Định mức theo sĩ số, hàng loạt giáo viên có thể mất việc vì dôi dư

15/02/2022 06:36
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo người viết, nếu thực hiện đúng định mức giáo viên theo sĩ số như dự thảo, hàng loạt giáo viên sẽ thất nghiệp, bài toán xã hội này sẽ giải quyết ra sao?

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã rất nhanh chóng đưa dự thảo đến với giáo viên cả nước.

Cô giáo Tr. (đề nghị không nêu tên) ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Mấy ngày nay, trường em đọc bài về dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nếu thực hiện theo dự thảo, một nửa giáo viên trường em sẽ mất việc. Về hưu trước tuổi thì chưa đủ tuổi, xin chuyển đến nơi khác sẽ rất khó, vì gia đình, vợ con ở đây quen rồi.

Đó là chưa nói đến, ai đi, ai ở, ai sẽ quyết định … chỉ nghĩ đến mà thấy hoang mang, lo lắng”.

Với vai trò quản lý, thầy giáo C. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Nếu thực hiện 1,9 giáo viên/45 học sinh, trường em sẽ dư rất nhiều giáo viên.

Lúc đó buộc phải thôi hợp đồng với một số giáo viên, lúc này sẽ phát sinh môn thì thừa giáo viên, môn sẽ thiếu giáo viên.

Với bậc học phổ thông, phân công chuyên môn chéo ngành đào tạo, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ thấp, cái khổ học sinh, phụ huynh, xã hội phải gánh”.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, các cơ sở giáo dục được chia làm 3 vùng.

Vùng 1: Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Vùng 2: Các xã của thị xã, các xã của thành phố trực thuộc tỉnh, các xã, thị trấn thuộc thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc vùng 1); các địa phương không thuộc vùng 1, vùng 3.

Vùng 3: Các quận nội thành và thành phố của thành phố trực thuộc Trung ương, các phường của thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Ảnh chụp màn hình định mức giáo viên theo sĩ số 3 cấp học của dự thảo do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình định mức giáo viên theo sĩ số 3 cấp học của dự thảo do tác giả cung cấp

Trên cơ sở các vùng, định mức giáo viên mỗi trường sẽ được tính trên sĩ số của học sinh. Sĩ số học sinh/lớp đông, số giáo viên sẽ lớn, và ngược lại.

Các trường ở vùng 2 hiện nay sĩ số học sinh/lớp thường dao động từ 20 đến 35 học sinh/lớp. Ngược lại, các trường vùng 3 sĩ số học sinh/lớp thường bằng hay lớn hơn rất nhiều so với quy định của điều lệ trường tiểu học, trung học.

Chính vì thế, sẽ xảy ra hiện tượng thừa giáo viên ở vùng 2, thiếu giáo viên ở vùng 3, hay nói cách khác hàng loạt giáo viên vùng 2 sẽ mất việc.

Ngay địa phương người viết, thuộc vùng 2, có trường trung học cơ sở chỉ 8 lớp, mỗi lớp trung bình 22 học sinh, hiện tại có 18 giáo viên.

Nếu theo dự thảo, số giáo viên của trường chỉ còn 8 người, như vậy, 10 giáo viên phải … mất việc, bên cạnh đó, nếu tổ chức lại, trường chỉ còn 4 lớp, 1 lớp/khối, sẽ phân công chuyên môn như thế nào?

Nhìn mặt tích cực, định mức giáo viên theo sĩ số của dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, sẽ giảm số lượng giáo viên.

Cùng với đó, sẽ bắt buộc các địa phương sáp nhập các trường nhỏ, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi ngân sách cho bộ máy cồng kềnh, có cơ hội để tăng lương cho giáo viên.

Thế nhưng, hàng loạt giáo viên sẽ thất nghiệp, bài toán xã hội này sẽ giải quyết ra sao?

Đôi điều kiến nghị

Thứ nhất, Bộ cần có hướng dẫn thực hiện chi tiết đối với giáo viên dôi dư sau khi thông tư có hiệu lực.

Giáo viên càng lớn tuổi càng khó thích nghi, nên phải được ưu tiên giữ lại. Với đối tượng giáo viên được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020, thuộc “biên chế suốt đời”, nên khi giảm biên chế, phải ưu tiên người có thâm niên.

Thứ hai, cần có thống nhất việc tuyển dụng, các cơ sở giáo dục vùng 3 phải ưu tiên cho giáo viên vùng 2 dôi dư. Giáo viên vùng 2 được hưởng nguyên lệ số lương khi chuyển sang vùng 3 công tác.

Thứ ba, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng giáo viên dôi dư, không bắt buộc họ phải thi tuyển.

Thứ tư, có chế độ phù hợp, khuyến khích giáo viên cận tuổi hưu, nghỉ hưu trước tuổi, tạo điều kiện cho giáo viên trẻ, cũng là nâng cao chất lượng đội ngũ.

Thứ năm, định mức tiết dạy/tuần của giáo viên hiện nay, có còn phù hợp với cách tính định mức giáo viên/sĩ số? Bộ cần có tính toán, quy định cho phù hợp, nếu không sẽ phản tác dụng khi thực hiện định mức biên chế/sĩ số.

Chính sách tốt, khi thực hiện sẽ đem lại sự an yên, cho nhân dân và người lao động, người viết mong Bộ Giáo dục có hướng dẫn chi tiết khi thực hiện thông tư mới, để giáo viên an tâm tư tưởng công tác.

Tài liệu tham khảo:

- Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

- Luật số: 52/2019/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến