Chuyện xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua đã nhận được không ít ý kiến trái chiều của dư luận.
Xếp chức danh nghề nghiệp theo hạng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lương của viên chức nói chung, giáo viên nói riêng, khi áp dụng vào ngành giáo dục đã bộc lộ nhiều bất cập.
Xếp giáo viên theo hạng, chẳng khác hôm nay làm việc, ngày mai không nhưng nhà nước phải trả công suốt đời
Theo tiêu chuẩn nhiệm vụ trong loạt Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục, giáo viên muốn xếp chức danh nghề nghiệp hạng I, II không dễ.
Phần lớn những giáo viên xếp chức danh nghề nghiệp hạng I, II, phải là những người đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, hay kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó, giáo viên cốt cán của trường, huyện, tỉnh...
Với ngành giáo dục, có những đặc thù riêng so với viên chức cả nước, có thể hôm nay giáo viên làm tổ trưởng, tổ phó… có đủ điều kiện về nhiệm vụ, để giữ hạng cao, nhưng tháng sau, năm sau có thể không giữ các chức vụ trên nữa.
Hạng cao nhất của giáo viên ở trong trái tim học trò. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, do tác giả cung cấp) |
Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành thì hạng đã “thăng” thì không “hạ”, giáo viên vẫn giữ hạng cao, dù chỉ làm nhiệm vụ giáo viên hạng thấp hơn.
Người viết lấy ví dụ cụ thể từ bản thân mình, năm 2016 người viết có bằng Cử nhân, giữ chức vụ tổ trưởng, có đủ các chứng chỉ quy định, nên được xếp hạng II.
Năm 2019, người viết không giữ chức vụ tổ trưởng nữa, nhưng vẫn giữ hạng II cho đến hôm nay (năm 2022).
Trong lúc đó, giáo viên thay người viết, giữ chức vụ tổ trưởng, vẫn là chức danh nghề nghiệp hạng III, vì đang chờ được xét thăng hạng.
Hiện nay, người viết chỉ là giáo viên bình thường, nhưng vẫn “hiên ngang” giữ hạng II, có người thắc mắc, nhưng không có cơ sở pháp luật nào để “hạ hạng” người viết.
Như vậy, chẳng khác gì, người viết làm công cho nhà nước, đã được trả công trong thời gian làm, nay nhà nước tiếp tục trả công cho đến “hết đời”.
Chuyện này không chỉ người viết, mà có rất nhiều trường hợp tương tự, bạn đọc có thể thấy ngay trong trường mình.
Đây chính là bất cập khi xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng, đã "lên" là không "xuống". Việc trả lương theo hạng như thế này sẽ đi ngược lại với chủ trương trả lương theo vị trí việc làm.
Cùng dạy định mức như giáo viên khác, không kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ nào, nhưng nhờ lịch sử để lại, nên lương cao hơn đồng nghiệp, chính bản thân người viết cũng thấy vô lý, dù mình đang được hưởng lợi.
Ngành giáo dục nên xếp chức danh nghề nghiệp như thế nào cho phù hợp?
Bộ đang lấy khảo sát ý kiến của giáo viên trên TEMIS để thay đổi các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT cho phù hợp.
Nếu giáo viên sợ bị “đì”, không dám nói thật, thì giáo viên đó còn dạy được ai về lòng trung thực, lòng dũng cảm, trách nhiệm xã hội?
Người viết không phản đối việc sử dụng TEMIS để khảo sát, chỉ là thời gian, phương thức, nội dung khảo sát không phù hợp thực tế, Bộ nên xem xét lại.
Việc xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng là bắt buộc, phải thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Vì thế, nên chăng Bộ Giáo dục cần có quy định trong Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, giáo viên không còn thực hiện nhiệm vụ của hạng được xếp, phải xuống hạng.
Để làm được việc này, cần thay đổi cơ chế, hình thức tổ chức xét thăng hạng, việc xét thăng, xuống hạng, nên giao cho nhà trường, cơ quan quản lý trực tiếp viên chức ra quyết định.
Hiện nay, hiệu trưởng đã kí quyết định nâng lương cho giáo viên, nên giao hiệu trưởng kí quyết định thăng hạng, hay hạ hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là phù hợp.
Việc giao quyền quyết định xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên cho hiệu trưởng sẽ góp phần tiết kiệm ngân sách, giảm thủ tục hành chính, thích hợp khi chúng ta đang tiến hành chuyển đổi số.
Không giữ nhiệm vụ phải xuống hạng, cơ sở giáo dục xếp hạng, hiệu trưởng kí quyết định xếp chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, những vấn đề này thuộc quyền của Bộ Giáo dục, có thể thay đổi được.
Làm được như thế, tránh được tình trạng làm việc được trả công rồi, nhà nước vẫn phải “còng lưng” trả công suốt đời cho công việc đó.
Việc xét thăng hạng hết sức đơn giản, nhanh chóng, chính xác, không cần nhiều hồ sơ, minh chứng, kinh phí, ban bệ...
Đơn giản hơn, đó là, không xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng.
Tôi đề nghị Bộ Giáo dục tham mưu cho Chính phủ, xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên thành hai loại, như xếp loại viên chức: chức danh nghề nghiệp quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) và chức danh nghề nghiệp không quản lý (giáo viên).
Những giáo viên được phân công kiêm nhiệm nhiệm vụ khác: tổ trưởng, tổ phó, công đoàn, đoàn thanh niên, thanh tra… đều đã được trừ tiết kiêm nhiệm, có hệ số phụ cấp rồi, không cần trả thêm một lần lương nữa trong hạng cao hơn như hiện nay.
Xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên thành hai loại: chức danh nghề nghiệp quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) và chức danh nghề nghiệp không quản lý (giáo viên), đảm bảo công bằng, không có chuyện sống lâu lên lão làng và tránh được các bất cập khác của “hạng”.
Điều quan trọng nhất, đó chính là, ngành giáo dục giúp giáo viên giữ được vị trí, hình ảnh giáo viên trong mắt xã hội, giáo viên không còn “mặc cảm” trước học trò vì mang hạng thấp nữa .
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.