngân hàng của Trường Đại học Tài chính – Marketing luôn cập nhật, đổi mới chương trình liên tục để bám sát nhu cầu thị trường và đáp ứng những xu hướng mới nhất trong ngành. Nhà trường tiến hành khảo sát ý kiến doanh nghiệp nhằm xác định những kỹ năng và kiến thức mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với nhân sự ngành Công nghệ tài chính. Đồng thời cập nhật tài liệu và phần mềm học tập để giúp sinh viên tiếp cận những công nghệ và xu hướng mới.
![Trường Đại học Tài chính – Marketing tạo môi trường học tập khoa học, năng động và thúc đẩy sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Công nghệ tài chính. Ảnh: UFM. Trường Đại học Tài chính – Marketing tạo môi trường học tập khoa học, năng động và thúc đẩy sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Công nghệ tài chính. Ảnh: UFM.](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/wffszyrotpx/2025_02_10/vstep-ufm-2-6484.jpg)
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong ngành cũng được mời tham gia nhiều báo cáo chuyên đề trong quá trình đào tạo. Khoa đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các hội thảo và chuyên đề khoa học về những chủ đề mới nổi trong ngành. Hoạt động này giúp sinh viên cập nhật kiến thức, đồng thời mở rộng tầm nhìn về sự phát triển của lĩnh vực này.
Hơn nữa, Trường Đại học Tài chính - Marketing đầu tư cơ sở vật chất hiện đại với phòng học tiện nghi và thư viện đầy đủ tài liệu nhằm phục vụ tốt nhất cho người học. Sinh viên có cơ hội tiếp cận và sử dụng các phần mềm, công nghệ tiên tiến trong ngành Công nghệ tài chính để hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu. Khoa luôn xây dựng môi trường học tập khoa học, năng động, khuyến khích sự sáng tạo và nghiên cứu của sinh viên.
Ngoài ra, đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng của Khoa Tài chính – Ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm phong phú trong ngành Công nghệ tài chính. Các thầy cô luôn thực hiện các bài báo khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học và cập nhật xu hướng mới nhất bằng cách liên kết với các doanh nghiệp trong ngành để xác định nhu cầu thị trường; phát triển thêm giáo trình và tài liệu phù hợp.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính, Trường Đại học Đại Nam, chương trình đào tạo Công nghệ tài chính cần được triển khai theo mục tiêu gỡ khó tâm lý người học và đội ngũ giảng viên, thiết kế nội dung đổi mới phù hợp, nâng cao tính thực tiễn cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trường đại học cần xây dựng nội dung đào tạo theo hướng ứng dụng với việc tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng công nghệ, kỹ năng mềm và kỹ năng ngoại ngữ; thường xuyên cập nhật những kiến thức khoa học – công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đáp ứng với xu hướng phát triển không ngừng của ngành Công nghệ tài chính trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Chương trình đào tạo của Trường Đại học Đại Nam gắn liền với các công ty Fintech, giúp cho người học có thể đi thực tập ngay từ năm nhất, năm hai, từ đó có sự tiếp xúc với các nghiệp vụ trong thực tế. Sau khi ra trường các em có thể bắt tay ngay vào công việc mà không cần phải trải qua thời gian đào tạo, cũng như không mang lại những rủi ro cho các đơn vị doanh nghiệp tiếp nhận nhân sự vào làm việc.
Sinh viên ngành học này được thực hành tại Trung tâm thực hành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính ngân hàng của trường; trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp uy tín, là đối tác chiến lược của nhà trường xuyên suốt quá trình học tập giúp cọ sát với thực tế để có cơ hội việc làm nhanh chóng. Đồng thời, trường cũng hợp tác với cơ sở đào tạo ở Đài Loan (Trung Quốc) như Trường Đại học Á Châu trong việc thảo luận về công tác giảng dạy, trao đổi giảng viên, sinh viên, tổ chức các chương trình hội thảo quốc tế về Công nghệ tài chính, nhằm nâng cao chuẩn đầu ra đạt đến chất lượng trên thế giới.