Trường tôi sắp lên chuẩn, vì thế giáo viên cũng buộc phải đủ chuẩn theo yêu cầu.
Trong buổi họp hội đồng tuần trước, hiệu trưởng rà soát lại văn bằng của các giáo viên và thống kê còn 7 thầy cô chưa có 2 chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Giáo viên buộc phải có 2 loại chứng chỉ này (Ảnh minh họa Báo Nhân đạo & Đời sống) |
Hiệu trưởng cho biết: “Nếu các thầy cô không bổ sung đủ chứng chỉ thì cuối năm sẽ xếp loại chưa đạt”.
Mặc dù những thầy cô giáo này đã tìm đủ Thông tư, công văn hay văn bản của Bộ Giáo dục nhưng chẳng thấy có cái quy định nào nếu giáo viên không có 2 loại chứng chỉ kia sẽ xếp loại viên chức không đạt.
Thế nhưng lệnh trên ban ra ai dám không chấp hành? Nhất là nghe hiệu trưởng hù rằng người ta về công nhận trường chuẩn nhưng giáo viên chưa đủ chuẩn sẽ ảnh hưởng đến sự công nhận và bao công sức của cả trường tập trung 2 năm nay sẽ đổ sông đổ biển.
|
Giáo viên đành ngậm ngùi tìm cách lấy chứng chỉ.
Khổ nỗi trong số 7 thầy cô ấy có 2 thầy cô chỉ sang năm là đúng tuổi về hưu mà cũng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để đem về 2 tấm chứng chỉ kẹp hồ sơ cho đủ yêu cầu.
Có tiền là có ngay chứng chỉ
Ngày thứ 7 không phải lên trường, 7 giáo viên đến trung tâm dạy nghề cách trường dăm chục cây để đăng ký lớp học ngoại ngữ và tin học.
Người tiếp nhận thông báo nộp tiền và chủ nhật thi sau 2 tuần là có ngay chứng chỉ.
Giá cho chứng chỉ ngoại ngữ là 1.300.000 đồng, giá chứng chỉ tin học 1.500.000 đồng tổng cộng là 2.800.000 đồng.
Có thầy cô phải đi mượn người thân, người đành vay ngoài cho kịp thời gian lấy chứng chỉ vì đâu phải lúc nào trong người cũng có sẵn tiền nhất là món tiền lớn như thế.
Nộp tiền xong, 7 giáo viên được phát cho 7 bộ đề cương và được người hướng dẫn bật mí cho cách làm bài.
Đó là học thuộc mấy câu hỏi về họ tên, tuổi, nghề nghiệp, quê quán…cùng một bài tự luận nhưng mấy thầy cô nói chẳng hiểu nội dung là gì. Người hướng dẫn nói cứ chép nguyên đoạn này vào bài là được.
Những câu trắc nghiệm đúng sai khoanh bằng bút chì hoặc cứ để trống là xong.
Cô hỏi bằng tiếng Việt cho nhanh
|
Sau buổi thi về, nhiều giáo viên kể chuyện vòng thi vấn đáp mà ai nấy đều ôm bụng cười không ngớt.
Người nói khi được giáo viên vấn đáp hỏi tên, tuổi, nghề nghiệp bằng tiếng Anh, cô H. trả lời câu nào cũng bị giám khảo lắc đầu mà chẳng hiểu lý do vì sao?
Cô nói đêm qua mình đã nhờ con bày cho đọc thuộc thứ tự từng câu trả lời rồi.
Nghe thế, một thầy cho biết có thể cô học theo thứ tự họ, tên, nghề nghiệp và quê quán nhưng khi vào vấn đáp vị giám khảo lại hỏi quê quán, nghề nghiệp sau mới đến họ tên nên cô mới trả lời sai.
Cô H. nói mình đã năn nỉ giám khảo: “Cô hỏi tiếng Việt luôn cho khỏe, cô hỏi lộn xộn thế, em rối quá chẳng trả lời được”.
Vị giám khảo bật cười và không hỏi nữa. Thế rồi ai cũng qua vòng với điểm số ít nhất là 5 và nhiều nhất đạt điểm 8.
Đúng như giao kèo 2 tuần sau ai cũng nhận chứng chỉ loại khá hẳn hoi. Thầy M. cười nói: “Mất vài triệu đồng nhưng được yên ổn, thoát nợ”.