Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ngày 11/4, đại diện Đại học Đà Nẵng và Đại học Duy Tân đã nêu ra hàng loạt kiến nghị.
Luật cần bổ sung thêm một chương về doanh nghiệp
GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, nhân lực là nguồn lực có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của mọi tổ chức và mọi quốc gia.
GS.TS Trần Văn Nam, giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu kiến nghị Luật phải bổ sung một chương dành riêng về doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực. Ảnh: TT |
Thực tế đã minh chứng về những thành công ở nhiều quốc gia mà sự thịnh vượng này bắt nguồn từ việc đầu tư và làm giàu vốn con người như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Luật giáo dục còn hạn chế, chưa theo kịp thực tiễn(GDVN) - Thực tiễn áp dụng Luật giáo dục đại học cho thấy có một vài quy định đến nay không còn phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi cần có điều chỉnh kịp thời. |
“Sự đi lên, phát triển các quốc gia này nhờ vào việc đầu tư vào phát triển con người. Để đào tạo nguồn nhân lực thành công có vai trò rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Và xã hội cần có những chế tài để các doanh nghiệp tham gia vào sự nghiệp đào tạo nhân lực hiệu quả” thầy Nam nói.
GS Nam cũng chỉ ra một thực tế, ở nước ta hiện nay, nhân lực là nguồn lực mà các doanh nghiệp gần như không có trách nhiệm trong việc tạo ra các kỹ sư, cử nhân.
Đây là gốc rễ của vấn đề, làm cho sự nghiệp đào tạo nhân lực, đào tạo đại học ở nước ta không phát triển. Vì vậy, Luật nên có riêng một chương về doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
“Ở các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài thì người ta rất quan tâm đến nhân lực. Và người ta thường đầu tư trở lại bằng cách hỗ trợ về cơ sở vật chất, tài chính. Còn doanh nghiệp Việt Nam thì rất hiếm”.
Cũng theo GS Nam, hiện Đại học Đà Nẵng đang có liên kết với Công ty ô tô Trường Hải trong đào tạo kỹ sư.
Trong đó, doanh nghiệp này đã hỗ trợ chi phí cho Trường đại học Bách Khoa đào tạo lớp kỹ sư, sau khi ra trường sẽ về làm việc tại công ty.
Sự chia sẻ này đã giúp cho doanh nghiệp sử dụng tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, không để xảy ra tình trạng phải "đào tạo lại".
Ngoài ra, khoản 6 điều 12 của Luật giáo dục Đại học cũng có quy định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”.
Đại diện Đại học Đà Nẵng cho rằng, cần bổ sung thêm nội dung: “nhà nước sẽ giảm thuế cho những khoản chi của các tổ chức dành cho hỗ trợ đào tạo nhân lực”. Bởi theo vị này, đây là chính sách giúp các doanh nghiệp và các tổ chức có trách nhiệm với hoạt động đào tạo.
Bỏ “trường cao đẳng” trong Luật giáo dục đại học
Trong Luật giáo dục đại học hiện hành vẫn còn quy định về trường cao đẳng. Tuy nhiên, kể từ ngày 31/12/2016, đã có sự thay đổi về quản lý nhà nước về vấn đề này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi đề nghị phải tự chủ triệt để, ngay lập tức(GDVN) - Trường đại học chỉ mới tự chủ “cái vỏ bề ngoài", bằng chứng là phòng tổ chức, đào tạo quyền năng quá to, các giáo sư bên dưới không đủ quyền về chuyên môn. |
Trong đó, đào tạo cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được điều tiết theo Luật giáo dục nghề nghiệp.
Đại diện hai trường Đại học Đà Nẵng và Đại học Duy Tân cùng có kiến nghị phải thay đổi hoặc loại bỏ cụm từ “trường cao đẳng”.
TS Võ Thanh Hải – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho rằng, nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu ban hành các cơ sở chính sách, hỗ trợ về tài chính cho các trường tư thục.
“Nghị định này có hiệu lực từ tháng 12/2013, đến nay đã gần bốn năm nhưng chưa có văn bản nào của các Bộ hướng dẫn thực hiện. Nếu những gì trường thực hiện thì sau này có các văn bản ra sau thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
TS Hải dẫn ra một bất cập khác là tại nghị định số 11/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhưng hiện đang xảy ra một thực tế khá tréo ngoe.
“Trường đang chuyển đổi quốc tế hóa nên cần đội ngũ giáo viên người bản xứ. Tuy nhiên, nghị định này lại quy định rằng đối tượng này được xếp vào hàng “chuyên gia”. Mà chuyên gia thì phải có trình độ thấp nhất phải từ Đại học trở lên.
Nhưng những người đến từ Anh, Mỹ thì họ chỉ dạy tiếng Anh, còn không có trình độ tốt nghiệp như mình. Do đó, khi mời họ đến dạy bổ trợ thì xin giấy phép không được” TS Hải nói.
Đại diện Đại học Đà Nẵng cũng kiến nghị phải giải thích rõ cụm từ: “phân tầng đại học” (khoản 1 điều 9 về phân tầng cơ sở giáo dục đại học).
Trong đó, phải nói rõ, đơn vị hay tổ chức nào chịu trách nhiệm ban hành các tiêu chí và kết quả phân tầng đại học. Vì nếu không làm rõ ngay từ đầu thì sẽ gây khó khăn để triển khai thực hiện, dễ phát sinh cơ chế xin cho.
“Thời hạn các tiêu chí phân tầng nên ổn đinh ít nhất trong vòng 5 năm. Bổ sung nội dung phân tầng các cơ sở đại học tinh hóa và đại học đại chúng theo nhu cầu xã hội hiện nay” vị này nói thêm.
Tại khoản 1 điều 11 về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, Đại học Đà Nẵng cũng đề nghị bổ sung: “vị trí địa lý, sự phát triển kinh tế xã hội của từng vùng lãnh thổ trên toàn quốc”.
Lý do là mạng lưới trường Đại học không chỉ theo dân số, vị trí địa lý mà gắn chặt với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Nếu chỉ theo tiêu chí dân số và địa lý thì sẽ dẫn đến khuynh hướng "đại học hóa" hầu hết các tỉnh như hiện nay, ngay cả những địa phương chưa phát triển. Hệ quả của việc này là số người tốt nghiệp không tìm được việc làm gia tăng, không phát triển được nghề nghiệp…
Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị sửa đổi Luật giáo dục Đại học được gửi đến đoàn giám sát quốc hội.
Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thừa nhận, qua một thời gian triển khai Luật giáo dục nói chung và Luật giáo dục đại học nói riêng đã nảy sinh nhiều bất cập, không hợp lý.
Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị, giải pháp từ hai trường đại học lớn ở miền Trung nhằm hoàn thiện hệ thống Luật về giáo dục.