Cơ sở 2 của Trung tâm Phúc Tuệ nằm tại số 3, phố Thạch Cầu, cách trung tâm Hà Nội hơn 20km về hướng Long Biên.
Theo quyết định: Về việc thành lập cơ sở số 2 của trung tâm Phúc Tuệ, cơ sở này là nơi chăm sóc giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ.
Hiện nay, tại cơ sở 2 của trung tâm Phúc Tuệ có gần 30 em học tập và lưu trú hằng ngày, chủ yếu trong tình trạng bệnh rất nặng.
Giáo viên tỉnh Bình Thuận sắp được nhận tiền hỗ trợ giáo dục người khuyết tật |
Hình thức dạy của trung tâm được phân bổ như sau: Dạy học chữ, vi tính, âm nhạc, thủ công; trị liệu về tâm lý cho hoạt động tập thể, trị liệu cá nhân, mát-xa phục hồi sức khỏe; chữa bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ và dạy nghề hướng nghiệp.
Các em đến đây học tùy theo khả năng tiếp thu, chứ không phân theo độ tuổi.
Ở cơ sở này, các em có độ tuổi từ 7 - 23 tuổi, nhưng nhận thức đều rất ngây dại.
Theo bà Vũ Thị Minh Hương, trung tâm Phúc Tuệ hiện có 2 cơ sở: Cơ sở thứ 1 tại số 67Y Phó Đức Chính, Trúc Bạch; cơ sở thứ 2 tại số 3, Thạch Cầu, Long Biên (Hà Nội).
Cơ sở thứ 1 được sử dụng làm nơi giảng dạy các em bị tự kỷ, thiểu năng, chậm phát triển nhưng tình trạng nhẹ hơn so với cơ sở thứ 2.
Do vậy các em được chuyển lên cơ sở thứ 2 đều trong tình trạng bệnh rất nặng và giáo viên phải kèm cặp 100%.
Một số gia đình do điều kiện kinh tế khó khăn phải gửi con nội trú ở trung tâm Phúc Tuệ cơ sở 2. Tại đây các cháu được các cô dạy chữ, vệ sinh cá nhân, dạy nghề, trồng cây dược liệu, làm hương...
Đây cũng là nguồn thu nhỏ bổ sung cho trung tâm vì theo bà Hương mức học phí ở đây rất rẻ: Trung tâm hoạt động dựa trên tinh thần từ thiện là chính.
Trẻ khuyết tật học tập và sinh hoạt tại cơ sở 2 Trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N) |
Mỗi tháng học sinh đóng cho trung tâm 1.5 triệu đồng tiền học phí và 500.000 đồng tiền ăn. Số tiền này theo bà Hương chỉ đủ trả lương cho giáo viên và nguồn thu chi của Phúc Tuệ thường bị âm.
Với mức học phí như vậy, trung tâm Phúc Tuệ chỉ bằng 1/3 so với những trung tâm khác.
Có những gia đình có 2 em mắc bệnh thì trung tâm giảm học phí hoặc chỉ thu 1 em. Số tiền thu được của học sinh dùng để trả lương cho giáo viên và đóng bảo hiểm xã hội cho các cô.
Tại đây, lương giáo viên của người có thâm niên nhất khi đã đóng bảo hiểm chỉ được hơn 4 triệu đồng/tháng, người mới làm được hơn 2,5 triệu đồng/tháng...
Nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, tình trạng bệnh rất nặng (Ảnh:V.N) |
Mặc dù được xã hội và phụ huynh đánh giá cao, tuy nhiên cơ sở 2 của trung tâm Phúc Tuệ đang có nguy cơ bị đóng cửa. Điều này đẩy hàng chục đứa trẻ vào tình cảnh bơ vơ.
Ngày 1/11/2019, Ủy ban Nhân dân Quận Long Biên có quyết định số 1920/UBND-KT: Về việc xử lý, ngăn chặn việc tập trung người sinh hoạt, ăn uống tại phương án khu Lòng Đầm, phường Long Biên.
Căn cứ theo quyết định này Ủy ban Nhân dân quận Long Biên kết luận: Bà Vũ Thị Minh Hương tự ý tổ chức cho người khuyết tật sinh hoạt, ăn uống tại khu vực thực hiện phương án.
Việc tổ chức hoạt động như trên là sai với nội dung phương án được Ủy ban Nhân dân Quận phê duyệt, không đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ…
Vì thế Ủy ban Nhân dân Quận Long Biên chỉ đạo: Yêu cầu Ủy ban Nhân dân phường Long Biên có biện pháp ngăn chặn, xử lý không để các cá nhân thực hiện phương án, đưa các hộ gia đình đến tập trung sinh hoạt, ăn uống tại khu vực này. Thời gian thực hiện xong trước ngày 10/11/2019.
Bà Vũ Thị Minh Hương mong muốn được gia hạn hợp đồng ít nhất từ 1-3 tháng để trung tâm có thời gian tìm địa điểm mới (Ảnh:V.N) |
Theo giải thích của bà Vũ Thị Minh Hương – giám đốc trung tâm Phúc Tuệ thì đây là một sai sót do yếu tố lịch sử.
Bởi lẽ, trước đây (khoảng năm 2009) khi đi thuê đất để mở trung tâm Phúc Tuệ cơ sở 2, bà đã được phường Long Biên đồng ý cho sử dụng khu đất tại phố Thạch Cầu vừa là nơi thực hiện dự án trồng cây dược liệu đồng thời làm nơi cho học sinh khuyết tật có nơi học tập, sinh hoạt.
Bà Vũ Thị Minh Hương cũng thẳng thắn thừa nhận cái sai (do yếu tố lịch sử để lại) và cũng khẳng định:
“Chúng tôi không có ý định ở lại cơ sở này và chắc chắn sẽ trả lại cho chính quyền.
Ở lớp này, dạy một trẻ khó bằng mười lớp khác |
Chúng tôi cũng sẽ đi tìm nơi để thuê và tiếp tục mở trung tâm.
Ở đây tôi không muốn nói đến cái đúng, cái sai mà chỉ nói đến cái tình.
Chúng tôi mong Ủy ban Nhân dân Quận Long Biên cho chúng tôi xin gia hạn hợp đồng từ 3-6 tháng.
Trong thời gian này chúng tôi còn họp phụ huynh, tìm địa điểm để thuê, sửa sang, ổn định tổ chức.
Sau khi làm xong việc này chúng tôi tự nguyện trả lại hiện trạng cho chính quyền và không nấn ná gì thêm”.
Trước đó Trung tâm Phúc Tuệ cũng đã gửi đơn thư đến Ủy ban Nhân dân Quận Long Biên.
Trong đơn ghi rõ: Đã hơn 10 năm chúng tôi chia sẻ những khó khăn với người khuyết tật và gắn bó với người dân Thạch Cầu 17 năm qua mà Nghị định 103/2017/QĐCP mới chỉ ra đời được 2 năm.
Nay đột ngột dừng hoạt động rất khó khăn, chúng tôi rất lúng túng và chưa có phương án giải quyết ngay được.
Chúng tôi tha thiết kính mong Ủy ban Nhân dân phường và Quận Long Biên sáng suốt và rộng vòng tay nhân ái có những quyết sách hợp lý để những người yếu thế và các cháu khuyết tật được nhờ cậy vào các cấp chính quyền.
Vì vậy Trung tâm Phúc Tuệ xin được tiếp tục hoạt động thêm 6 tháng nữa để Trung tâm có thời gian hoàn tất các điều kiện và thủ tục chăm sóc, giáo dục và hướng nghiệp trẻ em khuyết tật.
Trẻ khuyết tật học văn hóa tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N) |
Cô Vũ Thị Loan, giáo viên của trung tâm Phúc Tuệ cơ sở 2 chia sẻ: "Các cháu ở đây hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có điều kiện chăm nom nên các cháu ở lại.
Bây giờ Quận yêu cầu đình chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rất khó cho chúng tôi.
Mọi người cũng biết đôi khi chuyển một cái nhà cũng mất cả tháng mới chuyển xong huống hồ là một trung tâm lớn như vậy.
Chúng tôi cần thời gian để tìm địa điểm mới, ổn định tổ chức, cơ sở vật chất cũng như xin giấy phép, hoàn thành các thủ tục.
Ngoài ra đối với các em khuyết tật mà nói nếu bây giờ trung tâm đóng cửa thì không biết các cháu sẽ đi về đâu, học ở đâu vì các cháu này rất nặng và lớn tuổi các trung tâm khác họ cũng sẽ không nhận".
Hàng chục đứa trẻ bơ vơ nếu trung tâm đóng cửa đột ngột (Ảnh:V.N) |
Không chỉ trung tâm gặp khó mà ngay cả các phụ huynh cũng sẽ gặp khó khăn khi tìm nơi học cho con vì bây giờ là thời điểm giữa năm học.
Bên cạnh đó ở trung tâm cũng thu học phí thấp và hỗ trợ cho các gia đình nên nếu bị dừng hoạt động phụ huynh cảm thấy rất tiếc.
Một phụ huynh bày tỏ: “Bây giờ không cho các cháu ở đây cũng rất khó cho gia đình chúng tôi phải tìm chỗ khác cho các con khác.
Ở đây rất yên tâm vì các cô là người có tâm, học phí lại rẻ. Gia đình tôi nghèo, con cái lại không may mắc bệnh như vậy cho nên có chỗ bấu víu như thế này là rất may mắn”.
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân phường Long Biên: Nếu đến trước ngày 10/11/2019, phía Ủy ban Nhân dân Quận không có điều chỉnh gì thì sẽ tiến hành cưỡng chế cơ sở 2 trung tâm Phúc Tuệ theo đúng quyết định của Ủy ban Nhân dân Quận Long Biên theo phương án ban đầu.
Trung tâm Phúc Tuệ trực thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội. Trung tâm hiện có 2 cơ sở: cơ sở một tại 66 phố Phó Đức Chính có hơn 60 em dạy trẻ hằng ngày; cơ sở hai được thành lập cách đây hơn 4 năm có gần 30 em ở số 3 Thạch Cầu (quận Long Biên) là nơi trẻ được học và ở ngay tại đây. Trung tâm Phúc Tuệ là nơi dạy học, cưu mang, trị liệu nhiều em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn từng được báo chí nhiều lần ca ngợi. Mức học phí của trung tâm chỉ khoảng 1.5 triệu đồng/ tháng nên được nhiều hộ gia đình nghèo gửi con ở đây. Theo chia sẻ của chủ Trung tâm: Hoạt động của chúng tôi cũng vì mục đích từ thiện. Với mức học phí thu như vậy trung tâm thường xuyên bị lỗ vốn. Nhưng chúng tôi xác định làm là vì cái Tâm đối với trẻ em khuyết tật. |