Ảnh minh họa |
Sự kiện đang được các chuyên gia mổ xẻ liên quan tới quyền tự chủ tuyển sinh của các trường CĐ-ĐH năm 2014 và các năm sau khiến người viết dù không muốn song vẫn cứ phải “băn khoăn”. Tìm hiểu trên các báo viết, báo điện tử mới thấy “băn khoăn” là một chủ đề được đề cập cũng giống như chuyện lên xuống của giá vàng.
“Băn khoăn đổi mới giáo dục” (Người lao động 24/9/2013), “Băn khoăn về “chất” của lực lượng tham gia viết sách” (Giáo dụcViệt nam 2/11/2013); “Chạy trường, chọn lớp - Còn đó những băn khoăn” (Dântrí.com.vn 24/10/2013); “Chính sách với nhà giáo: Niềm vui và những băn khoăn” (Baodientu.chinhphu.vn 20/11/2013)…
Băn khoăn là sự không yên tâm vì đang có những điều phải xuy nghĩ, cân nhắc. Băn khoăn thiên về tâm trạng muốn giải đáp một điều gì đó còn chưa rõ. Các định nghĩa “băn khoăn” có thể tìm thấy từ các nguồn như vi.wiktionary.org; vdict.com; tratu.soha.vn; informatik.uni-leipzig.de,…
Những vấn đề nhỏ, riêng tư mà băn khoăn thì không có gì phải bàn, nếu liên quan đến quốc gia đại sự mà chỉ “băn khoăn” thì lại không phải chuyện bình thường? Đành rằng ngôn ngữ thông tin đại chúng không thể đao to búa lớn, nhưng tại sao lại cứ phải là “băn khoăn” mà không phải là một từ nào khác. Băn khoăn bao giờ cũng có ý nước đôi: vừa tin lại vừa không tin, phản đối nhưng lại bỏ phiếu trắng…, nếu sự kiện thành công thì có nghĩa là “tôi ủng hộ nhưng chỉ có chút xíu vương vấn”, nếu sự kiện thất bại thì có nghĩa là “tôi đã cảnh báo nhưng các vị không chịu lắng nghe”.
Có hai từ kép đều bắt đầu bằng chữ cái “bờ” (B) và “khờ” (K) là “băn khoăn” và “bâng khuâng”. Nhà thơ Tố Hữu khi phải lựa chọn giữa con đường dấn thân cho cách mạng hay cho bản thân đã viết: “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”. Báo CAND Online ngày 22/10/2009 trong bài viết về việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn đã sửa hai từ “bâng khuâng” thành “băn khoăn”, câu thơ vì thế trở nên vừa nghi ngờ, vừa trào phúng không còn chất lãng mạn của thi ca.
Tiếng Việt có hai cụm ký tự phát âm giống nhau là “oăn, uăn”, để nguyên hay kết hợp với các dấu đều có tính tượng thanh rất rõ. Kết hợp để thành các từ, hoặc biến tấu theo vần trong hầu hết các trường hợp nó chẳng đem lại cái gì thắng thắn, sáng sủa, chẳng hạn các từ “loăn xoăn”, “vặn xoắn”, “quăn queo”, “loằng ngoằng… Thêm dấu huyền thành “oằn”: “oằn lưng”, “quằn quại”, thêm dấu nặng nó thành “quặn đau” . còn thêm dấu hỏi biến thành “oẳn”, ngoài “oẳn tù tì” của trẻ con thì trên văn đàn ai cũng biết “oẳn” xuất hiện khi Vũ Trọng Phụng viết: “nó là cái thằng oẳn tà roằn không biết chống gậy”? Tiếc rằng không thể hỏi nhà văn tại sao cái giống người lai ấy lại là “oẳn tà roằn”
Một lần ngồi dự buổi tuyển sinh đại học ở Học viện Kỹ thuật Liberec, Cộng hòa Sec (Tiệp Khắc cũ). Các GS, PGS, Trưởng bộ môn mỗi người được bố trí một phòng, hình thức tuyển chọn là phỏng vấn trực tiếp thí sinh, thư ký có trách nhiệm ghi lại toàn bộ nội dung buổi phỏng vấn nộp cho lãnh đạo trường. Sau khi phỏng vấn thí sinh sẽ biết ngay mình có được nhận vào học hay không. Người Sec quan niệm đã tốt nghiệp phổ thông là có thể học đại học, vấn đề là tại sao bạn chọn ngành này, tại sao bạn chọn trường chúng tôi và khả năng diễn đạt ngôn ngữ của bạn như thế nào thì cần đánh giá trực tiếp.
Cách làm này không áp dụng được ở nước ta vì với vài chục GS, PGS làm sao phỏng vấn hết vài vạn thí sinh đăng ký dự thi, không những thế xã hội vẫn chưa đặt lòng tin tuyệt đối vào đội ngũ những “ông đồ” hiện đại mà nền giáo dục đang có. Cách làm của nước bạn được tiến hành vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Còn chúng ta ngày nay vẫn cứ tiếp tục “băn khoăn” nên chọn hình thức thi cử, tuyển sinh nào!
Nhân đọc loạt bài của tác giả Xuân Trung đăng trên giaoduc.net.vn ngày 10-11/1/2014 người viết lại một lần nữa cảm thấy “băn khoăn”. Trong “5 bỏ” mà Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập (NCL) đề nghị, thực chất chẳng cần bỏ cái gì cả, chỉ cần mục thứ 5 “đề nghị Bộ GD&ĐT chuẩn bị năm tới chỉ có một kỳ thi quốc gia nghiêm túc (bỏ kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng) để làm cơ sở cho các trường tự chủ tuyển sinh”.
Người viết đã không chỉ một lần đề cập đến vấn đề này, có thể thấy trong các bài “Bỏ thi tốt nghiệp đồng nghĩa với việc chạy điểm” (Vietnamnet.vn 06/08/2013); “2 trong 1- chiếc phao cho xã hội hóa giáo dục hay cho Bộ, ngành?” (Giaoduc.net.vn 16/10/2013)… những kiến nghị này về cơ bản giống như đề xuất của Hiệp hội các trường CĐ-ĐH NCL.
Câu hỏi đặt ra là vì sao trong khi nhiều vị nguyên là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng của Bộ GD&ĐT có đề xuất chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp thực nghiêm túc thì lãnh đạo đương nhiệm lại rụt rè? Có phải đó là một nét “truyền thống đậm đà bản sắc” của riêng giáo dục, ấy là khi rời nhiệm sở, có nhiều thời gian hơn, bình tâm xuy nghĩ mới nhìn nhận vấn đề “thoáng” hơn, đề cập vấn đề một cách trực diện hơn?
Chắc chắn lãnh đạo bộ biết tất cả, chỉ có điều hiện nay do cần phải “cân nhắc” nên các vị chưa thể bộc bạch tâm can, các vị đang “để dành” để sau này sẽ có lúc dùng đến.
Một vài bài báo nêu câu hỏi: “Bộ có tính nhầm?” hay “Bộ có hiểu sai?”..., tóm lại là Bộ vẫn đang “băn khoăn” nên chọn đường nào. Cho phép tự chủ hoàn toàn hay tự chủ có điều kiện, hình thành một nền giáo dục ĐH mở theo đòi hỏi của xã hội hay theo định hướng đã vạch sẵn?
Gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải nhanh chóng cổ phần hóa, nếu đơn vị nào không làm được thì cho lãnh đạo nghỉ hưu. Yêu cầu này chưa động chạm đến giáo dục nhưng sớm muộn giáo dục cũng phải vào guồng. Chẳng lẽ phải chờ đến lúc Tổng Bí thư nói rằng, nếu không nhanh chóng thực hiện nghị quyết Hội nghị TW8 khóa 11 về đổi mới giáo dục thì lãnh đạo ngành phải nghỉ hưu?
Có thể thấy chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục và đào tạo Bộ GD&ĐT chưa quan tâm đúng mức mà lại đang sa đà quá mức vào thiết kế các rào cản. Có thể thông cảm là áp lực của các trường công lập lên Bộ là rất lớn, chẳng hạn ngày10/1/2014 Vietnamnet.vn có bài “Đại học công phản pháo kiến nghị '5 bỏ' “.
Bài viết nêu ý kiến của một số lãnh đạo trường công như: “Với điều kiện hiện nay chưa thể bỏ thi 3 chung, bỏ điểm sàn càng không thể”; “Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia hiện chưa chín muồi vì 2 kỳ thi tính chất khác nhau” … Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực còn nhấn mạnh: “nếu gộp 2 kỳ thi làm 1 thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp vì chưa kiểm soát được. Kỳ thi ĐH vẫn đảm bảo được tính khách quan, trung thực hơn”…
Những ý kiến nêu trên mặc dù là ý kiến cá nhân song nó cho thấy một thực tế đáng buồn, chính vì giáo dục vẫn còn nhiều những con người như vậy nên TW mới phải nhận định: “Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo… còn chậm và lúng túng”.
Xin nhắc lại ở đây Khoản 4 điều 9, Điều lệ Đảng: “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”. Người lao động bình thường sẽ nghĩ thế nào khi mà ngành Giáo dục vẫn tồn tại nhiều viên chức, công chức có học hàm, học vị cố tình giải thích sai Luật Giáo dục đại học, khi mà nhiều Đảng viên cố tình không muốn thực hiện nghị quyết của TW như ông trưởng phòng ĐT ĐH Điện Lực?
Chỉ cần một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thật nghiêm túc, lấy điểm tốt nghiệp làm “chuẩn quốc gia” cho các trường tuyển sinh là không phải tranh luận về điểm sàn, về chung riêng… Quan trọng là sau đó Bộ phải làm tốt công tác thanh tra, phải minh bạch, công khai các đơn vị vi phạm và kỷ luật thật nặng lãnh đạo các đơn vị này.