Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Vì vậy, đội ngũ nhân viên thư viện trong trường học cũng cần nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện tại chế độ cho họ lại thấp.
“Nhân viên thư viện phải như những người làm dịch vụ”
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Thư viện luôn là “trái tim” của trường học, đóng vai trò là cầu nối trung tâm của tất cả các hoạt động giáo dục".
Thầy Hùng cho biết, hiện nay, để đáp ứng nhu cầu trong Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT, nhân viên thư viện phải có trình độ chuyên môn cao và sự đa năng trong công việc.
Cụ thể, nhân viên thư viện không chỉ cần hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực tri thức của nhà trường mà còn phải nắm rõ nhu cầu của giáo viên, từ đó hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Để giáo viên và học sinh có thể tiếp cận tri thức hiệu quả, nhân viên thư viện cần phải cung cấp tài liệu đọc phù hợp và đa dạng. Đọc sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức, và thư viện chính là nơi tạo điều kiện tốt nhất cho việc này.
Thêm vào đó, người làm công tác thư viện cần có chuyên môn vững vàng, hiểu rõ cách truyền tải tri thức và có khả năng tổ chức các hoạt động thú vị để thu hút giáo viên và học sinh.
Đối với cấp tiểu học, kỹ năng giao tiếp và làm việc với trẻ em của nhân viên thư viện là vô cùng quan trọng. Nhân viên thư viện trường học phải như những người làm dịch vụ, thân thiện và nhiệt tình, luôn mong muốn mọi người đến với mình và sẵn lòng phục vụ họ. Thay vì là những thủ thư nghiêm khắc, họ cần phải là những người thực sự yêu nghề và có tinh thần cầu thị, tạo ra một môi trường học tập tích cực và hấp dẫn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng nhấn mạnh rằng, sự đa năng và tinh thần phục vụ của nhân viên thư viện chính là yếu tố then chốt để biến thư viện trở thành một nơi không chỉ lưu trữ sách mà còn là trung tâm của sự sáng tạo và học hỏi trong trường học.
“Ngày xưa, vị trí nhân viên thư viện thường bị xem nhẹ, thậm chí có quan niệm rằng ai không làm được việc gì khác thì chuyển xuống thư viện làm. Tuy nhiên, với tư duy đổi mới hiện nay, câu chuyện này đã thay đổi hoàn toàn”, thầy Hùng cho hay.
Bàn về thực tiễn nhiệm vụ và vai trò của nhân viên thư viện, thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, công việc của nhân viên thư viện trường học bao gồm việc theo dõi hồ sơ mượn sách của giáo viên và học sinh, cũng như giám sát các hoạt động trong thư viện.
Hàng tuần, nhân viên thư viện phối hợp chặt chẽ với các bộ phận trong nhà trường và giáo viên các lớp để tổ chức các hoạt động giới thiệu sách mới, trưng bày triển lãm sách giáo khoa, và giới thiệu các đầu sách hay. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh tiếp cận với nhiều loại sách phong phú mà còn khuyến khích văn hóa đọc trong trường học.
Ngoài ra, nhân viên thư viện còn phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến sách và thư viện. Đặc biệt, các tiết đọc tại thư viện được đảm bảo diễn ra đều đặn và chất lượng, tạo cơ hội cho học sinh khám phá thế giới tri thức rộng lớn.
Nhờ vào sự tổ chức và phối hợp này, thư viện của trường đã trở thành một trung tâm học tập sôi động và hấp dẫn, góp phần quan trọng vào việc phát triển văn hóa đọc và kỹ năng học tập cho học sinh.
“Hiện nay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Thông tư 16, nhân viên thư viện phải đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tổ chức các tiết đọc sách, giúp học sinh trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu các tài liệu học tập. Điều này đòi hỏi nhân viên thư viện phải có nghiệp vụ sư phạm nhất định, đồng thời sở hữu kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhân viên thư viện không chỉ đơn thuần là người quản lý sách mà còn đóng vai trò như những người hướng dẫn, giúp học sinh hiểu sâu hơn về nội dung của tài liệu và sách tham khảo. Họ cần phải nắm vững phương pháp giảng dạy, kỹ năng truyền đạt thông tin một cách hiệu quả, và khả năng tương tác với học sinh để khơi gợi sự hứng thú và đam mê đọc sách”, thầy Bình nhấn mạnh.
Yêu cầu cao, đãi ngộ thấp
Chia sẻ về những khó khăn của nhân viên thư viện trường học, thầy Bình trăn trở: “Mặc dù có tiêu chuẩn cao nhưng nhân viên thư viện lại nằm trong nhóm nhân viên dùng chung và mức lương không cao. Dù công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động giảng dạy, họ lại không được hưởng phụ cấp. Đây là một thiệt thòi lớn đối với nhân viên thư viện, bởi họ đảm nhận khối lượng công việc rất lớn và đóng vai trò quan trọng.
Nhà trường chỉ có thể động viên bằng tinh thần do không có thêm nguồn thu nhập và cũng không có điều kiện để hỗ trợ tài chính thêm cho đội ngũ này. Sự chia sẻ và động viên tinh thần là phương thức chủ yếu để giúp họ vượt qua những khó khăn chung”.
Căn cứ Điều 9 Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL, bảng lương của nhân viên thư viện trường học đang được tính như sau:
- Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng I được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55;
- Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng II được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
- Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng III được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Ngoài mức lương cơ bản theo quy định trên và mức phụ cấp độc hại (tùy theo địa phương có áp dụng hay không), nhân viên thư viện trường học không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hay thu nhập nào thêm.
Cô Khúc Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) cho hay: "Thông thường, mỗi thư viện trường học chỉ có một nhân viên đảm nhiệm công tác thư viện, hiếm hoi mới có trường có hai cán bộ làm công tác này.
Công việc thì nhiều và vất vả, đòi hỏi nhân viên thư viện phải lên kế hoạch một cách khoa học mới có thể thực hiện tốt công việc của mình. Chính vì vậy, nhân viên thư viện cũng chính là người quản lý mọi công việc của thư viện.
Tại trường tôi, nhân viên thư viện tốt nghiệp trình độ đại học, vào ngành từ năm 2013 nhưng hiện nay vẫn hưởng lương trung cấp, mã ngạch V.10.02.07, hệ số 2.86. Sau khi thêm phụ cấp 0.2 là 360.000đ thì thu nhập mỗi tháng mới được 4.967.460 đồng (Đã trừ bảo hiểm xã hội). Với mức thu nhập hàng tháng như này thì rất khó khăn cho người lao động để đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác".
Cô Huệ cũng nêu 1 số kiến nghị của mình nhằm cải thiện thu nhập cho nhân viên thư viện như sau:
Trước hết là nhân viên thư viện cần được hưởng lương đúng với bằng cấp.
Cùng với đó, cần có hỗ trợ phụ cấp ưu đãi cho nhân viên thư viện trường học nói riêng và người làm trong ngành giáo dục nói chung như của giáo viên.
Thầy Lê Hữu Bình đề xuất: "Để nâng cao hơn nữa vai trò và sự công nhận cho nhân viên thư viện trường học, có thể xem xét việc xếp họ vào ngạch giáo viên. Đồng thời, cần có cơ chế chức danh riêng và chế độ phụ cấp đặc thù để hỗ trợ đội ngũ nhân viên thư viện, tương tự như các chế độ đã được áp dụng cho nhân viên y tế trước đây”.
Trước đó, vào ngày 18/12/2023, Bộ giáo dục và Đào tạo có Công văn số 7066/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ về việc đề xuất chế độ chính sách cho nhân viên trường học.
Trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị nhân viên trường học (bao gồm nhân viên thư viện, văn thư, kế toán, thiết bị, thủ quỹ, công nghệ thông tin, y tế…) được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Mức 25% là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng, và đây cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức đang được hưởng.
Theo Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, người làm công tác thư viện có trách nhiệm:
Lập kế hoạch bảo quản, lưu trữ, kiểm kê, thanh lọc và phát triển tài nguyên thông tin theo quy trình nghiệp vụ thư viện; sửa chữa những thiết bị đơn giản, tiêu hủy thiết bị hỏng, hết hạn sử dụng;
Quản lý, lưu giữ và sử dụng hệ thống hồ sơ, sổ sách theo dõi việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản thư viện;
Phối hợp xây dựng kế hoạch hoạt động của thư viện theo tuần, tháng, học kỳ và năm học;
Chủ trì, phối hợp với giáo viên triển khai các hoạt động của thư viện theo quy định; bảo đảm các điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ trong quá trình diễn ra các hoạt động tại thư viện;
Xây dựng nội dung và tổ chức các tiết đọc tại thư viện; chuẩn bị tài nguyên thông tin và các thiết bị chuyên dùng theo yêu cầu của từng lĩnh vực giáo dục trung học có sử dụng tiết đọc tại thư viện;
Lập báo cáo định kỳ, thường xuyên về công tác thư viện;
Tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.