Định kiến công việc thư viện hợp với nữ giới hơn không còn đúng ở bối cảnh 4.0

11/02/2025 06:24
Thúy Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo TS.Nguyễn Văn Thiên, quan niệm cho rằng công việc thư viện hợp với nữ giới hơn do tính chất nhẹ nhàng đã không còn đúng trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Trong thời đại bùng nổ thông tin và chuyển đổi số, ngành Thông tin - Thư viện đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ hình ảnh quen thuộc gắn liền với những thư viện yên tĩnh và công việc lưu trữ tài liệu sang một lĩnh vực hiện đại với trọng tâm là công nghệ số, quản trị dữ liệu và kết nối thông tin toàn cầu.

Đây là minh chứng rõ ràng cho xu hướng đổi mới trong giáo dục đại học, ngành Thông tin - Thư viện tại cơ sở giáo dục đại học không chỉ được tái định hình để thích nghi với yêu cầu của xã hội mà còn đóng vai trò định hướng những thay đổi trong kỷ nguyên công nghệ và toàn cầu hóa.

Chương trình đào tạo với nhiều định hướng mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên, Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, từ năm 2024, ngành Thông tin - Thư viện của trường chính thức phân chia thành hai chuyên ngành: Quản trị thư viện và Thư viện – Thiết bị trường học.

Sự thay đổi này là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo nhu cầu thực tế từ các bên liên quan và định hướng chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng và chuyên sâu trong lĩnh vực thư viện và thông tin.

Đối với chuyên ngành Quản trị thư viện, chương trình đào tạo tập trung hướng sinh viên đến việc quản lý, vận hành và phát triển hệ thống thư viện tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc thư viện công cộng. Trọng tâm đào tạo bao gồm: quản lý tài nguyên thông tin và dữ liệu; ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và vận hành thư viện; phát triển các dịch vụ thông tin phù hợp với nhu cầu đa dạng của cộng đồng người dùng.

Còn chuyên ngành Thư viện – Thiết bị trường học, đặc thù của chuyên ngành này là tập trung phục vụ hệ thống thư viện trong các cơ sở giáo dục. Sinh viên được đào tạo nhằm quản lý tài nguyên thông tin phục vụ cho nhu cầu học tập và giảng dạy; tổ chức và vận hành thư viện trường học hiệu quả; kết hợp quản lý thiết bị giảng dạy, tài liệu học tập và sách giáo khoa.

Trong hệ thống giáo dục, thư viện không chỉ là nơi lưu trữ tài liệu mà còn là trung tâm hỗ trợ cho hoạt động dạy và học. Chính vì vậy, chuyên ngành Thư viện – Thiết bị trường học đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt, đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống thư viện trường học.

Chia sẻ về lý do tách ngành Thông tin - Thư viện thành hai chuyên ngành, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên cho biết, quyết định này được đưa ra sau một quá trình dài nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Sự phân chia dựa trên những đặc thù riêng biệt của thư viện trong từng lĩnh vực thực tế, nhằm đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của xã hội và thị trường lao động hiện nay.

“Nếu như chuyên ngành Quản trị thư viện hướng đến các thư viện công cộng, doanh nghiệp và tổ chức lớn thì Thư viện – Thiết bị trường học lại phục vụ trực tiếp cho hệ thống giáo dục. Mỗi chuyên ngành có nội dung đào tạo riêng, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong việc lựa chọn công việc.

Đồng thời, sự thay đổi trong chương trình đào tạo ngành Thông tin - Thư viện không chỉ phản ánh xu hướng phát triển của xã hội mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. Đây là bước tiến quan trọng nhằm hiện đại hóa giáo dục, đáp ứng nhu cầu của thời đại và tạo điều kiện để sinh viên phát huy tối đa năng lực trong các lĩnh vực họ theo đuổi”, Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho hay.

gdvn-ts nguyen van thien.png
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên, Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. (Ảnh: Thúy Hiền)

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên, hiện nay tỷ lệ sinh viên nữ ngành Thông tin - Thư viện tại nhà trường chiếm ưu thế, có thể lên đến hơn 60%. Điều này bắt nguồn từ quan niệm truyền thống nhiều người cho rằng công việc thư viện phù hợp với nữ giới hơn do tính chất nhẹ nhàng và ổn định. Tuy nhiên, thầy nhấn mạnh rằng đây chỉ là một định kiến không còn phù hợp trong bối cảnh hiện đại.

Thực tế, ngành Thông tin - Thư viện ngày nay đòi hỏi khả năng tư duy logic, kỹ năng công nghệ và sự nhạy bén trong việc giải quyết các bài toán thông tin. Do đó, việc thu hút cả sinh viên nam và sinh viên từ các khối khác thay vì chỉ khối C như trước đây, là xu hướng tất yếu để phù hợp với nhu cầu mới.

Từ năm 2012, ngành Thông tin - Thư viện tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong việc tích hợp công nghệ và đổi mới chương trình đào tạo. Nhờ tham khảo mô hình từ các trường đại học danh tiếng ở New Zealand, Malaysia, Singapore,... nhà trường đã áp dụng nhiều học phần hiện đại như quản trị cơ sở dữ liệu, thiết kế hệ thống thông tin, phần mềm quản lý thư viện và thư viện số. Điều này giúp cho ngành Thông tin - Thư viện từ một lĩnh vực truyền thống trở thành một ngành có tính ứng dụng cao trong thời kỳ chuyển đổi số.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Kiêm - Phó trưởng khoa Thư viện - Thông tin, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, ngành Thông tin - Thư viện không kén chọn nam giới nhưng thực tế số lượng sinh viên nữ vẫn chiếm ưu thế.

Hiện tại, nhà trường chỉ tập trung đào tạo ngành Thông tin - Thư viện, thay vì mở rộng thêm các chuyên ngành khác như Lưu trữ và quản trị văn phòng ở giai đoạn trước đây. Đồng thời, chương trình đào tạo ngành Thông tin - Thư viện được điều chỉnh và cập nhật định kỳ để đáp ứng các tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.

Đặc biệt, vào năm 2022, chương trình đào tạo ngành này đã trải qua quá trình kiểm định chất lượng và đạt chuẩn.

anh minh hoa thong tin thu vien.jpg
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Mộc Trà)

Theo Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Kiêm, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên nam theo học ngành Thông tin - Thư viện tại nhà trường đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể. Nếu trước đây mỗi lớp chỉ có từ 3 đến 5 sinh viên nam, hiện nay, con số này đã tăng lên 10-15 sinh viên nam/lớp. Mặc dù vậy, sinh viên nữ vẫn chiếm đa số, phản ánh phần nào đặc thù của ngành học này.

Chương trình đào tạo ngành Thông tin - Thư viện tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 41 tín chỉ giáo dục đại cương và 90 tín chỉ chuyên ngành, được thiết kế để trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về hoạt động thư viện và quản lý thông tin.

Sinh viên sẽ được học các kỹ năng quan trọng như tổ chức và xây dựng vốn tài liệu, lưu trữ và bảo quản tài liệu, khai thác và xử lý thông tin cũng như quản trị thông tin hiệu quả nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của bạn đọc. Ngoài ra, chương trình còn chú trọng phát triển năng lực tổ chức và quản lý các dịch vụ thông tin hoặc tài liệu, giúp sinh viên sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công việc trong bối cảnh thông tin hiện đại.

Theo học ngành Thông tin - Thư viện, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng về phân tích, tổng hợp, tạo dựng các sản phẩm thông tin, số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục và cơ sở dữ liệu toàn văn cùng các sản phẩm thông tin tư liệu đa phương tiện khác phục vụ cho công việc.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Kiêm, để tăng cường thu hút sinh viên theo học ngành Thông tin - Thư viện trong năm học 2025-2026, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét mở rộng chương trình đào tạo. Cụ thể, trường dự kiến bổ sung chuyên ngành Thư viện - Thiết bị trường học vào ngành Thông tin - Thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và tăng tính hấp dẫn của ngành học. Do chưa đủ điều kiện để phát triển các mã ngành lớn đòi hỏi tiêu chuẩn cao, nhà trường sẽ tập trung đẩy mạnh vào việc xây dựng những chuyên ngành chuyên sâu và có tính ứng dụng cao, phù hợp với nguồn lực hiện có.

Cơ hội việc làm bám sát nhu cầu thực tế

Hiện nay, cơ hội việc làm trong ngành Thông tin - Thư viện đã được mở rộng, vượt ra khỏi hình ảnh quen thuộc về công việc quản lý sách vở và tài liệu tại các thư viện truyền thống.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên, nhờ vào sự phát triển của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số, cử nhân ngành này có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực mới như quản lý hệ thống thông tin, xử lý và phân tích dữ liệu hoặc quản trị nội dung số trên các nền tảng trực tuyến. Những thay đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội hiện đại mà còn mở ra vô số lựa chọn nghề nghiệp tiềm năng, giúp sinh viên ngành Thông tin - Thư viện khám phá những cơ hội hấp dẫn và đầy triển vọng.

Cử nhân ngành Thông tin - Thư viện sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng, bao gồm nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực Thông tin - Thư viện hoặc làm việc trực tiếp tại các thư viện, trung tâm thông tin, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia vào lĩnh vực xuất bản, ứng dụng kiến thức về sách để lựa chọn và hiệu đính xuất bản phẩm tại các cơ quan xuất bản, hoặc phát hành sách. Còn trong vai trò lãnh đạo công nghệ thông tin, cử nhân ngành Thông tin - Thư viện sẽ là người đưa ra các quyết định về lựa chọn và ứng dụng công nghệ, đồng thời quản lý việc chia sẻ thông tin trong doanh nghiệp.

Ngành này cũng mở ra cơ hội trong việc quản lý nội dung thông tin, chịu trách nhiệm tìm kiếm và tổ chức hệ thống thông tin cho cộng đồng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin và tài liệu của người dùng. Bên cạnh đó, sinh viên có thể làm công việc quản trị dữ liệu, tổ chức, cập nhật và lưu trữ thông tin cho tổ chức hoặc môi giới cung cấp thông tin cho đối tác có nhu cầu,...

Chia sẻ với phóng viên, chị Mai Thị Trang - cựu sinh viên ngành Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội hiện công tác tại Trung tâm Thư viện, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết, ngành học này mang tính đặc thù cao, mọi kiến thức chuyên ngành được đào tạo đều gắn liền và phù hợp chặt chẽ với các công việc nghiệp vụ thực tiễn.

Theo chị Trang, chương trình đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội được thiết kế phù hợp với bối cảnh giáo dục và nhu cầu xã hội hiện nay. Chương trình không chỉ đáp ứng kỳ vọng nâng cao trình độ của người học mà còn tích hợp các học phần thực hành hữu ích, giúp sinh viên làm quen với thực tế và hiểu rõ các lĩnh vực công việc chuyên môn.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội và công nghệ, ngành Thông tin - Thư viện đang mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Công việc trong lĩnh vực này không còn giới hạn trong việc quản lý kho tài liệu in truyền thống mà đã mở rộng sang các kỹ năng ứng dụng hệ thống thông tin, phần mềm và các công cụ công nghệ hiện đại để quản lý tài liệu in và tài liệu số hiệu quả.

nganh thong tin thu vien.png
Theo chị Trang chia sẻ, mức lương dành cho viên chức công tác tại thư viện của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để những người làm việc trong lĩnh vực này yên tâm gắn bó lâu dài. (Ảnh: NVCC)

Còn chị Trần Lê Trúc Quỳnh, cựu sinh viên ngành Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù ngành học này không phải là lựa chọn ban đầu nhưng qua quá trình tìm hiểu, nó không chỉ phù hợp với sở thích cá nhân mà còn giúp chị phát triển nhiều kỹ năng quan trọng.

Theo chị Quỳnh, chương trình đào tạo tại trường kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, không chỉ tập trung vào nghiệp vụ thư viện mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý thông tin. Điều này giúp sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng thích ứng với nhiều môi trường làm việc hiện đại.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian làm việc tại thư viện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chị Quỳnh đã ứng dụng hiệu quả các kiến thức chuyên môn vào công việc thực tế.

Các kỹ năng tổ chức tài liệu, phân loại, lập mục lục và quản lý tài liệu thông qua các phần mềm chuyên dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thư viện. Đồng thời, nền tảng công nghệ thông tin giúp số hóa tài liệu và thiết kế sản phẩm truyền thông phục vụ cho công tác quảng bá dịch vụ thư viện.

Đối với cựu sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Thông tin - Thư viện không chỉ gói gọn trong công việc truyền thống mà còn mở ra nhiều cơ hội trong bối cảnh số hóa hiện nay. Những lĩnh vực như quản lý thông tin doanh nghiệp, truyền thông số và phân tích dữ liệu lớn (big data) đang dần trở thành xu hướng. Chính điều này đã thúc đẩy chị quyết tâm theo đuổi và phát triển sự nghiệp trong ngành, xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.

Thúy Hiền