Điểm nổi bật trong đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử ở ĐH Đông Á là gì?

12/04/2025 06:27
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Điểm nổi bật trong việc đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử tại Trường ĐH Đông Á là chương trình mang tính ứng dụng được chia theo module nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử của Khoa Điện - Điện tử là 1 trong 11 chương trình đào tạo của Trường Đại học Đông Á mới được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Viết Vĩnh - phụ trách ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Đông Á cho biết:

“Việc đạt được chứng nhận khẳng định chất lượng của chương trình đào tạo mà khoa đã và đang xây dựng, được triển khai thông qua các bước: Xác định mục tiêu, khảo sát nhu cầu, xây dựng khung chương trình, xây dựng đề cương học phần, lập kế hoạch triển khai đào tạo, thẩm định, triển khai giảng dạy và liên tục cập nhật ý kiến các bên liên quan để cải tiến theo định kỳ.

Điều này còn giúp tăng cường uy tín của khoa trong việc hợp tác với các đơn vị, công ty, tập đoàn trong lĩnh vực Điện – Điện tử, tạo động lực tiếp tục cải tiến liên tục nhằm nâng cao chương trình đào tạo, duy trì và phát triển chất lượng đã được công nhận".

Thầy Vĩnh thông tin, trước đợt kiểm định ngành này, Trường Đại học Đông Á và Khoa Điện - Điện tử đã có 2 đợt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục vào năm 2018, 2023 và đợt kiểm định các chương trình đào tạo vào năm 2022. Trong đó, đặc biệt, thông qua đợt kiểm định cơ sở giáo dục vào năm 2018, Ban Giám hiệu nhà trường và khoa đã rà soát kỹ hơn các hoạt động nhằm hướng đến đảm bảo chất lượng.

Khi bước vào giai đoạn chuẩn bị cho công tác kiểm định năm 2025, khoa đã lập kế hoạch kiểm định, thu thập minh chứng, phân tích và viết báo cáo tự đánh giá để tổ chức tự đánh giá chương trình đào tạo, sau đó gửi báo cáo tự đánh giá và minh chứng cho đơn vị đánh giá ngoài.

Cũng thông qua đợt kiểm định này, khoa đã phân tích kết quả từ các tiêu chí đạt và chưa đạt để lập kế hoạch hành động cho thời gian sắp tới các nội dung trọng tâm gồm: Cập nhật chương trình đào tạo; nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị thực hành thí nghiệm; nâng cao năng lực giảng viên; tăng cường hợp tác doanh nghiệp; thu thập thường xuyên phản hồi từ sinh viên – giảng viên – doanh nghiệp; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ; hướng đến kiểm định định kỳ ở lần tiếp theo.

nganh Dien_7R309335_21_03_2025_05_55_54.jpg
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử của Trường Đại học Đông Á đạt chứng nhận kiểm định chất lượng. Ảnh: Website khoa.

Ngành học có nhiều tiềm năng phát triển

Chia sẻ về ngành học, Thạc sĩ Lê Viết Vĩnh bày tỏ, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử ngày càng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh tự động hóa sản xuất, quản lý năng lượng, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) cùng chủ trương thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn…

Trong đó ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử là một trong những ngành tham gia vào những phần quan trọng của các lĩnh vực đang là xu hướng hiện nay. Trong 3 năm gần đây, tình hình tuyển sinh của ngành liên tục tăng, khoảng 30% qua các năm.

Thầy Vĩnh cho biết, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử trang bị cho sinh viên các kiến thức kỹ năng có tính chuyên môn sâu về kỹ thuật, công nghệ như: Thiết kế, gia công mạch điện tử; lập trình vi điều khiển, lập trình nhúng, lập trình ứng dụng; thiết kế hệ thống IoT; thiết kế, lắp đặt, vận hành hệ thống điện dân dụng và công nghiệp.

Ngoài 80% thời lượng khóa học tập trung vào chuyên môn nghề nghiệp, chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử còn cung cấp cho sinh viên kiến thức về quản lý dự án, kỹ năng làm việc, khởi nghiệp… Điều này không những giúp sinh viên tiếp cận nhanh, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp và phát triển bản thân sau tốt nghiệp mà còn có nhiều cơ hội để “tự tạo việc làm” cho bản thân cũng như xã hội.

Cụ thể, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử, sinh viên có thể đảm nhận những vị trí công việc như: Vận hành, sửa chữa máy sản xuất công nghiệp thuộc các công ty, tập đoàn; vận hành hệ thống điện trong các tòa nhà cao tầng, khách sạn lớn, khu nghỉ dưỡng, resort, khu phức hợp; nhân viên kỹ thuật, kinh doanh (kỹ thuật) trong các công ty phân phối các thiết bị điện, điện tử, điện công nghiệp, điều khiển, tự động hóa; giảng viên, giáo viên tại các viện, trường dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng, đại học; khởi nghiệp...

Được biết, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử còn được học và làm thông qua 4 kỳ làm việc tại doanh nghiệp.

Thạc sĩ Lê Viết Vĩnh chia sẻ: "Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử tại Trường Đại học Đông Á là chương trình mang tính ứng dụng cao được chia theo module nghề nghiệp, giúp sinh viên tập trung hoàn thiện kiến thức, kỹ năng.

Để sinh viên đạt năng lực đầu ra ngay trong mỗi module nghề nghiệp, khoa đã sắp xếp các học phần lý thuyết, thí nghiệm, thực hành tập trung, trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu cho module ở các học kỳ gần nhau trong chương trình đào tạo. Kết thúc module là đợt thực tập tại doanh nghiệp gắn liền với nội dung module để sinh viên có cơ hội vận dụng ngay kiến thức vừa học, tiếp cận nhanh và hoàn thiện kỹ năng nghề thông qua trải nghiệm môi trường thực tế tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, các kỳ sinh viên thực tập tại doanh nghiệp là khoảng thời gian rất quan trọng, tạo cơ hội cho sinh viên sớm có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Có một số quan điểm cho rằng ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử chỉ dành cho nam giới, Thạc sĩ Lê Viết Vĩnh bày tỏ, ngày nay ranh giới giữa các ngành trong khối ngày càng hẹp, bản thân ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử có nhiều công việc mà ở đó không phân biệt nam hay nữ như: thiết kế, lập trình, phân tích, quản lý kỹ thuật, giảng dạy…

Hơn nữa, năng lực học tập không phân biệt giới tính, thị trường lao động thì cần nguồn nhân lực đa dạng. Chính sự bản lĩnh, cẩn thận và tinh thần ham học hỏi của các bạn nữ sẽ tạo nên ưu thế đặc biệt của họ trong ngành học này.

Chủ động tìm tòi, tích cực tham gia dự án thực tế

Để sinh viên có thể chinh phục khối kiến thức của ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử, theo thầy Vĩnh, khối ngành kỹ thuật nói chung, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử bậc đại học nói riêng, cần sinh viên tăng cường thực hành, thực hiện nhóm với các dự án thực tế, chủ động tìm tòi, sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập trong quá trình thiết kế, lập trình, mô phỏng, thí nghiệm, thực hành.

Đặc biệt nếu sinh viên có tư duy logic, yêu thích kỹ thuật – công nghệ, kiên trì, cẩn thận, thích khám phá học hỏi, thêm kỹ năng làm việc nhóm tốt… sẽ sớm làm chủ được các kiến thức kỹ năng của ngành.

Ảnh minh họa: Website khoa.

Ảnh minh họa: Website khoa.

Ở góc độ của sinh viên, anh Lê Văn Mạnh, cựu sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử hiện đang làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết kế và xây dựng bền vững Anh Vũ chia sẻ: “Ngay từ cấp trung học phổ thông, tôi đã hứng thú với các hệ thống điện, mạch điện và cũng được gia đình định hướng để lựa chọn ngành này.

Ban đầu tôi nghĩ ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử chủ yếu xoay quanh việc vận hành, sửa chữa thiết bị điện, hay làm việc nhiều với dây dẫn và bảng mạch. Tuy nhiên, khi được đào tạo, tôi nhận thấy ngành rất rộng, bao gồm cả lập trình, điều khiển tự động, thiết kế hệ thống, thiết kế điện dân dụng, truyền thông công nghiệp... Ngoài ra, lượng kiến thức lớn, đòi hỏi tư duy phân tích cao hơn những gì tôi tưởng tưởng".

Trong quá trình học, anh Mạnh đúc rút được kinh nghiệm rằng, để theo kịp chương trình đào tạo cần bản thân phải chủ động hơn. Kiến thức ngành rộng và khó, nên anh Mạnh đã bắt đầu đi thực tập từ năm 2 để có thể trao dồi cũng như học tập tích luỹ thêm kinh nghiệm bên cạnh việc thực hành, thực tế trong chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, anh Mạnh còn nhận được sự hỗ trợ tận tình từ phía các thầy cô trong khoa. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo với doanh nghiệp để sinh viên hiểu rõ hơn về xu hướng nghề nghiệp, cũng như có thêm định hướng rõ ràng.

Chia sẻ về công việc thực tế, anh Lê Văn Mạnh nói: "Khi đi làm, tôi thấy những kiến thức đã học ở đại học là nền tảng đặc biệt quan trọng. Các môn như hệ thống điện, mạch điện, điều khiển tự động hay lập trình PLC đều được ứng dụng trực tiếp vào công việc. Nhờ đã làm quen với phần mềm chuyên ngành từ khi còn đi học nên tôi có thể bắt nhịp nhanh hơn với các dự án thực tế.

Tôi cũng bổ sung những kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc như kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian) và đặc biệt, kỹ năng tự học vô cùng cần thiết. Ngoài ra, tôi học sử dụng thêm các phần mềm chuyên ngành để phục vụ cho công việc, đồng thời trao dồi thêm tiếng Anh…

Với các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp, tôi cho rằng điều quan trọng là nên đi thực tập sớm, tham gia các dự án để va chạm thực tế, học thêm các kỹ năng cũng như thành thạo các phần mềm chuyên ngành".

Anh Cao Đình Nhâm, cũng là cựu sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử hiện đang làm việc tại Công ty Fly Express nói: "Ngành học này không hề khô khan như hình dung ban đầu của tôi. Những bài giảng thú vị, sống động của thầy cô giúp tôi thêm yêu thích ngành học. Ngoài ra, tôi còn được thực hành, thực tập ở nhiều nơi để tăng cường trải nghiệm thực tế, có hình dung trực quan về kiến thức lý thuyết.

Đặc biệt, phía khoa và nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, điển hình như cuộc thi thường niên RoboTech Future mà thành viên của mỗi đội thi đến từ nhiều khoa khác nhau. Việc được kết hợp với các bạn sinh viên khoa khác giúp kiến thức của chúng tôi được bổ trợ cho nhau".

20240601_robot_4.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử, Trường Đại học Đông Á tham gia cuộc thi về robot. Ảnh: Website khoa.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, anh Nhâm cho biết, trong giờ học anh luôn chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài sau đó ghi chép và đọc lại, từ đó tích lũy được kiến thức cho bản thân. Đồng thời anh tích cực tham gia các các hoạt động thực hành, thực tập. Nhờ vậy, khi bước vào công việc thực tế anh Nhâm cảm thấy tự tin, có thể áp dụng tốt những kiến thức đã được đào tạo ở đại học.

Anh Nhâm đánh giá, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử có cơ hội nghề nghiệp rộng mở, từ các doanh nghiệp trong nước đến các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hấp dẫn. Được biết, trong tương lai anh Nhâm có kế hoạch du học và làm việc tại Nhật Bản.

Hồng Linh