PGS. TS Đỗ Ngọc Thống giải thích tại sao đề Ngữ văn nên ra theo hướng gợi mở?

30/09/2023 06:42
Sơn Quang Huyến
GDVN-Thực tế hiện nay, không ít giáo viên khi ra đề kiểm tra, thường sử dụng câu hỏi dạng áp đặt như một thói quen khó bỏ.

Một số địa phương ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn ra theo hướng gợi mở đã nhận được sự đồng tình của dư luận, đặc biệt là học sinh.

Thực tế hiện nay, không ít giáo viên khi ra đề kiểm tra thường sử dụng câu hỏi dạng áp đặt như một thói quen khó bỏ.

Tại sao nên ra đề theo hướng gợi mở, hạn chế câu hỏi áp đặt?

Dưới đây là một số chia sẻ của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn đồng thời là tác giả viết sách giáo khoa về việc tại sao nên ra đề theo hướng gợi mở, hạn chế câu hỏi áp đặt.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ, trong dạy học Ngữ văn (đọc hiểu cũng như làm văn), cần chú ý cách nêu câu hỏi, cách ra đề làm văn (gọi chung là câu hỏi) với định hướng mới: không nên nêu các câu hỏi mang tính áp đặt, thay vào đó cần có câu hỏi gợi mở.

Câu hỏi áp đặt là loại câu hỏi nêu ý kiến có sẵn của một cá nhân (danh nhân hoặc người ra đề/người hỏi), mặc định sẵn nội dung cần nói và viết theo một hướng đã có, rồi yêu cầu học sinh phân tích, lí giải, làm sáng tỏ cho ý kiến ấy.

Với loại câu hỏi này, học sinh chỉ tập trung minh họa cho một ý kiến đã được xác định. Ví dụ, khi dạy đọc hiểu đoạn trích “Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích”, giáo viên không nên yêu cầu học sinh bằng câu hỏi: Hãy phân tích diễn biến tâm trạng từ buồn bã, lo lắng đến sợ hãi, hoảng hốt của Thúy Kiều trong 8 câu thơ cuối “Buồn trông...”(1).

Khi nêu câu hỏi như thế (1) là đã nêu luôn đáp án rồi. Nội dung “diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều từ buồn bã đến lo lắng và cuối cùng là sợ hãi, hoảng hốt chính là nội dung học sinh phải tìm, phải đọc ra từ các câu thơ trong đoạn trích. Nhưng điều đó đã có sẵn trong câu hỏi, học sinh chỉ còn biết nêu lại và minh họa cho nội dung ấy.

Trong việc ra đề kiểm tra, thi cũng nên hạn chế tối đa cách ra đề văn với các yêu cầu như: Hãy phân tích và làm sáng tỏ nhận định:“Chí Phèo là hiện thân cho sự khốn khổ tủi nhục của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám”(2)

Hoặc Bàn về thơ, Đuy-blây có viết:“Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”, bằng hiểu biết về thơ, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên (3)....

Tất cả các dạng câu hỏi, đề văn nêu trên đều nêu theo dạng áp đặt. Vấn đề ở đây không phải là ý kiến/ nhận định ấy không đúng mà là cách hướng dẫn học sinh suy nghĩ và thực hiện; cách tiếp cận vấn đề không ổn.

Các yêu cầu ở câu hỏi (2) và (3) nội dung cũng đã định trước, áp đặt người viết chỉ có thể minh họa và làm sáng tỏ cho các ý kiến được coi là “danh ngôn”, đại đa số học sinh sẽ làm theo hướng minh họa ấy.

Trong khi vẫn là các yêu cầu cần đọc ra và làm rõ ở trên, giáo viên có thể thay bằng các dạng câu hỏi gợi mở khác nhau.

Ví dụ, với (1) câu hỏi sẽ là: Tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích được thể hiện trong 8 câu thơ cuối như thế nào?

Nêu câu hỏi như thế, học sinh sẽ phải lần lượt tìm hiểu: Đó là tâm trạng gì? Tâm trạng ấy diễn biến như thế nào? Nguyễn Du đã thể hiện diễn biến tâm trạng ấy ra sao/ bằng cách nào?... Nội dung phân tích, trả lời ngắn hay dài, nông hay sâu, phong phú hay đơn giản, đúng hay sai... tùy vào trình độ, suy nghĩ của mỗi học sinh.

Tương tự với câu (2) có thể gợi mở: Theo anh chị, hình tượng Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao gợi cho người đọc suy nghĩ gì về người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống Đỗ Ngọc Thống (thứ 7 từ trái sang). Ảnh NVCC

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống Đỗ Ngọc Thống (thứ 7 từ trái sang). Ảnh NVCC

Học sinh suy nghĩ như thế nào tùy thuộc vào mỗi cá nhân, không nhất thiết chỉ tập trung làm sáng tỏ rằng “Chí là hiện thân cho sự khốn khổ tủi nhục của người nông dân...” mặc dù ý kiến ấy không sai.

Yêu cầu phân tích, chứng minh cho một ý kiến đã định trước thực chất là cột chặt tư duy của học sinh vào một cái khung cố định, chỉ có thể nghĩ theo hướng ấy, làm sáng tỏ cho ý kiến ấy.

Đồng nghĩa với yêu cầu học sinh không được nghĩ khác, làm khác... Đến khi nêu đáp án, giáo viên lại nêu đúng như ý của mình hoặc sách/ tài liệu đã có.

Trong khi nhận xét, đánh giá, chấm bài nếu học sinh trả lời hoặc viết ra ngoài những đáp án ấy đều bị cho là lạc đề, lạc ý, không đúng...

Hệ quả là cách dạy ấy vô tình đã bóp chết những suy nghĩ riêng của học sinh, không khuyến khích được cá tính, sáng tạo, chỉ biết minh họa cho những gì có sẵn...

Ngược lại, với loại câu hỏi mở, đề mở chỉ gợi ra vấn đề, đề tài cần trình bày, trao đổi, tạo ra khoảng trống để học sinh phát biểu suy nghĩ của cá nhân.

Rất nhiều ý kiến đúng như những chân lí, nhưng luôn yêu cầu học sinh chỉ chứng minh cho chân lí thì không phát triển được tư duy nói chung và tư duy phản biện nói riêng.

Các em cần phải suy nghĩ nhiều chiều, nhiều hướng trước một ý kiến, một hiện tượng trong cuộc sống và được thể hiện theo cách nghĩ, cách biểu đạt của chính mình.

Ý kiến của học sinh có thể không đúng, chưa hay; bài viết của các em có thể chưa dài, còn vụng về, sơ lược... nhưng là suy nghĩ của riêng người viết, là sản phẩm của mỗi cá nhân.

Điều quan trọng ở đây là học sinh được nghĩ, giáo viên khuyến khích các em tự suy nghĩ, dạy học sinh cách nghĩ độc lập để tránh được hiện tượng “văn mẫu”.

Sơn Quang Huyến