Chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao tại Trường ĐH Đông Á có gì khác biệt?

12/06/2024 06:39
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Sinh viên được học cả hai lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao cùng kiến thức về công nghệ thực phẩm và sản xuất nông nghiệp bền vững.

Chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao thuộc ngành Nông nghiệp có nhu cầu lao động lớn, cơ hội việc làm đa dạng nhưng số lượng sinh viên còn hạn chế do người học chưa thực sự hiểu đúng về ngành học này.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thu Thảo, Trưởng khoa Thực phẩm, Trường Đại học Đông Á cho biết, tương lai ngành học này sẽ rất triển vọng nhờ áp dụng thành tựu về khoa học – kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất.

SV thực hành 5.jpeg
Sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao, Trường Đại học Đông Á chăm sóc các giống lan hồ điệp. Ảnh: NTCC

Thế mạnh đào tạo tại Trường Đại học Đông Á

Tiến sĩ Phan Thu Thảo cho hay, chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao tại Trường Đại học Đông Á có xu hướng đào tạo rộng hơn một số trường khác. Đối với một số trường cùng mở chuyên ngành này, thông thường chương trình đào tạo sẽ chuyên sâu vào lĩnh vực trồng trọt.

Riêng với Trường Đại học Đông Á, sinh viên được học cả hai lĩnh vực quan trọng là trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Ngoài ra, sinh viên còn được học thêm về công nghệ thực phẩm và sản xuất nông nghiệp bền vững.

Với các học phần về môi trường, sinh viên sẽ có thêm hiểu biết về chiến lược phát triển bền vững của của thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là hướng tới việc sống xanh, bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững, sản phẩm chất lượng và thân thiện môi trường.

1TS Phan Thu Thảo.jpg
Tiến sĩ Phan Thu Thảo, Trưởng khoa Thực phẩm, Trường Đại học Đông Á. Ảnh: NVCC

Các hoạt động sản xuất của ngành Nông nghiệp đang gây ảnh hưởng phần nào đến môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, các em có thể áp dụng những gì đã học để tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Sinh viên khi nhập học tại trường có thể nhận học bổng lên tới 7 triệu đồng. Hàng năm, doanh nghiệp hợp tác với trường đều có chương trình tài trợ học bổng hoặc tài trợ tham quan kiến tập, thực tập tại các trang trại, nhà máy.

Đến năm 3, sinh viên có thành tích học tập tốt và có ngoại ngữ tiếng Nhật có thể tham gia chương trình Internship thực tập tại Nhật Bản một năm. Với chương trình này, sinh viên sẽ được học công nghệ, trải nghiệm văn hóa của Nhật Bản và kiếm thêm thu nhập.

Theo cô Thảo đánh giá, các nhóm sinh viên đi thực tập tại Nhật bản khi trở về có thái độ và tinh thần làm việc tốt, chủ động trong công việc, tự tin hơn và giải quyết công việc nhanh hơn.

Về thuận lợi của ngành học, nhà trường đã chỉ đạo, cùng khoa xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo tức thời, cập nhật xu hướng hiện tại và tương lai.

Với tầm nhìn dài hạn của khoa, khi sinh viên ra trường có thể ứng dụng được những kiến thức, kỹ năng, công nghệ đã học ở trường vào công việc, đáp ứng sự phát triển của xã hội ngay tại thời điểm đó.

Hàng năm, nhà trường và khoa đều nhìn lại để cập nhật các bài học, nội dung tham quan, kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp, các đồ án, đề án để tiệm cận với sự phát triển của doanh nghiệp.

Vì vậy, ngay từ năm nhất, sinh viên đã được đi kiến tập và thực hành tại nhiều doanh nghiệp. Sang năm thứ hai, mỗi sinh viên đều chọn được doanh nghiệp phù hợp để thực tập và làm đồ án.

SV thực hành 2.jpeg
Sinh viên học chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao có nhiều cơ hội thực tập, thực hành và phát triển nghề nghiệp tương lai. Ảnh: NTCC

Bên cạnh mặt thuận lợi, cô Thảo cũng chia sẻ khó khăn của ngành học. Mặt bằng chung, nhiều thí sinh nghĩ rằng học các ngành về nông nghiệp ra trường làm việc vất vả, dãi nắng dầm mưa nên khả năng thu hút gen Z (sinh vào khoảng năm 1997 đến năm 2012) vào ngành này chưa cao.

Vì số lượng thí sinh nhập học còn khiêm tốn, khoa chưa thể mở rộng quy mô và tổ chức đa dạng các hoạt động, dự án phục vụ cộng đồng do chính sinh viên thành lập.

Tuy nhiên, một số sinh viên yêu thích và theo đuổi ngành nghề này có thể yên tâm về khả năng cao ra trường xin được việc làm, tỷ lệ cạnh tranh thấp, có tiềm năng khởi nghiệp doanh nghiệp do chính bản thân làm chủ. Từ đó, sinh viên lại cảm thấy yêu thích và gắn bó với ngành học mình đã chọn.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao có thể làm việc ở đâu?

Theo Tiến sĩ Phan Thu Thảo, khi ra trường, sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao có thể làm quản lý trang trại trồng rau, hoa quả theo hướng công nghệ cao. Tùy theo từng công ty mà diện tích của trang trại quản lý sẽ khác nhau.

Nếu ứng tuyển vào các doanh nghiệp đối tác của Khoa Thực phẩm tại tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, sinh viên sẽ được giao quản lý trang trại, nhà kính hay nhà lưới với diện tích tương đối lớn.

Trong việc quản lý, sinh viên phải am hiểu các hoạt động thường nhật ở trang trại, đồng ruộng, kiểm soát, quản lý hoạt động của nhân công. Ngoài ra, sinh viên còn phải xem xét yếu tố rủi ro như trang trại có bị sâu bệnh hại tấn công hay không, sau đó đưa ra biện pháp giải quyết kịp thời.

Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận một số công việc khác như kỹ sư làm việc ở phòng chuyên nghiên cứu giống cây trồng, phát triển chế phẩm sử dụng trên đồng ruộng.

Cụ thể, công việc là thử nghiệm ứng dụng của chế phẩm, khảo nghiệm các giống cây trồng, xem thử khả năng thích nghi của giống đối với môi trường, kiểm nghiệm điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương có phù hợp không.

Sinh viên cũng có thể làm công việc về sale, kinh doanh nông sản phẩm, vật tư nông nghiệp, tư vấn bán hàng hay thiết kế trang trại.

SV thực hành 1.jpeg
Sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao, Trường Đại học Đông Á thực hành tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC

Đặc biệt, sinh viên học nông nghiệp tại Trường Đại học Đông Á có thể tham gia công tác tại các trại chăn nuôi công nghệ cao, bệnh viện thú y, tự ứng dụng kỹ thuật mới trong nuôi dưỡng động vật.

Nếu có năng lực chế biến thực phẩm, sinh viên có thể tham gia vào các doanh nghiệp thu mua nông sản tươi ở đồng ruộng, bảo quản sơ chế và đóng gói hàng hoá xuất khẩu.

Ở những dây chuyền như làm sạch – rửa, phân loại – sàng lọc, bảo quản – xử lý nhiệt, chế biến sơ bộ hay đóng gói, sinh viên cũng có thể làm ở vị trí tổ trưởng quản lý, đảm bảo công việc diễn ra trôi chảy, hàng hoá chất lượng, giảm thiểu rủi ro.

Nhiều sinh viên chọn học nông nghiệp, mà gia đình ở quê có trang trại để trồng trọt, chăn nuôi, sinh viên hoàn toàn có thể khởi nghiệp trên chính vùng đất quê hương mình.

Nếu sinh viên chọn học thêm mô-đun về phương pháp giáo dục trong nông nghiệp, sau khi ra trường có thể bổ túc thêm nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên dạy các môn liên quan đến nông nghiệp. Ví dụ như dạy môn công nghệ ở các trường phổ thông, trung cấp nghề, dạy nông dân ở các lớp khuyến nông, tham gia tổ chức, giảng huấn tại các hội thảo của công ty tổ chức, đưa ra những giải pháp, công nghệ mới cho bà con nông dân tiếp cận và ứng dụng.

Cô Thảo thông tin, sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao của trường hiện đang được thực tập tại các trang trại, công ty ở Đắk Lắk, Đà Nẵng, Huế. Sau thời gian thực tập, các đơn vị đều phản hồi tích cực về năng lực của sinh viên Trường Đại học Đông Á. Các bạn được nhận xét là cần cù, chịu khó, chủ động trong công việc.

“Khi nghe phản hồi tốt từ doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá chương trình đào tạo hiện hành đang đi đúng hướng, góp phần hình thành chuẩn đầu ra nghề nghiệp cho sinh viên như mục tiêu đã đề ra.

Sau khi ra trường, tôi tin rằng sinh viên sẽ có thái độ làm việc tích cực, tinh thần vững vàng, kiến thức chuyên môn sâu để có cơ hội lựa chọn vị trí làm việc tốt ở các công ty.” – Cô Thảo chia sẻ.

Sinh viên ngành Nông nghiệp cần có những tố chất gì?

Anh Đinh Tiến Đăng, Quản lý trang trại tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn HiFarm, doanh nghiệp đối tác của Trường Đại học Đông Á cho biết, đối với từng vị trí công việc sẽ đặt ra những yêu cầu khác nhau về kỹ năng, năng lực của lao động.

2 DN anh Đăng quản lý.jpeg
Anh Đinh Tiến Đăng, Quản lý trang trại tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn HiFarm. Ảnh: NVCC

Về vị trí kỹ sư nông nghiệp, sinh viên phải nắm vững kiến thức cơ bản về giống, cây trồng, có khả năng phán đoán, quan sát dựa vào những thiết bị cảm biến trên vườn, thông tin chỉ số môi trường. Bên cạnh đó là khả năng xử lý để tạo môi trường tốt nhất cho cây trồng phát triển.

Về vị trí quản lý trang trại, sinh viên cần trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Bản thân sinh viên phải tạo lập được kế hoạch cho toàn bộ trang trại, sắp xếp, tổ chức nhân sự để sản xuất theo từng loại cây trồng và mùa vụ.

Anh Đăng nhận định, đa số các trường có sinh viên thực tập năm cuối tại trang trại HiFarm, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn các bạn làm đề tài khóa luận. Riêng sinh viên Trường Đại học Đông Á được tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp từ rất sớm.

Anh Đăng đánh giá cao cách trường sắp xếp, định hướng cho sinh viên kiến tập, thực tập cũng như chất lượng của sinh viên Trường Đại học Đông Á. Về kỹ thuật nông nghiệp, sinh viên được đào tạo tương đối bài bản. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, kỷ luật trong công việc và tính học hỏi của sinh viên cũng rất tốt.

Dành lời khuyên cho người học, anh Đăng cho hay, học sinh nên tìm hiểu về niềm đam mê, định hướng của mình trước khi quyết định theo học ngành gì. Bởi ngành Nông nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan để đạt được thành công.

Nếu không có đam mê mà chỉ học một cách hình thức, sinh viên ra trường sẽ dễ chán nản. Sau đó, các bạn sẽ chuyển đổi qua ngành nghề khác và không đi theo ngành Nông nghiệp nữa.

SV thực hành 4.jpeg
Sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao đo chỉ tiêu cây giống, phục vụ các nghiên cứu vì cộng đồng. Ảnh: NTCC

Theo Tiến sĩ Phan Thu Thảo, công việc làm nông nghiệp sẽ khá vất vả, nên đòi hỏi sinh viên có sự cần cù, chịu khó, chủ động trong công việc. Tiếp theo là khả năng tiếp cận với công nghệ và sử dụng công nghệ để xử lý các rủi ro, vấn đề trong công việc.

Tinh thần kỷ luật, tuân theo các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng rất quan trọng. Nếu người làm nông nghiệp không thực hiện đầy đủ kỹ thuật chuyên môn trên đồng ruộng, có thể dẫn tới nhiều rủi ro như kế hoạch sản xuất bị đình trệ, đồng ruộng dễ bị sâu bệnh phá hoại, cây không được bón phân kịp thời và nhất là chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Đồng thời, sinh viên cần có tinh thần và mong muốn giúp đỡ nông dân Việt Nam thoát nghèo, hỗ trợ nông dân Việt Nam tiếp cận những tiến bộ khoa học mới, giúp họ ứng dụng công nghệ vào việc làm nông, nhằm gia tăng năng suất và tăng chất lượng sản phẩm.

Thực tế, ngành Nông nghiệp đòi hỏi sinh viên thật sự yêu thích việc hoạt động ở ngoài trời và có thể làm việc ngay cả trong văn phòng. Người làm nông nghiệp phải vận động thô nhiều hơn những người khác. Tuy nhiên, công việc có vất vả hay không còn phụ thuộc vào cách bố trí thời gian, tần suất làm việc của từng người.

Em Lê Quang Trung, sinh viên năm 2, chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao, Trường Đại học Đông Á chia sẻ, em chọn ngành này vì cảm thấy phù hợp với định hướng bản thân. Từ khi lên cấp 2, Trung đã phụ giúp bố làm nương rẫy và trồng các loại cây như cà phê, sầu riêng, mít, tiêu. Trung thấy ngành học rất có tương lai, nên em quyết định theo học để sau này có thể phụ giúp gia đình.

Hiện tại, Trung đang thực tập ở cơ sở HESTIA Farm, Đà Nẵng. Theo Trung, những kiến thức tổng quát và chuyên ngành ở trường rất quan trọng, tuy nhiên sinh viên vẫn phải tự tìm hiểu và học hỏi tại cơ sở thực tập để tích luỹ thêm kinh nghiệm.

Một trong những môn học chuyên ngành mà Trung yêu thích nhất là “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp”. Qua các buổi học, Trung đã trang bị cho mình những kỹ năng như tạo môi trường thạch để nhân giống lan kim tuyến, nhân nhanh cây lan kim tuyến bằng chồi và ra ngôi cây con.

Vì sao chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao lại cần thiết?

Tiến sĩ Phan Thu Thảo nhận định, tương lai 20 - 30 năm nữa, khi thế hệ gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980) về hưu, lực lượng làm nông nghiệp truyền thống ở nông trại khả năng sẽ giảm mạnh. Để giải quyết bài toán đảm bảo năng suất đồng ruộng, tăng hiệu quả sản xuất, tính bền vững trong ngành trồng trọt, chăn nuôi, con người cần phải ứng dụng công nghệ cao.

Ví dụ như cơ giới hóa, sử dụng máy móc để hoạt động thay cho con người ở đồng ruộng, ứng dụng hệ thống tự động, giúp con người điều khiển môi trường đất, nước; hay xây dựng tiểu khí hậu nhà màng để người nông dân không cần phải trực tiếp tới đồng ruộng.

Một kỹ sư quản lý cánh đồng vài chục héc-ta, trong một ngày không thể quan sát mọi chuyển biến trên đồng ruộng, hệ thống quan sát từ xa tự động sẽ giúp họ giải quyết điều này.

Đồng thời, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế con người để ra quyết định ngay tại đồng ruộng, đối với các việc như phân tích dữ liệu lịch sử, đưa ra dự đoán các kiểu thời tiết, theo dõi sức khoẻ đất và cây trồng, phát hiện rủi ro dịch hại, tưới tiêu thông minh, robot làm cỏ, thu hoạch hay kiểm soát chất lượng bằng cách tự động phân loại sản phẩm tốt, xấu,…

Công nghệ sinh học cũng đã và đang được áp dụng trong nông nghiệp khá nhiều. Ví dụ, công nghệ nuôi cấy mô tế bào giúp gia tăng sản lượng cây giống tốt trong thời gian ngắn, các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh hại ở trên cây trồng, công nghệ về gen giúp lưu trữ và tạo ra các giống cây trồng mới, đem lại chất lượng tốt và thu hút người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, công nghệ nano đang phát triển, giúp tăng khả năng chống lại vi sinh vật gây bệnh để bảo vệ cây trồng. Công nghệ nano sẽ hỗ trợ con người tính toán lượng vi chất, dinh dưỡng bổ sung vào cây trồng phù hợp, tối ưu và hiệu quả.

Bích Ngọc