Đôi điều tản mạn về chuyện lương của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ

26/02/2021 06:45
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải chăng chỉ vì mắc mớ chuyện nâng lương của của cá nhân Giám đốc Thắm mà sở này trì hoãn việc xem xét nâng lương cho toàn bộ nhân sự của sở?

Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, “ngang cơ” với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Với vị thế này, dư luận cho rằng lãnh đạo các cơ quan công quyền tại thành phố Cần Thơ chắc phải là những người đủ tâm và đủ tầm. Riêng với Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ, lãnh đạo sở này còn phải là tấm gương cho các nhà giáo và học sinh noi theo.

Với vai trò lãnh đạo ngành giáo dục toàn thành phố, Giám đốc, các Phó Giám đốc sở phải là tấm gương không chỉ về năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mà còn đạo đức của nhà giáo theo truyền thống “Lành cho sạch, rách cho thơm”.

Vậy thì vì sao ông Nguyễn Phúc Tăng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ vào ngày 22/02/2021 lại ký tiếp công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố nâng lương trước hạn cho cấp trên trực tiếp của mình là Giám đốc sở Trần Hồng Thắm khi lãnh đạo cấp trên đã bác bỏ?

Được biết trên cơ sở kết luận cuộc họp giao ban Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ ngày 09/01/2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ “Tập thể Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố đã xem xét và thống nhất không thực hiện chế độ nâng bậc lương trước hạn năm 2019 đối với bà Trần Hồng Thắm”. [1]

Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ. (Ảnh: Tienphong.vn)

Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ. (Ảnh: Tienphong.vn)

Xin nêu hai trong bốn lý do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đưa ra để quyết định không nâng lương trước hạn cho Giám đốc Trần Hồng Thắm:

Một là tại Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ: “Hầu hết các gói thầu mua sắm, các gói thầu tư vấn thẩm định giá đều chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định…”;

Hai là liên quan đến vai trò lãnh đạo, điều hành của Giám đốc Thắm về công tác cán bộ và quy chế dân chủ tại cơ quan và đơn vị trực thuộc Sở, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Cần Thơ kết luận:

“Kết quả đã chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm tại Sở GD-ĐT cần được chấn chỉnh và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT chưa thực hiện kế hoạch khắc phục theo kết luận của Ban cán sự Đảng UBND TP tại cuộc họp ngày 20/5/2020. [2]

Hai lý do còn lại liên quan đến việc cá nhân bà Thắm chỉ được Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Ban Tổ chức, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá ở mức “hoàn thành nhiệm vụ” năm 2019. [2]

Tìm hiểu thêm được biết cho đến tháng 10/2020, toàn thành phố Cần Thơ còn duy nhất Sở Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn năm 2019 cho công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. [2]

Phải chăng chỉ vì mắc mớ chuyện nâng lương của của cá nhân Giám đốc Thắm mà sở này trì hoãn việc xem xét nâng lương cho toàn bộ nhân sự của sở?

Chẳng lẽ cán bộ, công chức dưới quyền muốn nâng lương thì phải chờ giải quyết xong lương của Giám đốc hoặc chí ít cũng phải gộp vào xét cùng một lúc chứ không thể tách riêng ảnh hưởng đến quyền lợi của lãnh đạo?

Và phải chăng ông Phó Giám đốc tự nguyện đề xuất việc tăng lương cho bà Giám đốc chứ không có chuyện “Chị bảo chú cái này”?

Ngày 17/11/2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trong buổi gặp gỡ các giáo sư và nhà giáo nhân dân mới được Nhà nước công nhận đã cho biết:

“Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án tăng lương cho giáo viên, để đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương”.

Mười lăm năm đã trôi qua và câu chuyện nhà giáo “sống được bằng lương” vẫn được xem là câu chuyện cổ tích thời hiện đại, vậy chẳng lẽ bà Giám đốc Thắm chỉ trông mong vào lương Giám đốc sở để sống?

Và phải chăng ông Phó Giám đốc Nguyễn Phúc Tăng vì bất bình thay cho bà Giám đốc sở trước quyết định của cấp trên mà phải tiếp tục làm công văn đề nghị?

Hay là ông Tăng giấu không cho bà Thắm biết việc mình gửi công văn đề nghị nâng lương trước hạn năm 2019 cho bà Thắm?

Đa số nhà giáo xưa nay vốn mang cái sĩ của kẻ có học, và người viết đoán rằng Giám đốc Thắm chắc không muốn uy tín của mình bị đem ra bàn luận chỉ vì “mấy đồng bạc”.

Thế nên dư luận có quyền nghi ngờ, rằng động cơ thực sự của vụ cấp phó “cố đấm” để cấp trưởng “ăn xôi” là gì?

Trả lời câu hỏi này, chợt nhớ đến kế thứ 7 “Liều mình cứu phó” trong loạt 09 kế của “Binh pháp quan trường”, loạt bài này đăng rải rác từ năm 2014. [3]

Tuy kế sách hiến cho các “công bộc” là “Liều mình cứu phó” nhưng cũng không quên nói đến chuyện “cứu Trưởng”, chỉ có điều đây phải là “Trưởng con” đã chắc suất thành “Phó nhớn” hoặc “Trưởng nhớn”, chí ít thì “Trưởng con” này cũng phải thuộc “Tứ cờ, Ngũ ệ”.

Nhiều người khẳng định phải là “Ngũ cờ” (5C - con cháu các cụ cả), nhưng đưa thêm từ “cả” vào nghe thật vô duyên vì dễ gây hiểu lầm, rằng chỉ con cháu “các cụ cả” mới được ưu tiên sẵn “ghế” còn con cháu “các cụ thứ” thì không được!

Riêng chuyện “ệ” thì hơi đặc biệt, lúc đầu hầu hết các phát ngôn hoặc bài viết chỉ đề cập đến “Tứ ệ” (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ), năm 2014, người viết từng đề cập đến “Võ lâm ngũ ệ” (ngoại lệ, hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) trong kế sách thứ ba của Binh pháp quan trường “Bắt quàng làm họ”. [4]

Gần đây còn có vị lại khẳng định phải là “Lục ệ” với vị trí dẫn đầu là “tiền tệ” (tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ). [5]

Sự thống nhất không có gì kỳ lạ của mọi quan điểm là bất kỳ kiểu “ệ” nào thì “trí tuệ” cũng đứng cuối cùng.

Trở lại câu chuyện Phó Giám đốc sở đề nghị nâng lương cho Giám đốc sở ở Cần Thơ, Nếu “Trưởng con” trở thành “Phó nhớn” thì kẻ liều mình “cứu Trưởng” chẳng lẽ lại không được “Trưởng con” chăm bẵm, chẳng lẽ lại bị hắt hủi?

Thế liệu việc làm của ông Phó giám đốc Nguyễn Phúc Tăng có bị phản tác dụng?

Nếu ông Phó Giám đốc không “liều mình” gửi tiếp công văn xin lương cho bà Giám đốc thì báo chí hơi đâu mà tò mò, mà khui ra tới bốn lý do khiến cấp trên không nâng lương cho bà Giám đốc sở làm cho dư luận cả nước biết năm 2019 cấp trên của ông ấy chỉ được xếp loại lao động bình thường (hoàn thành nhiệm vụ).

Thế ngộ nhỡ đây là “tính toán khoa học” được lên chi tiết thì sao? Dù “Trưởng con” có thành “Phó nhớn” hay “Phó thường dân” sau vụ việc này thì cái ghế ấy cũng trống, cũng là cơ hội ngàn vàng cho các “Phó bé”?

Hỏi thế chứ mấy ai đủ tầm “Cầm đèn chạy trước ông Phó” và vì thế xin dẫn lại câu viết trong Binh pháp quan trường, rằng “Quân tử phòng thân, “ệ nhân” phòng bị gậy” vốn là nguyên tắc sống được truyền lại từ đời cụ tổ “Con Sâu”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.tienphong.vn/giao-duc/sau-khi-bi-tu-choi-so-giao-duc-can-tho-tiep-tuc-de-nghi-nang-luong-truoc-han-cho-nu-giam-doc-1796622.tpo

[2] https://www.phunuonline.com.vn/vi-sao-giam-doc-so-gd-dt-can-tho-khong-duoc-xet-nang-luong-truoc-han-a1425309.html

[3]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/binh-phap-quan-truong-ke-thu-7-lieu-minh-cuu-pho-post155636.gd

[4] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/binh-phap-quan-truong-ke-thu-ba-bat-quang-lam-ho-post150686.gd

[3] https://soha.vn/dung-de-xa-hoi-gieu-cot-bang-5c-va-6-e-20170927162736101.htm

Xuân Dương